Xin được nói luôn, hai câu chuyện cùng được một Fbker có tên Nguyễn Thuý Hạnh (Hà Nội) đăng tải. Ả này cũng là một nhà dân chủ, đưa lên để tố cáo hơn là làm những điều tích cực hơn!
Dưới đây là 2 câu chuyện được nói đến:
Câu chuyện thứ nhất là bức thư của người cháu Nguyễn Hữu Vinh (Hà Nội), người đang thi hành án 5 năm tù với hành vi “bôi nhọ, xuyên tạc sự thật Nhà nước” từ năm 2014: “Thứ Chủ nhật ngày 26 tháng 1 năm 2019.
Ông ơi ông ở nước nào. Ông ơi ông có khẻo không xắp tết rồi bà về rồi ông ạ tối nào con cũng ngủ với bà. Hôm qua con vừa viết bài văn kể về con chim sâu.
Con thích con chim sâu vì nó bắt sâu rất giỏi. Ông sắu về chua con mong ông vẻ xớm lúc ông về con đã lên lớp 3. Em Phong nói nhiều lắm ông ạ. Bà vừa đi với con mua lê và bánh trưng gưởi về cho ông. Con mong ông để chơi với con và giậy con bóng bàn.
Chúc ông năm mới mạnh khoẻ
Minh Khôi”.
Câu chuyện thứ hai là những dòng tự sự của chính Fbker Nguyễn Thuý Hạnh về Phạm Văn Trội, người đang thi hành án với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân từ năm 2018: “Em ấy là vợ hiền của Phạm Văn Trội. Khi chồng đi tù lần đầu em mới 28 tuổi, thằng con lớn 6 tuổi và em nó 2 tuổi. Ngày ấy em còn non nớt, lúng túng lắm. Thế rồi vì chồng vì con, em đã chèo chống qua 4 mùa đông, chăm sóc mẹ già, thăm chồng, nuôi dậy con và một lòng chung thuỷ. Không những thế, em còn từ Thường Tín về Hà Nội tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2011, (từng được chọn đọc tuyên cáo), từng bị bắt về đồn CA Mĩ Đình.
Chồng ra tù, tiếp tục chịu 4 năm giam lỏng, em tiếp tục bươn chải gánh vác.
Vừa hết 4 năm quản chế, chồng em lại vào tù, án này dài gần gấp đôi lần trước, 7 năm. Lại nuôi con, nuôi mẹ, nuôi chồng, nhưng giờ đây em cứng cáp rồi, ko còn bối rối, ngơ ngác như lần trước chồng đi tù.
Xinh đẹp, ngoan hiền, nhưng cái số em thật lận đận. Kết hôn, sống với chồng chẳng được bao lâu đã phải xa cách đằng đẵng, phải một mình gánh vác. Nhưng em ko than thân, ko trách oán chồng. Nhìn hai đứa con em khôn lớn ngoan ngoãn, mừng cho Trội, lại vừa cảm phục em, người phụ nữ mỏng manh, bình dị mà thật giỏi giang và đầy nghị lực, Huyền Trang”.
Điều đập vào mắt chúng ta là sự đáng thương của đứa cháu nhỏ (của Nguyễn Hữu Vinh) và người vợ (của Phạm Văn Trội). Nếu như đứa nhỏ thiếu đi tình thương của người ông thì người vợ Phạm Văn Trội thiếu đi nhiều hơn thế. Sự nhọc nhằn của một người phụ nữ không có chồng bên cạnh hoặc có chồng cũng như không; phải một thân một mình nuôi mẹ chồng già và hai con.
Nếu xuất phát và khởi điểm từ tình thương thì bất cứ ai khi tiếp cận 2 câu chuyện đều nói đến điều “giá như”… Giá như cả hai (Nguyễn Hữu Vinh và Phạm Văn Trội) không dính vào vòng lao lí thì có lẽ đứa cháu sẽ không cô đơn đến thế. Người vợ của Trội sẽ không hiu quạnh, buồn lênh đến thế… Giá như họ biết tỉnh thức, biết điều gì nên làm thì có lẽ niềm vui, hạnh phúc của chính gia đình họ sẽ trọn vẹn và êm ấm biết mấy!
Cho nên, hai câu chuyện, vượt qua chủ ý của người đăng tải nó đã mang một thông điệp gợi nhắc hết sức sâu sắc. Đó là những bậc làm cha, mẹ, làm ông/bà nên chăng nên quan tâm tới nguyện vọng, cảm xúc của con cháu. Họ có thể rất nhỏ, có thể sẽ không chịu nhiều tổn thương nhưng từ sâu thẳm họ sẽ trở nên bình thường hơn nếu có đầy đủ người thân. Đừng bắt họ phải rơi vào những trạng huống họ không hề muốn, thậm chí ghét cay, ghét đắng!
An Chiến
Nguồn: Việt Nam Mới (vnnew.net)