Ông Nguyễn Thái Học – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh điều này khi trả lời phóng viên VOV.VN về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
PV: Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thời gian qua được đánh giá có nhiều điểm sáng, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không có đặc quyền” và “không hạ cánh an toàn”. Điều này được hiểu và thể hiện như thế nào, thưa ông ?
Ông Nguyễn Thái Học: Có thể nói đây là phương châm chỉ đạo của Đảng ta được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng khẳng định qua nhiều phiên họp của Ban chỉ đạo cũng như qua nhiều diễn đàn quan trọng, qua nhiều lần tiếp xúc với cử tri…
Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng làm trong sạch nội bộ Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đưa ra phương châm như thế Đảng ta khẳng định sự thượng tôn pháp luật và đảm bảo mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi cán bộ dù chức vụ, cấp hàm ra sao, công tác ở bất cứ lĩnh vực nào, còn đương chức hay đã về hưu… đều bình đẳng trước pháp luật. Tất cả đều không có “vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.
Lâu nay có lĩnh vực được coi như bất khả xâm phạm, hoặc có những con người ở những cương vị mà người dân cứ nghĩ rằng họ là bất khả xâm phạm thì kết quả đấu tranh chống tham nhũng thời gian qua đã chứng minh không phải như vậy, chỉ có luật pháp, kỷ luật Đảng là bất khả xâm phạm. Bất kỳ ai vi phạm đều sẽ bị xem xét xử lý theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thực tế được thể hiện thế nào? Trước đây người dân hay nói Đảng nói mà không làm, hay giữa nói và làm có khoảng cách rất xa… Lần này người dân đã thấy Đảng nói là làm, nói đi đôi với làm.
“Không có vùng cấm” thể hiện cán bộ cấp cao của Đảng vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước đều bị xử lý. Con số 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 16 Ủy viên Trung ương và nguyên Ủy viên Trung ương – có người giữ cương vị cấp cao của Đảng cũng bị xem xét xử lý rất nghiêm minh, cả về kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm hình sự đã chứng minh điều đó.
Trước đây “thông lệ” được hiểu cứ “nghỉ hưu là hạ cánh an toàn” thì bây giờ không phải như vậy nữa, về hưu nhưng phát hiện ra vi phạm vẫn bị xử lý. Điều này có tác dụng răn đe và giáo dục rất lớn. Có người nói về hưu rồi thì kỷ luật còn tác dụng gì nữa? Không phải thế! Tác dụng ở đây là giáo dục răn đe không chỉ đối với bản thân người vi phạm mà còn đối với những người còn đang công tác, để nhắc nhở họ phải rèn luyện, phải giữ gìn, phải làm đúng.
Có lĩnh vực lâu nay chúng ta nghĩ ở đó không có tiêu cực, tham nhũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật, lực lượng vũ trang… nhưng vừa qua chúng ta phát hiện và xử lý nhiều tướng lĩnh công an, quân đội thoái hoá, biến chất vi phạm pháp luật và tất cả đều bị xử lý rất nghiêm minh.
Chúng ta đấu tranh quyết tâm, quyết liệt nhưng thận trọng, chắc chắn với yêu cầu rõ đến đâu xử lý đến đó, hành vi nào đã rõ rồi thì xử lý, chưa rõ thì tiếp tục điều tra xử lý sau, không chờ đợi, không cầu toàn, không nóng vội. Sự quyết tâm, quyết liệt và với phương châm mà Đảng ta xác định như trên đã góp phần làm cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng có bước chuyển biến rất lớn, đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng.
Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội vừa qua nhận định “tham nhũng đang được kiềm chế, từng bước đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm…”. Tất cả những điều Đảng ta nói đã được làm và làm rất nghiêm túc, người dân đã tin vào những điều Đảng ta nói.
[fvplayer id=”1″]
PV: Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN có nhiều nỗ lực, chủ động, quyết liệt, sâu sát hơn trong tham mưu, đề xuất, giúp Ban Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác, cũng như chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Áp lực, khó khăn mà Ban Nội chính phải vượt qua là không nhỏ, thưa ông?
