Trang chủ Đấu trường dân chủ Phải chăng đã đến lúc VTV cần một cuộc ‘đại phẫu’!

Phải chăng đã đến lúc VTV cần một cuộc ‘đại phẫu’!

242
0

Trong thời đại 4.0, thông tin là một thứ vô cùng quan trọng mà bất cứ ai cũng cần đến. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hiện nay chúng ta đã có rất nhiều cách để tiếp nhận và thu thập thông tin. Tuy nhiên, các kênh truyền hình là một thứ vẫn không thể thiếu được với mỗi người. Ở Việt Nam, vai trò đó đặt lên cán bộ, nhân viên, cộng tác viên của Đài truyền hình Việt Nam.

Phải chăng đã đến lúc VTV cần một cuộc ‘đại phẫu’!
Sự cố VTV tôn vinh người đàn bà phản Quốc Trần Lệ Xuân (Ảnh chụp màn hình phóng sự về chủ đề ‘Nàng đẹp nhất khi mặc áo dài’ tập 2 do VTV2 phát lại)

Đài truyền hình Việt Nam hay còn được gọi tắt là VTV đã trở thành một cái tên vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam trong rất nhiều năm qua. Với sự tận tâm của “hầu hết” những nhà báo và biên tập viên của VTV đã đem đến cho người dân Việt Nam rất nhiều thông tin bổ ích không chỉ về tinh hình trong nước mà còn cả quốc tế qua những kênh sóng truyền hình của mình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây khi VTV được thương mại hóa và rời khỏi sự bao cấp Nhà nước để làm ăn theo cung cách tự chủ về kinh tế thì hàng loạt những vụ bê bối xảy ra với cường độ ngày càng dày và thậm chí có những vụ bê bối đã làm cho cộng đồng “dậy sóng”. Có thể kể đến một trong những vụ bê bối trong những năm gần đây như sau:

– Dàn dựng phóng sự “quét rau” sai sự thật trong chương trình “Café sáng với VTV3” phát trên kênh VTV3 ngày 04-5-2016.

– Chương trình “Điệp vụ tuyệt mật” (phát sóng ngày 02-5-2015 trên sóng VTV3) hiển thị sai bản đồ Việt Nam: Thủ đô Hà Nội bị đánh dấu đến khu vực Quảng Tây, Trung Quốc và cũng không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

– Chương trình “Câu chuyện văn hóa” trên sóng VTV1, trong đoạn thông tin về điện Long An (Huế), nhầm người cho xây điện này là Thuận Trị (một vị vua nhà Thanh, Trung Quốc) thay vì Thiệu Trị (một vị vua của triều Nguyễn).

– Chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế” tập 18 (2015) đã gây xúc phạm đến những đối tượng trẻ em đang có chứng tự kỉ.

– Chương trình Quà tặng cuộc sống tháng 11-2014 phát phim “Nhặt xương cho thầy” có nội dung phản cảm vì gây xúc phạm nghề giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

– VTV bị cáo buộc dàn dựng phóng sự về nạn phá rừng tại Đắk Lắk.

– Phóng sự “Nói không với thực phẩm bẩn” của VTV24 cũng đã liên quan đến nghi vấn có hay không việc dàn dựng về pate, xúc xích bẩn.

Và đặc biệt chỉ trong chương trình VTV Tết Kỷ Hợi 2019, VTV đã tiếp tục mắc thêm những sai lầm cực kỳ cơ bản nhưng tuyệt đối không thể chấp nhận được đó là:

– Sử dụng hình ảnh của Trần Lệ Xuân cho chương trình “Vẻ đẹp Việt” ngày mồng 1 Tết. Một “mụ đàn bà dâm loàn”, với tham vọng lớn và đã từng có giai đoạn thao túng quyền lực trong chế độ VNCH.

– Trong chương trình Việt nam – Đất nước – Con người “Nàng đẹp nhất khi mặc áo dài” – Tập 2, VTV đã sử dụng hình ảnh của những người đàn bà trong đội “Thanh nữ cộng hòa”, một tổ chức mà ai cũng biết là chân rết của “Đảng cần lao nhân vị” của Ngô Đình Diệm do trực tiếp Trần Lệ Xuân điều hành và hầu hết họ không có tiểu sử tốt lành gì, ngược lại hầu hết là góa phụ có chồng là sĩ quan, binh lính VNCH chết trận, gái làng chơi hoặc thậm chí là những “nữ tướng cướp” dưới chế độ cũ.

