Đến năm nay thì việc dâng sao giải hạn đã trở thành một vấn đề của xã hội. Trên mạng xã hội, trên truyền thông, người dân bàn nhiều hơn về việc đó.
Những năm trước, việc lên tiếng rằng đó không phải việc đúng với Phật pháp có, nhưng chưa nhiều như năm nay. Nó cho thấy việc dâng sao giải hạn tại các chùa đã trở thành một vấn đề có tính xã hội, nó đã ảnh hưởng tới đời sống xã hội đến mức những người có liên quan không thể mặc kệ được nữa. Họ thấy mình buộc phải lên tiếng.
Ảnh hưởng, bởi số lượng người tham gia dâng sao đã đạt đến đủ nhiều để ai cũng nhận thấy điều đó đang lan mạnh.
Không khó tìm thấy ảnh hưởng xã hội của số đông dâng sao này. Chẳng hạn, ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội), người dâng sao giải hạn ngồi tràn ra lòng đường, xâm lấn không gian công cộng. Việc này cũng khiến nhiều công an được điều tới để giữ an ninh trật tự gây tốn kém cho nhà nước.
Một hoạt động tôn giáo tín ngưỡng thay vì ở trong không gian riêng của tôn giáo đã xâm lấn sang không gian công cộng. Điều đó rõ ràng không thể được pháp luật cũng như nhiều người hoan nghênh. Cũng có thể đặt ra thêm vấn đề, giả sử đó là một dịch vụ tôn giáo thì dịch vụ đó có cần thu thuế như mọi hoạt động dịch vụ hay không.
Chính người trong Giáo hội Phật giáo cũng lên tiếng về điều này. Chẳng hạn, có nhiều chức sắc đã đăng đàn và nói việc dâng sao giải hạn không phải là việc đúng theo giáo lý Phật giáo. Như vậy, với chính trong nội tại của giáo hội, đã có biểu hiện cho thấy, việc nhà chùa tổ chức dâng sao giải hạn gây tích tụ vấn đề.
Điều đó cũng có nghĩa nhiều chức sắc tôn giáo đã đặt câu hỏi, liệu việc dâng sao này có ảnh hưởng tới uy tín của giáo hội không, rồi tự họ cũng cho rằng sẽ có ảnh hưởng. Nếu dâng sao giải hạn trong nhà chùa là một sự dung nạp thêm yếu tố khác vào Phật giáo, thì cũng không nên để sự dung nạp này khiến công chúng có thể nghi ngờ sự trong sạch của Phật giáo.
Giờ đây, khi việc dâng sao giải hạn trong chùa không đúng giáo lý nhà Phật đã trở thành vấn đề tranh luận, cũng là lúc chúng ta cần có hướng giải quyết vấn đề này. Không những cần có hướng giải quyết, mà còn chủ động đưa ra hướng giải quyết. Tôn giáo tín ngưỡng gây ảnh hưởng tới xã hội, tới con người. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tôn giáo tín ngưỡng cũng từ chính niềm tin của con người mà ra, và con người có thể thay đổi được nó.
Vấn đề đặt ra là nhà nước và chính Giáo hội Phật giáo có thể làm gì. Rõ ràng, cả hai có thể cùng nhau đưa hoạt động dâng sao giải hạn này về đúng không gian của nó, không để nó tràn ra ảnh hưởng tới không gian công cộng nữa. Về phía mình, Phật giáo cũng có thể coi đây như một cơ hội “chấn hưng”, để thay đổi yếu tố chưa phù hợp với giáo lý của mình.
Nguồn: Thanh niên