Ông Nguyễn Thái Học: Áp lực, khó khăn là thực tế. Công tác PCTN vừa qua có chuyển biến tốt, tích cực nhưng rõ ràng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng; yêu cầu, đòi hỏi của người dân đối với công tác PCTN còn rất lớn.
Là ban tham mưu của Đảng về công tác đấu tranh PCTN, chúng tôi nhận thức rất rõ yêu cầu, đòi hỏi chính đáng đó của người dân đối với Đảng và chúng tôi nhận thức rằng đó cũng chính là yêu cầu, đòi hỏi với ngành Nội chính Đảng. Người dân yêu cầu cao bao nhiêu thì trách nhiệm của chúng tôi càng lớn bấy nhiêu.
Để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, đòi hỏi phải nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách, cơ chế, biện pháp, giải pháp phát hiện kịp thời, xử lý tham nhũng hiệu quả.
Đòi hỏi từ người dân, tôi cho rằng là những áp lực đòi hỏi cần thiết để chúng tôi không chủ quan, không tự bằng lòng với những kết quả đạt được mà luôn phải tự học tập rèn luyện để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo đúng tinh thần đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính trung ương đã quán triệt trong đội ngũ cán bộ ngành Nội chính Đảng: “Muốn làm mạnh trước hết phải làm đúng. Muốn làm đúng, làm mạnh phải có đủ kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm, bản lĩnh và liêm chính”.
Nếu có được điều này chúng tôi sẽ không chịu bất cứ áp lực nào như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa qua: Ngành Nội chính Đảng không chịu bất cứ áp lực nào của ai và của cơ quan tổ chức nào.
PV: Vi phạm của nhiều cán bộ thời gian qua đều có chung biểu hiện “lạm quyền”. Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để PCTN, phải tăng cường giám sát, kiểm soát để quyền lực không bị “tha hóa”. Theo ông, đâu là điểm cốt yếu cần tập trung thực hiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ này?
Ông Nguyễn Thái Học: Tham nhũng và quyền lực luôn đi đôi với nhau nên người ta thường nói tham nhũng là “khuyết tật” của quyền lực. Ở đâu có quyền lực thì ở đó có khả năng xảy ra tham nhũng.
Vấn đề là kiểm soát quyền lực để PCTN đến mức nào? Có nhiều biện pháp, giải pháp nhưng cốt yếu nhất là chọn đúng người để giao quyền lực. Chọn đúng người có phẩm chất, năng lực, uy tín, vô tư trong sáng để giao quyền thì quyền lực ở đó ít có khả năng bị tha hoá, khó bị lạm quyền. Còn ngược lại sẽ dễ dẫn đến việc sử dụng không đúng quyền lực, quyền lực bị tha hóa vì lợi ích cá nhân của người nắm quyền.
Tất nhiên quá trình lựa chọn cán bộ để giao quyền có đúng, có chặt chẽ đến đâu thì không ai có thể khẳng định con người đó mãi mãi sẽ tốt. Có “đầu vào” tốt cùng với quá trình tự rèn luyện, phấn đấu của bản thân và chịu sự theo dõi, giám sát của tổ chức, tự khép mình vào tổ chức thì người đó sẽ tốt. Hôm nay anh là cán bộ tốt nhưng quá trình công tác anh không gìn giữ, rèn luyện, tách rời tổ chức thì dễ bị sa ngã và bị đào thải, đó là quy luật. Song, “đầu vào” tốt vẫn hơn!
Khi chọn đúng người và giao quyền rồi thì phải chú trọng công khai, minh bạch quá trình thực thi quyền lực. Quyền lực là của tổ chức, của dân giao phó, là “quyền lực công” chứ không phải của cá nhân nào. Muốn kiểm soát quyền lực phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Vấn đề này được đề cập nhiều, không bao giờ sai nhưng ở đây phải chú trọng việc kiểm tra, giám sát từ trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Có một vấn đề hết sức quan trọng là khi người sử dụng quyền lực “có vấn đề” trong quá trình thực thi nhiệm vụ thì phải kịp thời thay thế. Điều này đòi hỏi trong công tác cán bộ không được nể nang mà phải quyết liệt. Anh được lựa chọn, được giao quyền nhưng trong quá trình thực hiện anh không sử dụng đúng quyền lực, không mang lại tốt nhất lợi ích chung, không phục vụ tốt nhất cho người dân thì anh phải bị thay thế để nhường chỗ cho người sử dụng quyền lực tốt hơn, đó là chưa nói nhiều cán bộ sai phạm khuyết điểm nhưng chậm kiện toàn củng cố làm cho tình hình càng thêm phức tạp.