Sai phạm nối tiếp sai phạm và ngày càng trở lên cực kỳ trầm trọng. Vậy tại sao chất lượng của VTV mặc dù về mặt bằng chung là ngày càng tăng lên nhưng về những sai phạm ngày càng “khủng khiếp” đến mức như vậy? Có thể kể đến một số nguyên nhân như sau:

1- Sự buông lỏng quản lý, tắc trách trong khâu kiểm duyệt

Mỗi một chương trình trước khi lên sóng đều cần phải được kiểm duyệt chặt chẽ vì khi nó đã được xem bởi hàng mấy chục triệu người dân Việt Nam thì dù có cắt cúp hay xóa bỏ cả chương trình ấy đi nữa thì cũng đã có hàng chục triệu đôi mắt chứng kiến. Liệu rằng những người yêu nước có thể chấp nhận được việc trong một chương trình về Vẻ đẹp Việt VTV đưa lên sóng hình ảnh một “mụ đàn bà dâm loàn”, tội tệ về phẩm chất, một kẻ đã tung hoành trong bộ máy chính trị của chế độ cũ, tàn sát Phật giáo một cách tàn bạo, tiếp tay cho Ngô gia “dìm” người dân miền Nam trong biển máu hay không?

Câu trả lời là KHÔNG BAO GIỜ! Chúng tôi, những người yêu nước Việt Nam không bao giờ chấp nhận điều đó!

2- Sự “sa sút” về chuyên môn, thiếu hiểu biết về những nội dung văn hóa, lịch sử cơ bản

Nếu để ý bạn sẽ thấy trong những năm gần đây khi nói về “Trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt” gần như VTV chỉ biết làm các chương trình về áo dài trong khi với tiến trình lâu dài của lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, người phụ nữ Việt Nam đã không ít lần thay đổi trang phục.

Dường như những người làm chương trình không đủ trình độ và hiểu biết cơ bản về văn hóa và lịch sử Việt Nam để thấy rằng gần như mỗi một triều đại dù ngắn hay dài của lịch sử nước ta đều có ít nhất một lần thay đổi trang phục. Cho đến nay đã có ít nhất là 21 lần thay đổi hoặc cải tiến trang phục để phù hợp với sự diễn biến của lịch sử. Thậm chí có những trang phục còn thể hiện sự thuần Việt hoặc sự đấu tranh văn hóa, tư tưởng cực mạnh của những người con đất Việt nhằm góp phần “chung tay” bảo tồn và làm giàu đẹp văn hóa và truyền thống dân tộc. Ngược lại, dù chiếc áo dài mặc dù hiện nay đang được coi như “biểu tượng” cho nét đẹp của phụ nữ Việt nhưng “soi lại” lịch sử, có thể thấy nó là một trang phục có không ít “sạn” trong quá trình hình thành và phát triển.

3- Sự yếu kém về nhận thức chính trị

Sự yếu kém về nhâự thức chính trị là điều mà chúng ta đã thấy quá rõ qua những chương trình gần đây, điển hình là 2 chương trình có sử dụng tư liệu lịch sử về Trần Lệ Xuân và đội “Thanh nữ cộng hòa” tôi nêu ở trên. Nếu nâng quan điểm lên thì có thể cho rằng đó là một biểu hiện của sự “tự diễn biến – tự chuyển hóa” trong nội bộ, thậm chí là có sai sót trong khâu tuyển dụng của VTV khi để những kẻ có tư duy “hằn học” với Đảng, Nhà nước thậm chí có mưu đồ chống phá trà trộn vào bộ máy của VTV.

Việc đem hình ảnh những “con quỷ cái” của một chế độ bán nước, hại dân lên một chương trình thời lượng không ngắn về vẻ đẹp và truyền thống của người phụ nữ Việt là một điều KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN!

