Để bảo vệ từng tấc đất biên cương, đã có biết bao liệt sĩ nằm lại chiến trường, chừng đó gia đình mất đi người cha, người con thân yêu.
Tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc cách đây 40 năm, đã có hàng vạn người con Việt Nam ra đi chiến đấu và không trở về. Nhiều người may mắn được trở về sau cuộc chiến vẫn luôn ghi nhớ những kỷ niệm dù đau thương nhưng rất đỗi hào hùng, ở nơi mà họ cùng đồng đội cống hiến một thời tuổi trẻ cho nỗ lực bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, những người lính năm xưa luôn nỗ lực vươn lên, có cuộc sống tốt đẹp và sống xứng đáng với những hy sinh của đồng đội, người thân.
Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Tạ Hải/TTXVN)
Với Thiếu tướng Lê Văn Bẩy – Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, ký ức về những ngày tháng năm 1979 không bao giờ phai mờ khi thời điểm ấy, ông là một trong những chiến sĩ của tiểu đoàn cảnh sát cơ động tỉnh Lai Châu, được huy động lên biên giới phía Bắc theo lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng kêu gọi toàn quân, toàn dân kháng chiến bảo vệ từng tấc đất vùng biên cương.
Bị thương khi thất lạc đơn vị, lê lết trong rừng 5 ngày, 6 đêm, nhịn đói, nhịn khát, ông cùng 1 đồng đội ăn lá rừng và nước suối để sống và may mắn được bà con dân tộc Mông đưa về nuôi giấu trong hang đá.
Trở về sau cuộc chiến, Thiếu tướng Lê Văn Bẩy tiếp tục cố gắng học tập, chiến đấu. Hiện tại, ông là Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, tiếp tục cùng đồng đội bảo vệ vùng biên, giữ bình yên cho cuộc sống người dân.
“Chúng tôi rất phấn khởi, tự hào và biết ơn những người dân vùng biên giới đã giúp đỡ bộ đội rất nhiều. Nhân dân đã tạo điều kiện cho bộ đội, lực lượng vũ trang hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó. Cha mẹ sinh ra tôi, Đảng và Nhà nước dạy dỗ tôi, còn người dân vùng biên sinh ra tôi lần thứ 2, tôi luôn biết ơn họ”- Thiếu tướng Lê Văn Bẩy chia sẻ.
Là một người con của tỉnh Hà Giang, chứng kiến cảnh vùng đất quê hương bị xâm phạm, anh Hoàng Văn Chương (tổ 6, thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) gia nhập quân ngũ vào năm 1979, khi vừa tròn 18 tuổi, bảo vệ Mốc 10, biên giới Việt-Trung, xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì.
Anh Hoàng Văn Chương kể lại, những năm tháng đó, anh phải đi đêm tuần tra đường biên, mốc giới biên giới của Tổ quốc, mang theo cơm nắm, lương khô, nước uống, không để địch phát hiện.
Để bảo vệ từng tấc đất biên cương, đã có biết bao liệt sĩ nằm lại chiến trường, chừng đó gia đình mất đi người cha, người con thân yêu. Đó là nỗi đau mà nhiều người lính trở về luôn đau đáu.
Với ông Trần Đức Cải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình trăn trở nhất hiện nay là đâu đó, nhiều hài cốt của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ một thời sát cánh cùng ông nơi chiến hào nay vẫn đang nằm lại trong những cánh rừng, trên núi cao, bờ sông, bờ suối vùng biên cương.
Ông Trần Đức Cải nhớ lại: “Toàn bộ chiến sĩ Sư đoàn 337 chốt ở đó từ năm 1979 đến năm 1986 mới lui về phía sau. Trong thời gian bảo vệ biên giới, chúng ta cũng hy sinh nhiều, nhất là ở bình độ 400. Khi cuộc chiến xảy ra, có rất nhiều đồng chí hy sinh ở đó nhưng chưa tìm thấy xác. Mong muốn là Đảng, Nhà nước tìm thấy hài cốt hoặc ghi danh cho họ”.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dù nhiều lần Tổ quốc bị lâm nguy, nhưng người dân Việt Nam vẫn luôn kiên cường chiến đấu, quyết bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất quê hương. Sau 40 năm kể từ ngày nổ ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, hoa đã nở trên những mảnh đất biên cương ngày nào là bom đạn, chết chóc.
Dù chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng với truyền thống nhân ái và yêu chuộng hòa bình, người dân Việt Nam sẵn sàng gác lại quá khứ, mở ra tương lai, mong ước sống hòa bình trong tình hữu nghị với nước bạn, cùng nhau phát triển./.
Kim Thanh/VOV1
Nguồn: VOV