PV: Nhiều vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng ở nhiều địa phương, đơn vị chỉ được phát hiện, xử lý khi các cơ quan Trung ương “sờ” tới. Điều này đặt ra câu hỏi là việc thực thi vai trò giám sát, kiểm tra ở những nơi đó như thế nào? Nếu làm tốt, có phát hiện, cảnh báo, chấn chỉnh ngay từ đầu thì chắc chắn bớt đi những sự việc đau lòng, mất cán bộ?
Ông Nguyễn Thái Học: Ở cơ quan, địa phương, đơn vị nào cũng có tổ chức Đảng, có vai trò trách nhiệm của cán bộ đảng viên, có vai trò của công tác kiểm tra, giám sát. Vấn đề cốt lõi khi nói đến phát huy vai trò của kiểm tra, giám sát nội bộ thì phải nói đến vai trò giám sát của tổ chức Đảng, tức tinh thần đấu tranh chống lại cái sai, bảo vệ cái đúng.
Ở đâu tổ chức Đảng mạnh, tinh thần phê bình, tự phê bình tốt thì tập thể ở đó tốt, tiêu cực, tham nhũng cũng ít đi. Nhưng thực tế hiện nay tinh thần đấu tranh chống tiêu cực ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị rất yếu. Tâm lý nể nang, né tránh, xuê xoa, dĩ hoà vi quý, “im lặng thì yên thân, đấu tranh thì tránh đâu” còn khá phổ biến. Lối sống cơ hội, thực dụng nhưng không bị phê phán, lên án mà đôi khi lại được trọng dụng đã làm thui chột tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình của nhiều cán bộ đảng viên chân chính.
Cán bộ đảng viên phải tiên phong, gương mẫu. Thấy tiêu cực, tham nhũng mà không dám đấu tranh thì còn đòi hỏi ai đấu tranh nữa? Làm sao đòi hỏi người dân vào phát hiện, tố giác khi trong nội bộ Đảng của mình không đấu tranh!
PV: Nhiều vụ việc lớn, “đại án” được xử lý nghiêm minh đã tạo niềm tin rất lớn với nhân dân. Tuy nhiên, “tham nhũng vặt” cũng gây hại không kém và đang là vấn đề rất bức xúc, được các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đề cập ở nhiều diễn đàn, yêu cầu phải nghiêm trị, thưa ông?
Ông Nguyễn Thái Học: Nói “tham nhũng vặt” bởi tham nhũng có giá trị không lớn, không đáng kể nhưng thường xảy ra và khá phổ biến. Thực tế tham nhũng vặt xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, ở những việc gắn với quyền lực công, dịch vụ công, làm cho người dân rất bức xúc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ví “tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, không nguy hiểm chết người nhưng làm chúng ta rất khó chịu”. Do vậy phải nhìn nhận đánh giá đúng tác hại nghiêm trọng của tham nhũng vặt. Đừng nghĩ tham nhũng vặt giá trị nhỏ, thu lợi nhỏ mà thiếu sự quan tâm. Bởi tác hại của nó làm cho đội ngũ cán bộ thoái hoá biến chất, làm việc theo kiểu chỉ đòi hỏi, sách nhiễu, vòi vĩnh mà không phải với tinh thần phục vụ.
“Xác định khâu “đầu vào” của công tác cán bộ là quan trọng nên việc quy định các bước trong quy trình giới thiệu, thẩm định nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược đang thực hiện có nhiều điểm mới, các bước sàng lọc quyết định chặt chẽ, bài bản để tránh việc giao quyền lực không đúng người ”
Ông Nguyễn Thái Học
Người dân một khi đã không tôn trọng, không tin đội ngũ cán bộ công chức thì họ sẽ không còn tin vào chế độ. Tham nhũng vặt nhưng gây tác hại lớn và lâu dài nên phải đấu tranh loại bỏ. Tham nhũng lớn Đảng ta phát hiện, bóc tách, xử lý được thì tham nhũng vặt có xử lý được không? Hoàn toàn xử lý được nếu chúng ta vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt.
Có nhiều biện pháp, giải pháp để loại trừ tham nhũng vặt, nhưng trước mắt tập trung giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ. Cán bộ là đầy tớ của dân, phục vụ dân chứ không phải vòi vĩnh, sách nhiễu dân.
Bên cạnh đó là chú trọng khâu phát hiện và xử lý nghiêm tham nhũng vặt. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo khi kết luận phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tháng 11/2018 đã yêu cầu tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng ở trung ương và địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý tình trạng tham nhũng vặt ở địa phương cơ quan mình, chọn một số việc trong các khâu, lĩnh vực nhạy cảm để xử lý nghiêm và công khai nhằm răn đe, giáo dục, chấn chỉnh, khắc phục thực trạng này.
Chúng ta phải xem đây là mệnh lệnh không chỉ của người đứng đầu Đảng, Nhà nước mà là mệnh lệnh từ thực tiễn cuộc sống; mệnh lệnh, đòi hỏi chính đáng của Nhân dân.
[fvplayer id=”2″]
PV: Nơi nào người đứng đầu quan tâm, mạnh tay với cán bộ dưới quyền có hành vi vòi vĩnh, sách nhiễu thì ắt hẳn “tham nhũng vặt” cũng không có nhiều “đất sống”, thưa ông?
Ông Nguyễn Thái Học: Có người nói rằng nếu không có người đưa thì làm sao người ta nhận? Nhưng người dân không lo lót lại không được việc. Đôi khi làm cho người dân phải dằn vặt lựa chọn giữa “được việc” và “không đưa”? Nhiều người dân phải vay mượn để lo nhằm được việc…, hậu quả mang lại thật đau lòng.
Muốn chấn chỉnh thì phải xem lại lề lối, nề nếp làm việc của đội ngũ cán bộ ở đó, điều này liên quan đến người lãnh đạo, quản lý.
Trách nhiệm của tập thể lãnh đạo rất quan trọng nhưng trách nhiệm của người đứng đầu rất lớn nếu không nói là quyết định. Ở đâu, cơ quan, địa phương nào mà cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực thì trách nhiệm trước hết là của người đứng đầu. Thủ trưởng nói không biết cán bộ của mình làm như vậy là không đúng, là không làm tròn trách nhiệm.
PV: Kết quả phòng chống tham nhũng đã tạo niềm tin rất lớn cho người dân. Tinh thần quyết tâm, quyết liệt phòng chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo Trung ương thời gian tới chắc chắn vẫn “rực lửa”, như lời ông nhấn mạnh trước diễn đàn Quốc hội vừa qua, thưa ông?
Ông Nguyễn Thái Học: Tâm trạng chung của người dân hiện nay là vừa tin tưởng, phấn khởi vừa băn khoăn, lo lắng đối với kết quả công tác PCTN hiện nay. Tin tưởng, phấn khởi vì đã nghe, đã thấy Đảng nói là làm và làm đến nơi đến chốn khi nghiêm trị nạn tham nhũng. Còn băn khoăn, lo lắng là Đảng ta có làm tiếp nữa không hay bỏ dở giữa chừng, có cao trào ắt có thoái trào… Tâm trạng này của người dân là chính đáng và rất cần sự quan tâm chia sẻ của những người có trách nhiệm.
Phát biểu kết luận phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn phú Trọng đã khẳng định: Đấu tranh chống tham nhũng không có cao trào và sẽ không có thoái trào. Chống tham nhũng dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng Đảng ta vẫn tiếp tục, kiên trì làm và làm với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, đạt nhiều kết quả hơn nữa so với những gì đã làm trong thời gian qua…
Tôi tin người dân sẽ không bị phụ lòng tin một khi người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định như vậy.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Nguồn: VOV