3- Chạy theo lợi ích, cuốn theo vòng xoáy của đồng tiền

Từ khi được thương mại hóa và được tự chủ về kinh tế, không ít phóng viên hoặc cộng tác viên của VTV dường như chỉ cố gắng làm sao để có tin cho bằng được. Và khi mà không có gì để nói thì họ dàn dựng, ăn cắp bản quyền, xây dựng các chương trình “nhảm nhí” để có tin, “nhồi nhét” quảng cáo một cách vô độ. Thậm chí là lấy nguồn thông tin từ các tờ báo “lá cải” hay những tư liệu bị xào nấu, xuyên tạc sai sự thật của BBC, VOA, RFI,… những kênh thông tin độc hại ngầm chống phá hòa bình, ổn định của đất nước ta.

— Vậy thì, chúng ta có nên “quay lưng”, “ruồng bỏ” VTV hay không?

Tính đến tháng 3-2017, VTV có 45 đơn vị trực thuộc, trong đó 32 đơn vị được quy định trong Nghị định của Chính phủ (bao gồm 10 cơ quan thường trú Đài Truyền hình Việt Nam ở nước ngoài), 8 đơn vị trực thuộc khác do Tổng Giám đốc Đài thành lập theo quy định tại Nghị định, 1 đơn vị trực thuộc được thành lập theo Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và 4 doanh nghiệp.

VTV hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo Nghị định số 18/2008/NĐ-CP và Nghị định số 72/2014/NĐ-CP. Tính đến hết năm 2016, tổng số công chức, viên chức và lao động hợp đồng của Đài là 4.105 người. Do ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công tác quản lý, tiết kiệm sử dụng lao động nên Đài mới sử dụng 4.100/4.500 biên chế được phê duyệt năm 2015. Đến năm 2021, Đài tiếp tục giảm 10% biên chế, chỉ còn 3.600 – 3.700 người, trong đó có gần 300 người về hưu mà không bổ sung, thay thế.

Mặc dù có không ít những khuyết điểm cả về chất lượng chuyên môn và công tác quản lý như vậy, tuy nhiên với nhân lực khá hùng hậu tính cả công tác tập trung và không cũng như lực lượng cộng tác viên đông đảo, trong nhiều năm qua VTV đã đem lớn một lượng thông tin khổng lồ về mọi mặt, cả trong nước, khu vực và quốc tế hết sức bổ ích và cần thiết cho chúng ta. Không những vậy, tổng doanh thu của VTV năm 2018 là 5.000 tỷ đồng, thì có tới 4.982 tỷ đồng là doanh thu quảng cáo và đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế cả nước. VTV không phải chỉ là 1 hay 2 người, cũng không phải chỉ là riêng ông Trần Bình Minh và VTV thực sự là một tổ chức có ích, thậm chí là không thể thiếu cho đất nước.

Nếu ví VTV như một cơ thể hoàn chỉnh thì mỗi một cán bộ, nhân viên của VTV là một bộ phận nhỏ trên cơ thể ấy. Chúng ta liệu có nên “vứt bỏ” một cơ thể có ích như vậy không? Câu trả lời là KHÔNG!

Vẫn còn đó những cán bộ, nhân viên có chuyên môn cao, có hiểu biết sâu rộng và tận tâm, hết lòng vì nghề. Vẫn còn đó những phóng viên thức trắng đêm, dầm mưa bão ở rốn lũ miền Trung, thậm chí có cả những người đã bị thương hoặc hy sinh cả thân mình khi làm phóng sự ở những vùng có thiên tai nguy hiểm. Chẳng có một lý lẽ nào đủ hợp lý để ta “ruồng bỏ”, “mắng chửi” cả họ?!

Những sai phạm và bê bối trong thời gian qua của VTV như những khối ung nhọt hết sức nguy hiểm mà nếu không diệt trừ sẽ dẫn đến “căn bệnh” ung thư di căn ra toàn cơ thể. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, ngay bây giờ, có lẽ Chính phủ kiến tạo của chúng ta cần phải tiến hành một cuộc “đại phẫu” với VTV để cắt bỏ những “khối u” độc hại, lấy lại niềm tin cho nhân dân Việt Nam!

Hồng Kỳ

Nguồn: Đấu trường dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây