Đối với những người con xa quê thì ý nghĩa của câu “Xuân hội ngộ, xuân đoàn viên” có lẽ là thấm thía nhất.
>> TAMA DUY NGỌC (từ Nhật Bản)
Nhật Bản hiện nay ăn Tết theo lịch Tây, và thông thường kỳ nghỉ Tết theo luật định kéo dài từ 29.12 năm cũ tới ngày 3.1 của năm mới. Tuy nhiên tùy theo công ty và tùy theo chế độ nghỉ phép khác nhau nên thời gian nghỉ tết có thể dao động từ 23.12 tới ngày 10.1.
Trong dòng chảy chung đó thì đa phần người Việt lưu trú tại Nhật cũng có những hoạt động chuẩn bị Tết vừa mang chất Nhật vừa mang chất Việt rất riêng.
Ngoài việc mua sắm quần áo tết từ các đợt Saimatsu Se-ru, tậu một vài chiếc bánh dày Kagami Mochi, một vài tràng hoa Shimenawa hay hai chậu Kadomatsu, hoặc ngồi cặm cụi viết Thiệp tết Nengajou thì kiều bào Việt còn mua thêm ít dưa kiệu, cặp bánh chưng, ít nguyên liệu nấu phở nấu xôi hay đổ bánh xèo cho có không khí Tết quê nhà. Đặc biệt có một số gia đình sắm cả mâm hoa quả kèm mâm cơm cúng vào đêm giao thừa để nhắc nhở con cái hương vị Tết Việt.
Trong đợt nghỉ dài này đa phần mọi người tranh thủ về Việt Nam thăm nhà, hoặc đi du lịch đây đó trong và ngoài nước, ghé thăm bạn bè người Việt mà cả năm bận rộn không có dịp gặp, hoặc chỉ đơn giản là nghỉ ngơi phục hồi sau một năm làm việc vất vả. Trong khi nhân viên công ty hay tu nghiệp sinh dựa theo lịch của công ty mình trực thuộc, thì các bạn du học sinh đa phần sẽ có lịch trình hơi khác.
Các trường đa số bắt đầu nghỉ từ ngày 23.12 trở đi và đi học lại vào ngày 7.1, vì vậy du học sinh được nghỉ khá dài so với người đi làm. Có bạn cũng lên kế hoạch về Việt Nam thăm nhà, có bạn cũng lên kế hoạch đi du lịch trong nước và ngoài nước, nhưng đa số sẽ tăng cường giờ làm thêm so với bình thường. Vì sao lại như vậy?
Du học sinh thường quây quần bên nhau vào thời khắc giao thừa của Tết Việt
Theo luật thì du học sinh chỉ được làm thêm không quá 5 tiếng/ngày, và tổng cộng không quá 28 tiếng/ tuần, nhưng vào các kỳ nghỉ dài như nghỉ đông (trùng với kỳ nghỉ tết) – nghỉ xuân (từ cuối tháng 2 tới đầu tháng 4) – nghỉ hè (cuối tháng 8 tới giữa tháng 9) thì thời gian làm việc một ngày có thể kéo dài tối đa 8 tiếng, và tổng thời gian trong tuần được mở rộng lên 40 tiếng. Chính vì vậy đa số du học sinh người Việt sẽ tranh thủ thời gian này làm việc nhiều hơn, với mong muốn tích lũy đủ học phí cho học kỳ mới. Các bạn chủ yếu làm thêm ở các hàng ăn uống, nên thông thường chỉ được nghỉ đúng ngày mồng 1, còn lại thì xuyên suốt từ lúc bắt đầu nghỉ đông cho đến hết Tết. Chưa kể vào dịp tết đa số sinh viên Nhật nghỉ phép về quê, nên hàng quán thiếu hụt nhân sự trầm trọng, những nhân viên còn lại (Chủ yếu là người nước ngoài) sẽ thay nhau tăng giờ choàng gánh.
Viếng chùa ngày đầu năm mới là nét tương đồng giữa hai nền văn hóa Việt – Nhật
Ngoài ra tùy theo thời gian lưu trú tại Nhật dài hay ngắn mà các hoạt động đón Tết cũng sẽ hơi khác. Cụ thể là các kiều bào đã sống lâu năm và có sẵn một cộng đồng người Việt xung quanh sẽ chăm chút hương vị Tết Việt hơn, trong khi đó những kiều bào mới sang Nhật chưa bao lâu thường thích tranh thủ thời gian đi thăm thú các địa điểm du lịch nổi tiếng trong nội địa Nhật Bản hơn.
