Trong tuần qua, một số tổ chức, cá nhân chống đối đã đưa ra những dự đoán về tình hình chính trị Việt Nam trong năm 2019. Trước khi phục vụ mục đích tuyên truyền, những dự đoán này thể hiện các chủ đề mà họ đang quan tâm hoặc trông chờ nhất trong thời điểm hiện tại. Trong đó, cuộc phỏng vấn 4 chuyên gia trong và ngoài nước mà phóng viên Ben Ngô thực hiện trên BBC tiếng Việt đặc biệt đáng chú ý, vì những người được phỏng vấn vừa có hiểu biết nhất định về vấn đề, vừa tương đối có tư cách đại diện cho “cộng đồng” của họ.
Phần dự đoán về tình hình kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Văn Phú ở Pháp cho rằng trong năm 2019, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể tăng do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và CPTPP; Việc cho phép thanh toán bằng hình thức chuyển khoản trong thương mại biên giới Việt – Trung sẽ góp phần ổn định tỉ giá VNĐ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung; và khác với dự đoán của nhiều người, chính sách này đã không gây hại cho nền kinh tế Việt Nam, kể từ khi nó được áp dụng 4 tháng trước.
Phần dự đoán về tiến độ cải cách tư pháp, luật sư Đặng Đình Mạnh cho sẽ vẫn diễn ra theo chiều hướng tích cực, do tác động từ CPTPP và EVFTA nhưng thay đổi sẽ diễn ra chậm, do các quan chức, cán bộ của ngành tư pháp vẫn mang tư duy cũ.
Phần dự đoán về tình hình chính trị được đưa ra bởi nhà văn Nguyễn Viện. Ông Viện cho rằng những phát ngôn về khởi nghiệp, kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có một số yếu tố tích cực. Tuy nhiên, chúng chỉ là “những biện pháp để đối phó với tình thế hơn là một thiện tâm hòa nhập với văn minh nhân loại”, rằng “phong trào đấu tranh cho dân chủ và các tổ chức xã hội dân sự sẽ bị càn quét”, các xung đột trên biển Đông sẽ khiến Việt Nam “rất dễ trở thành quân cờ thí như cuộc chiến tranh vừa qua”….
Sau cùng, phần dự đoán về những chuyển biến trong môi trường thông tin, truyền thông được đưa ra bởi “một nghiên cứu sinh ở Mỹ, đề nghị ẩn danh”. Người này cho rằng trong năm 2019, Luật An ninh Mạng và những quy định trong lĩnh vực báo chí sẽ khiến môi trường thông tin Việt Nam bị thắt chặt. Các công cụ tuyên truyền sẽ gia tăng kích động tinh thần dân tộc và đánh đồng chế độ với dân tộc. Trong khi đó, người dân chỉ phản ứng với những vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi hằng ngày của họ, chứ không quan tâm đến những khái niệm “từu tượng, chung chung” như tự do, dân chủ. Bên cạnh đó, cũng chưa xuất hiện các “tổ chức đối lập” đủ thuyết phục để được quần chúng ủng hộ.
Ngoài cuộc phỏng vấn do Ben Ngô thực hiện trên BBC tiếng Việt, một số gương mặt khác trong dư luận phi chính thống dự đoán rằng EU sẽ không thông qua EVFTA trong năm 2019, rằng cuộc gặp Trump – Kim ở Việt Nam trong thời gian sắp tới sẽ thúc đẩy thay đổi ở Việt Nam… Tuy nhiên, những dự đoán này đa phần thiếu trung thực, thiếu tính bao quát, hoặc chỉ phản ảnh ham muốn chủ quan của người nói.
Tóm lại, những người vừa nêu đều nhìn tình hình chính trị qua một lăng kính chung, là mong muốn thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam. Họ đều cho rằng thay đổi vẫn diễn ra trong nền chính trị Việt Nam, nhưng chậm hơn mong muốn của họ; và rằng người dân không quan tâm đến mô hình dân chủ đa đảng đủ nhiều để tăng tốc độ thay đổi. Theo họ, thì các vấn đề có thể tạo biến cố chính trị bao gồm các xung đột trên biển Đông, dự luật Đặc khu Kinh tế, các vấn đề liên quan đến đất đai, tình trạng tham nhũng, và các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người dân như chuyện thuế, phí…
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 nhận xét.
Thứ nhất, với những dự đoán mang màu sắc thực tế và bi quan vừa nêu, 4 chuyên gia trên BBC tiếng Việt đã dội một gáo nước lạnh vào không khí lạc quan quá đà mà cuộc đảo chính ở Venezuela mang lại cho giới “dân chửi”. Chúng dứt khoát chỉ ra rằng kinh tế Việt Nam đang phát triển chứ không bị khủng hoảng, rằng thể chế chính trị của Việt Nam vẫn đang được cải thiện một cách đều đặn, rằng giới “dân chửi” đã dự đoán sai về những khó khăn xảy ra với Việt Nam trong năm qua, và rằng họ vừa không có cùng văn hóa chính trị với đa số người dân, vừa đang suy yếu. Trong bối cảnh này, hy vọng mà cuộc đảo chính ở Venezuela đem lại cho giới “dân chửi” chỉ là một hy vọng giả.
Thứ hai, những dự đoán trên BBC tiếng Việt cho thấy thể chế chính trị hiện tại vẫn đáp ứng được hầu hết nhu cầu của cả người dân Việt Nam lẫn các nước đang giao thương với Việt Nam. Mặt khác, nó vừa tương đối phù hợp với văn hóa chính trị truyền thống của Việt Nam, vừa có khả năng cải cách để thích ứng với những hoàn cảnh mới. Như vậy, một cuộc “cách mạng đường phố” gây nhiều xáo trộn, hỗn loạn để thiết lập thể chế đa đảng sẽ giúp ích cho người Việt Nam nói chung, hay chỉ giúp ích cho giới “dân chửi” và các thế lực nước ngoài mà họ phục vụ? Các nhà “dân chửi” nên tự hỏi mình điều này, thay vì tiếp tục nhân danh người dân khi hành động.
Thứ ba, dự đoán của 4 chuyên gia trên BBC tiếng Việt vừa cung cấp những thông tin có giá trị nhất định, vừa thể hiện khá chính xác những chủ đề mà cộng đồng của họ đang quan tâm. Vì vậy, chúng có thể là một nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý.
Loa Phường
Nguồn: Loa Phường