Tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta xác định: “Tư duy nhiệm kỳ” là chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn, trước mắt có lợi cho mình, tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ quản lý hoặc sắp xếp vào những vị trí có nhiều lợi ích để trục lợi”. Như vậy, khi nhắc đến “tư duy nhiệm kỳ”, có thể nhận diện dựa trên những dấu hiệu sau đây:
Bài 1: Dấu hiệu nhận diện và tính nguy hiểm của “tư duy nhiệm kỳ”
Thứ nhất, xét về chủ thể của “tư duy nhiệm kỳ” là cán bộ giữ vị trí lãnh đạo tại một cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước các cấp, còn đảm nhiệm chức vụ, quyền hạn theo nhiệm kỳ (thông thường là 5 năm).
Thứ hai, xét về mặt hành vi, người cán bộ, lãnh đạo có “tư duy nhiệm kỳ” sẽ tìm cách sử dụng quyền lực, lợi dụng uy tín, ảnh hưởng, chức vụ của mình trong nhiệm kỳ công tác tạo ra những ảnh hưởng hoặc ra những quyết định nhằm phục vụ lợi ích cá nhân.
Thứ ba, bên cạnh việc xem xét yếu tố hành vi thì yếu tố mục đích “vụ lợi cá nhân” của hành vi cũng là một đặc trưng khi đề cập đến “tư duy nhiệm kỳ”. “Vụ lợi cá nhân” trong trường hợp này cần được hiểu theo nghĩa rộng, cụ thể là nhằm phục vụ lợi ích cho bản thân người cán bộ lãnh đạo, cho gia đình và thậm chí là cho “phe”, “cánh” của người đó.
Dấu hiệu để nhận diện “tư duy nhiệm kỳ” tồn tại trong tất cả các giai đoạn của nhiệm kỳ, nhưng thường sẽ thể hiện rõ hơn ở thời điểm đầu hoặc gần kết thúc nhiệm kỳ. Trong đó, công tác cán bộ và việc hoạch định đường lối, chính sách kinh tế – xã hội là những lĩnh vực chủ yếu mà “tư duy nhiệm kỳ” thường hướng đến. (Thực tiễn cho thấy, trong những lĩnh vực này, dấu hiệu nhận diện “tư duy nhiệm kỳ” sẽ bộc lộ rõ ràng hơn).
“Tư duy nhiệm kỳ” được Đảng ta xác định, cảnh báo là một trong những biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng (trong những “dạng” suy thoái trên, “tư duy nhiệm kỳ” được xếp vào biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị).
“Tư duy nhiệm kỳ” tạo ra cản trở, kìm hãm sự phát triển của đất nước, gây thất thoát tài sản công, lãng phí thời gian, con người và chất xám. Xét dưới góc độ an ninh quốc gia, “tư duy nhiệm kỳ” có thể đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
Bởi vì, “tư duy nhiệm kỳ” là nguyên nhân nảy sinh rất nhiều loại “trọng bệnh” khác nhau, như: Bệnh thành tích, bệnh quan liêu, bệnh cào bằng, bệnh gian dối…
“Tư duy nhiệm kỳ” là nguyên nhân nảy sinh lợi ích nhóm, kéo bè kết phái, gây mất đoàn kết nội bộ, tăng vị kỷ dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, tăng vụ lợi dẫn đến tham nhũng, lãng phí…
Hơn nữa, bất cứ quyết định sai trái, sai lầm của người cán bộ, lãnh đạo trong quá trình đương nhiệm cũng có thể gây ra những hậu quả, hệ lụy tiêu cực, khó lường trước mắt cũng như lâu dài, trong đó có những hậu quả không thể khắc phục như oan sai hoặc liên quan đến vấn đề quy hoạch.
Bên cạnh những hậu quả trên, “tư duy nhiệm kỳ” cũng là nguyên nhân làm cho các cán bộ, đảng viên chân chính, có tâm, có tầm mất niềm tin, không còn động lực để phấn đấu, từ đó sẽ làm thui chột nhân tài của đất nước.
Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch trong và ngoài nước sẽ triệt để lợi dụng vấn đề này để tiến hành các hoạt động chống phá, như xâm nhập nội bộ, gây dựng cơ sở, hạ uy tín cán bộ, tác động, lôi kéo, chuyển hóa cán bộ, đảng viên, phá hoại nội bộ… tạo tiền đề lật đổ chế độ.
Đặc biệt, “tư duy nhiệm kỳ” nếu không được đấu tranh xóa bỏ sẽ tác động trực tiếp đến tư tưởng của quần chúng nhân dân, làm mất niềm tin của quần chúng đối với chính quyền. Khi một chế độ mà tổ chức đảng, chính quyền không còn trong sạch, vững mạnh, đồng thời không được sự ủng hộ, tin tưởng của quần chúng, chế độ đó chắc chắn không thể tồn tại lâu dài.
Như vậy, có thể khẳng định, “tư duy nhiệm kỳ” là một trong những nhân tố cực kỳ nguy hiểm, là nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia trước mắt cũng như lâu dài.
Ở nước ta, “tư duy nhiệm kỳ” nguy hiểm ở chỗ, nó không chỉ tồn tại ở một cơ quan hay lĩnh vực riêng lẻ mà hiện diện ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; không chỉ “bám rễ” ở cấp chính quyền cơ sở mà còn len lỏi vào tận các cơ quan nhà nước cấp trung ương.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, “tư duy nhiệm kỳ” không chỉ diễn ra ở các cán bộ có năng lực yếu kém, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà còn có ở những cán bộ có năng lực, nhưng lại sử dụng chính khả năng của mình làm thứ “độc dược” để vụ lợi cá nhân.
Ngoài ra, khi so sánh dấu hiệu của “tư duy nhiệm kỳ” với dấu hiệu của “tham nhũng”, có thể thấy giữa 2 thuật ngữ này có sự tương đồng, phù hợp, giao thoa lẫn nhau. Ranh giới giữa “tư duy nhiệm kỳ” và “tham nhũng” rất mong manh. Nếu không được phát hiện và đấu tranh kịp thời, “tư duy nhiệm kỳ” sẽ phát triển nhanh chóng cả về “lượng” và “chất”, từ đó sẽ chuyển hóa thành “tham nhũng”.
Các đại án, vụ án gây thất thoát, lãng phí hàng ngàn tỉ; các vụ việc thăng tiến “thần tốc” thể hiện rõ điều đó. Tuy nhiên đây vẫn là con số rất nhỏ so với những vụ việc bị phát hiện (và chưa phát hiện) liên quan đến “tư duy nhiệm kỳ” xảy ra thời gian qua.
Nguyễn Cao Thành
Nguồn: Công an nhân dân