Thêm một “đặc sản” của Tết Nhật nữa là các “đợt di dân” từ thành phố lớn về các tỉnh thành vào những ngày cuối năm và những ngày hết tết, gây nên tình trạng đông đúc đến không nhúc nhích được ở các nhà ga, cũng như những hàng dài các phương tiện xe cộ nối đuôi nhau nhích từng mét trên xa lộ…
Một gia đình người Việt chuẩn bị đến chùa trong không khí lạnh của thời khắc giao thừa
Gia đình Huyền viếng lễ chùa ngày đầu năm mới
Bạn Huyền ở Nhật đã trên 10 năm, khi hỏi về Tết quê nhà bạn đã không ngăn được cảm xúc: “Em nhớ vô cùng cảm giác đón giao thừa khi còn bé xíu, cả nhà ngồi xem táo quân cười tít mắt. Tết Nhật không có không khí và cảm xúc nhiều như tết Việt Nam. Mọi người không có phong tục đến từng nhà nhau để chúc tết. Thường năm nào em cũng cố gắng mời bố hoặc mẹ sang ăn tết. Nhưng cảm xúc tết ngày còn nhỏ vẫn nhớ lắm!”
Bạn Dyo Pan mới sang Nhật được 2 năm, nhưng trải qua một năm đầy sóng gió trầm ngâm chia sẻ: “Tết này em đi trượt tuyết với bạn bè nên không mua sắm gì trong nhà cả. Tết ở Nhật vẫn là mùa đông nên mọi người vẫn mặc áo ấm nhưng phần lớn sắc màu nghiêng về tông màu tối. Riêng về sắc độ khiến e cảm thấy Tết ở Nhật khá lặng lẽ, không rộn ràng bằng ở Việt Nam. Tết ở Việt Nam khá nhiều mùng, mọi người vẫn hay đùa “còn mùng là còn Tết” nhưng ở Nhật hết ngày 1.1 là hết Tết. Mọi thứ lại trở về như cũ. Em lại trở về với guồng quay học – làm thêm – học từ sáng sớm tới tận khuya”.
Dyo trong lần đi trượt tuyết với bạn bè ngày đầu năm
Đồng cảnh ngộ là du học sinh tự túc, bạn Mạnh cũng đồng cảm với lời tâm sự của Dyo và tiếp lời: “Em nghĩ chắc đến lúc giao thừa, cả nhà cũng nhớ em lắm. Nhưng cái cảm xúc buồn, nhớ nhà ấy nó chóng đến mà cũng chóng qua, em thấy cũng nên trân trọng nó. Nó khiến mình phần nào hiểu được thời gian quý giá bên gia đình hơn, từ đó mà mình cũng trở nên bao dung hơn, yêu thương người thân của mình hơn khi giữa họ và mình có những lúc mâu thuẫn, trái ý.”
Các món Tết Việt do Thạnh – việt kiều sinh sống tại Nhật tự tay làm để đón tết
Khi được hỏi bạn cảm nhận thế nào về tết Nhật và tết Việt thì bạn Hùng và bạn Hoa – du học sinh đi theo diện học bổng tâm sự: “Khác thì nhiều, ví dụ như quà tết, đồ tết, hay cách người Nhật và người Việt mình đón năm mới vậy. Em cố gắng kiếm được đủ nhất các món đồ trang trí để tạo không khí Tết. Nhưng có lẽ khác nhất là cách đón Tết. Ở Việt Nam thì hay đi chúc tết, còn bên này thì hay gửi thiệp hoặc gần đây thì gửi mail đính kèm thiệp Tết. Điều giống nhau là người Nhật hay người Việt đều thích đi chùa, rút quẻ hoặc mua bùa may mắn. Hay như ở Nhật có chương trình ca nhạc Kouhaku Uta Gassen (Hồng Bạch Ca Hợp Chiến) kéo dài từ chiều tối đến giờ giao thừa vào ngày 31.12, cũng giống như ở VN mình có chương trình Táo Quân vậy. Mình có gà luộc, bánh chưng… thì bên này có món bánh dày rất ngon. Tuy nhiên em vẫn nhớ da diết Tết quê nhà, nhất là những giây phút quây quần đi sắm tết, rồi chuẩn bị cơm cỗ, rồi mùng 1 mùng 2 đi nội ngoại, nhớ lắm!”
Bạn Hương Trà lấy chồng Nhật nên thường vợ chồng bạn đón Tết tại Nhật là chủ yếu. Hàng năm vợ chồng bạn lại quây quần bên mâm cơm Tết thịnh soạn và ấm áp của gia đình chồng, tuy nhiên bạn vẫn không khỏi cảm giác nhớ nhà vào những giây phút thiêng liêng đó. Giọng bạn trầm hẳn khi nói về không khí Tết quê nhà: “Nhớ những chiều bố dọn sân vườn bảo hai chị em tôi vặt lá mai đi cho kịp nở tết. Cây mai trong vườn cũng đã có tuổi, vài năm gần đây không ra hoa là mấy nữa nhưng đó là cây mai gắn bó với gia đình nên bố tôi vẫn còn để lại. Cây mai đó sẽ được bố mang vào phòng khách, nhìn ngắm với hi vọng năm nay nó sẽ nở rộ đặng có khách tới chơi họ sẽ khen “Anh mua mai ở đâu mà đẹp thế”. Tôi cũng xí xọn mua mấy phụ kiện bé bé treo lên cây mai của bố nhìn cho có không khí tết”.
Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Nhân vật cung cấp
Báo Thanh Niên
24.01.2019
Nguồn: Thanh niên