Tưới tẩm tâm hồn những việc làm thiết thực, tử tế khoảng mươi, mười lăm ngày… bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt!
Thời buổi và xã hội chúng ta đang sống tiềm ẩn những nguy cơ hiểm họa mà trước đây không hoặc ít gặp hơn: bệnh nan y, thiên tai, nhân tai, hội chứng tự kỷ, trầm cảm… Nhưng đồng thời nó cũng đem lại nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học, công nghệ thông tin…
Như những điệp viên siêu kỹ năng, “đồ chơi” high-tech, thiết bị cảm ứng, smart phone, internet 3G, 4G xâm nhập cuộc sống một cách âm thầm, lặng lẽ. Rồi không biết tự bao giờ chúng chiếm lĩnh cả không gian thời gian.
Chúng ta thụ hưởng các tiện ích hiện đại như thể đó là điều nghiễm nhiên, ít ai nghĩ tới việc cảm ơn… cuộc đời! Ngược lại những “mặt trái của tấm huy chương” thì được “chăm sóc” kỹ càng, bị thổi phồng tô vẽ cho màu càng thêm xám: cuộc sống áp lực, môi trường ô nhiễm, kẹt xe, con ốm, lương thấp, vật giá leo thang… Lòng bất mãn, sự kêu ca đổ lỗi, bạo lực ngôn ngữ xuất hiện cả online, offline, nơi công sở, chốn công ty, vào cả trường học…
Hẳn nhiên thế giới này không hoàn hảo và xã hội còn nhiều trục trặc là điều có thật. Kêu ca cũng là quyền chính đáng để giải tỏa, để biết sai ở đâu mà cải sửa… Nhưng nếu không tự “giải thoát” chính mình ra khỏi mớ bòng bong của thực tại, thì có tốn thời gian tính bằng thập niên chưa chắc giải quyết xong, mà chọn cách “để bụng” phải chăng là tự gây áp lực lên chính bản thân?
Tâm thế, thái độ sống, những ứng xử trước tình huống nghịch cảnh nếu bị dẫn dắt bởi nhận thức sai sẽ càng làm cho tình hình thêm trầm trọng, khác nào nhặt rác về xây số phận, tạo “nghiệp” phiền não,…
Một nghiên cứu của các nhà tâm lý học trị liệu ở Mỹ cho thấy, trước những căng thẳng trong cuộc sống, nếu có tư duy tích cực thì các phản ứng sinh hóa của cơ thể cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực, và ngược lại. Đặt những câu hỏi như: “Năm rồi bạn có bị stress không?” và “Bạn có cho rằng stress có hại cho sức khỏe không?” với 30.000 người trưởng thành, theo dõi họ trong vòng 8 năm rồi đối chiếu con số tử vong cho ra kết quả nguyên nhân chết do sợ stress cao hơn hẳn chết vì bị stress thật!
Nghiên cứu này có ý nghĩa gì với con số thống kê gây quan ngại ở nước ta, “năm 2018 có 164.000 người mắc bệnh ung thư” hay không thì cần phải có một cuộc nghiên cứu. Nhưng sống trong xã hội có nhiều áp lực, việc chọn thái độ sống như thế nào có liên quan biện chứng với chuyện mắc bệnh nan y là điều có thể cảm nhận.
Sống bình an giữa thế cuộc đa đoan. Ảnh minh họa
Chọn thái độ sống gì? Về miền hẻo lánh sống lại cái thời “thu ăn măng trúc đông ăn giá”… để bình an? Ngày nghỉ thì ở trong phòng không đi ra ngoài tương tác, va chạm với ai cho an toàn? Ở công ty không bao giờ bị sếp rầy, không bất hòa với đồng nghiệp? Làm ăn kinh doanh toàn chiến thắng không hề thất bại, con cái đi học ở trường luôn luôn được điểm cao, không một lần bị thầy la bạn mắng? Người thân bạn bè lúc nào cũng tráng kiện, sức khỏe như vâm…?
Nếu được vậy thì bạn chỉ có thể là “người cõi trên”, không chắc cuộc đời bạn hạnh phúc, nhưng nhiều khả năng sự trống rỗng đơn điệu đang gặm nhấm tâm hồn bạn!
Bạn sẽ không nhạt nhẽo vì cuộc đời bạn có đầy dữ liệu. Bạn dễ bao dung tha thứ, đầy năng lượng thương yêu và lòng trắc ẩn vì bạn đã kinh qua đau khổ, thất bại và… thất tình, không phải một lần mà thậm chí vài lần!
Chính thất bại khổ đau trên đường đời dạy cho con người những bài học mà không sách vở trường lớp nào dạy nổi. “Khi đứng trước cửa tử, quỹ thời gian sự sống đã cạn thì điều hối hận choáng ngợp tâm hồn không phải là vì chưa ăn món sơn hào hải vị mà là vì bạn đã không sống trải lòng ra với mọi người khi còn khỏe mạnh”. Đó là đúc kết của TS. Lý Khai Phục, nhà khoa học máy tính xuất sắc, trong thời gian ông điều trị hơn chục khối u ác tính.
Trước đây, một người bạn thời sinh viên từng ở trọ chung nghe nói tôi bị trầm cảm đã đến thăm. Thấy tôi nằm bẹp trên giường hắn lôi tôi ra khỏi nhà, chở tới cái góc ngày xưa là quán cháo lòng hai thằng đi làm tiếp thị thường ghé ăn, bây giờ là một tiệm cà phê cao cấp.
Nhắc chuyện xưa, hắn nói: ăn tô cháo hai ngàn, hai thằng uống chung ly trà đá cho đỡ tốn. Có lần tao mày giận nhau vì ăn xong thì cãi vã chuyện đến lượt ai trả tiền… Khó khăn bây giờ nếu có không bằng cái móng tay thời đó, phải không mày? Tôi thầm cảm ơn hắn đã khéo mượn chuyện xưa dạy cho tôi bài học về thái độ sống!
Thay vì hay càu nhàu phê phán thì hãy nói lời dễ nghe, lời có trách nhiệm với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp… Trong xe có rác thay vì bấm cửa quăng ra ngoài thì đợi đến nơi có thùng rác đem bỏ vào. Thay vì so kè giành đường thì ra hiệu nhường đường cho xe đối phương. Xuống máy bay thì đi chung xe buýt trung chuyển để vào nhà ga, xách giỏ xách nặng dùm cho người lớn tuổi, nhường ghế ngồi cho bà bầu, em nhỏ, người khuyết tật…
Tưới tẩm tâm hồn những việc làm thiết thực, tử tế khoảng mươi, mười lăm ngày… bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt!
Đất nước còn nghèo người dân còn nhiều khốn khó, sống chan hòa để tận hưởng cái hạnh phúc giản dị và ý vị ngay trong đời sống hiện tại thay vì cầu xin cúng vái thần linh để đợi khi chết được lên thiên đường!
Mới hôm rồi đi ngang qua nhà hàng xóm thấy xôn xao chộn rộn, tôi hỏi thăm thì ra gia đình có hai thiên thần nhỏ này đang lên kế hoạch cho buổi đi phục vụ ở một quán cơm từ thiện vào sáng hôm sau, họ rủ tôi đi cùng. Đi làm việc thiện nguyện mà không khí vui hơn đi dã ngoại, không phải là một lát cắt về câu chuyện “sống bình an giữa thế cuộc đa đoan” này sao?
Trúc Nguyễn
Nguồn: Tuần Việt Nam