Như đã thông tin, sáng qua 4-11, VKSND tối cao đã công bố quyết định kháng nghị tái thẩm và tạm đình chỉ thi hành án, trả tự do cho phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn (bị kết án tù chung thân về tội giết người).
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Việt Hùng, chánh văn phòng Viện KSND tối cao, đã công bố các nội dung liên quan đến vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Theo đó, ông Hùng cho biết Viện KSND tối cao đã có kháng nghị bản án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Theo quy định của pháp luật, sau khi có kháng nghị tái thẩm này, TAND tối cao sẽ xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm do xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất của vụ án, đó sẽ là căn cứ để mở ra trình tự thủ tục tố tụng tiếp theo đối với vụ án.
Theo ông Hùng, chánh án TAND tối cao đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng thẩm phán TAND tối cao để xét xử tái thẩm tại phiên tòa được mở vào ngày 6-11.
Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Yến, vụ trưởng Vụ 3 Viện KSND tối cao, khẳng định việc kháng nghị tái thẩm đối với bản án phúc thẩm là đúng pháp luật, căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành. Bà Yến khẳng định việc Lý Nguyễn Chung ra đầu thú là tình tiết mới nên Viện KSND tối cao đã xem xét theo đúng trình tự, đã thực hiện xác minh theo thủ tục tái thẩm… mới quyết định có bản kháng nghị này.
Ông Vũ Đăng Khoa cho biết theo quy trình tố tụng, cơ quan điều tra Viện KSND tối cao sẽ chuyển vụ án “giết người, cướp tài sản” sang Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để tiến hành điều tra theo thẩm quyền.
Trả lời câu hỏi về xem xét trách nhiệm đối với những cán bộ tố tụng có liên quan, có sai sót trong vụ án này, ông Khoa cho biết với chức năng của mình, Cục Điều tra sẽ tiếp tục làm rõ về mảng xâm phạm hoạt động tư pháp, sau khi có bản án tái thẩm khẳng định ông Chấn vô tội.
Điểm lại vụ án, ông Hùng nói: Cách đây hơn 10 năm, ngày 15-8-2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị H. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp… dẫn đến tử vong.
Ngày 26 và 27-7-2004, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm. Trong quá trình điều tra bị cáo có khai nhận hành vi giết người, nhưng tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo không nhận tội. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật; phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn phải chấp hành hình phạt chung thân.
Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số đơn kêu oan, ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan. Nội dung đơn cho rằng thủ phạm gây ra vụ án giết người vào đêm 15-8-2003 là Lý Nguyễn Chung (cùng trú thôn Me) chứ không phải ông Nguyễn Thanh Chấn. Ngày 5-7-2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) đã có đơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao.
Ngay sau khi nhận được đơn, Cơ quan điều tra đã tổ chức xác minh, lần theo chỗ ở của Chung. Chỉ trong 2 tháng Chung đã sử dụng gần 100 sim điện thoại, liên tục thay đổi chỗ ở. Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Công an khẩn trương triển khai các biện pháp điều tra, xác minh kết hợp với kiên trì vận động đối tượng ra tự thú. Ngày 25-10-2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị H. để cướp tài sản.
Cho đến nay, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “giết người” và “cướp tài sản” xảy ra tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Lý Nguyễn Chung (25 tuổi, quê quán tại xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn; đăng ký thường trú tại thôn Đoàn Kết, xã EaKa Mút, huyện EaKar, tỉnh Đắk Lắk) về hai tội danh trên. Đồng thời cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp Lý Văn Chúc (63 tuổi, bố của Lý Nguyễn Chung) về hành vi đe dọa giết bà Nguyễn Thị Lành (vợ ông Chúc) là nhân chứng của vụ án vì đã tiết lộ bí mật.
Vậy là, ngày mai (6/11) Tòa tối cao chỉ mới mở phiên tòa tái thẩm để tuyên vô tội cho ông Chấn. Sau phiên xử, khi ông Chấn được tuyên vô tội thì những cơ quan tố tụng có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho ông theo luật định.
Vụ án “giết người, cướp tài sản” của Lý Nguyễn Chung đã được khởi tố và bắt đầu quá trình điều tra. Có một chi tiết đáng lưu ý là khi phạm tội Chung mới 14 tuổi 8 tháng (lại một Lê Văn Luyện nữa). Ngoài đối tượng chính Lý Nguyễn Chung, một số đối tượng liên quan như Lý Văn Chúc (bố Chung), Nguyễn Thị Lành (mẹ kế Chung) biết Chung phạm tội giết người nhưng đã che dấu tội phạm suốt 10 năm qua, cùng đối tượng Lý Văn Phúc tiêu thụ tài sản (nhẫn vàng) do Chung cướp được sẽ phải bị khởi tố, điều tra, xét xử theo tuần tự từ sơ thẩm.
Cùng với vụ án đó, một “vụ án” mới cũng sẽ phải mở ra, đó là vụ án vi phạm hoạt động tư pháp của cảnh sát điều tra, kiểm sát viên phiên tòa, thẩm phán xét xử sơ, chung thẩm.
Chuyện án oan không phải bây giờ mới có, những người làm tố tụng chắc cũng không vì động cơ cá nhân mà bóp méo sự thật. Vấn đề là trình độ tay nghề cùng thái độ trách nhiệm trước sinh mạng con người là vô cùng quan trọng. Chúng ta cũng ghi nhận rằng VKS tối cao đã thể hiện đúng trách nhiệm khi phát hiện ra sai sót với một vụ việc đã trôi qua 10 năm.
Nguồn: Mõ làng