“Tướng Giáp là một nhân vật mấu chốt tạo nên sự thay đổi đối với những gì đã xảy ra tại nước Mỹ. Tướng Giáp là một nhân vật kiệt xuất”.
Nhân vật mấu chốt tạo nên sự thay đổi ở Mỹ
Tiến sỹ John Prados – một trong những nhà sử học hàng đầu của Mỹ nghiên cứu về Việt Nam – về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định như vậy.
Ông đã viết hàng chục cuốn sách về thời kỳ chiến tranh Việt Nam, trong đó phần lớn đề cập tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
TS John Prados cho biết, khi còn trẻ, ông mong muốn được gia nhập quân đội Mỹ để tham chiến tại Việt Nam và do vậy muốn tìm hiểu về Việt Nam để biết mình sẽ phải làm gì nếu tới đó. Đó là vào khoảng giữa những năm 1960, khi binh sỹ Mỹ còn chưa được triển khai ồ ạt tại Việt Nam nên TS John Prados chủ yếu nghiên cứu cuộc chiến tranh của người Pháp.
TS John Prados cho biết, từng đọc rất nhiều tác phẩm của tướng Giáp về Điện Biên Phủ, đã biết đến cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam cũng như sự hy sinh mà người dân Việt Nam phải chịu đựng để chống lại người Pháp.
“Từ đó, tôi phản đối chiến tranh và từ bỏ ý định nhập ngũ nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu về cuộc chiến tranh Việt Nam và bắt đầu viết về cuộc chiến này. Tướng Giáp là người đã định hình những suy nghĩ của tôi về Việt Nam”, TS John Prados nói.
TS John Prados nhớ lại, ông từng gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một hội nghị giữa các quan chức, nhà sử học Mỹ với các quan chức và nhà sử học Việt Nam.
Ấn tượng của TS John Prados đối với Tướng Giáp là ông rất thân thiện, dễ mến và quả quyết, sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ quan điểm của mình. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất về Tướng Giáp đối với tôi là khi ông cùng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara trao đổi về sự kiện Vịnh Bắc Bộ.
Lúc đó, Tướng Giáp khẳng định, không có bất kỳ tàu Việt Nam nào tấn công tàu chiến Mỹ vào ngày 4/8/1964. Ông McNamara liên tục hỏi dồn để cố khẳng định sự việc là có thật nhưng Tướng Giáp vẫn cương quyết bảo vệ luận điểm của Việt Nam.
“Tôi nhớ, Tướng Giáp có chốt lại một câu: “Ông McNamara, tôi đã nói với ông tất cả sự thật và đó là những điều mà tôi cần phải nói”. Cuộc trò chuyện giữa hai người dừng tại đó”, TS John Prados kể.
Nhìn nhận con người Đại tướng, TS John Prados thán phục: “Tướng Giáp là một nhân vật mấu chốt tạo nên sự thay đổi đối với những gì đã xảy ra tại nước Mỹ. Tướng Giáp là một nhân vật kiệt xuất”.
Đối với lịch sử thế giới, nếu chúng ta nhìn nhận cuộc cách mạng Việt Nam như một sự kiện bước ngoặt trong thế kỷ 20 và xét trên phương diện Tướng Giáp đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng này thì có thể thấy rằng ông có ảnh hưởng đáng kể đối với thực trạng thế giới hiện nay.
McNamara hai lần thừa nhận Đại tướng thắng
Robert McNamara là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, từng phục vụ Lầu Năm góc với thời gian kỷ lục, 2.595 ngày, dưới 2 đời tổng thống: John F. Kennedy (1961-1963) và Lyndon B. Johnson (1963-1968). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, McNamara được xem là “công trình sư” của đối phương với tư cách là người hoạch định các chính sách quân sự chủ chốt.
Vào lúc 15h30 phút ngày 23/6/1997, tại nhà khách Chính phủ, cuộc gặp gỡ giữa đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Robert McNamara – diễn ra như hoạt động cuối cùng của Hội thảo Việt – Mỹ (kéo dài hơn 3 ngày, từ 20 đến 23/6)
Trước khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, McNamara từng là một lãnh đạo doanh nghiệp (Chủ tịch hãng xe hơi nổi tiếng Ford) nên ông này đề cao quan điểm mang tính kỹ thuật, chủ trương dùng sức mạnh áp đảo của hỏa lực hòng “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Tuy nhiên, cỗ máy quân sự của McNamara đã không đủ sức mạnh để “đè bẹp ý chí chiến đấu của người Việt Nam”.
Vẫn chưa thỏa mãn “ấm ức” của mình vì bại trận, sau khi chiến tranh kết thúc, với mục đích tìm kiếm câu trả lời để lý giải cho những thất bại thảm hại của mình, McNamara đã hai lần tới Việt Nam hội kiến với người trước đây từng là kẻ thù của ông ta ở bên kia chiến tuyến: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ngày 23/ 6/1997, trong cuộc gặp gỡ lịch sử lần thứ hai (lần thứ nhất năm 1995) và cũng là lần cuối cùng này, McNamara dành phần lớn thời gian để các thành viên phái đoàn Mỹ đặt câu hỏi và trình bày quan điểm. Thế nhưng, trong suốt cuộc nói chuyện ông ta luôn tỏ ra sốt sắng và thường cắt ngang lời Đại tướng, phần vì thời gian gấp rút, phần vì còn có những quan điểm bất đồng.
Trái ngược lại, với thái độ rất lịch sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điềm tĩnh giải thích cho phía Mỹ thấy được lý do tại sao họ thất bại ở Việt Nam. Ông nói: “Mỹ xâm lược Việt Nam là một sai lầm. Mỹ thua là do không hiểu được Việt Nam”.
Đại tướng lý giải rằng Việt Nam là một dân tộc có tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm hàng ngàn năm nhưng rất mong muốn hòa bình. Phía Mỹ đã đánh lỡ nhiều cơ hội để kết thúc chiến tranh còn Việt Nam thì không bỏ qua bất cứ cơ hội nào.
Trước những lập luận rất sắc sảo của Đại tướng, không giữ được sự kiên nhẫn, cuối cùng McNamara phải thốt lên: “Thế là ngài lại thắng về thời gian rồi”. Đại tướng đáp lại: “Các ngài thua vì chưa hiểu, muốn hiểu nên lắng nghe”.
Cũng trong buổi gặp gỡ này, Tướng Chester Cooper, cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã bày tỏ thái độ một cách chân thành: “Thưa ngài, tôi thán phục ngài từ 20 năm trước. Nay tôi vẫn thán phục. Chắc các bạn của tôi ở đây cũng sẽ như vậy”.
Nhân vật huyền thoại và anh hùng
Cả những đồng đội chiến đấu bên cạnh ông và các đối thủ đều xem Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại của lịch sử.
Marcel Bigeard, vị tướng danh tiếng từng tham gia chỉ huy quân đội Pháp trong trận chiến Điện Biên Phủ đã nói về Tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Tướng Giáp đã chỉ huy quân đội của ông thành công trong hơn 30 năm. Điều này tạo thành một sức mạnh chưa từng có…”.
Nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam, tướng William Westmoreland cũng từng tuyên bố: “Những phẩm chất làm nên một nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại là khả năng đưa ra quyết định, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung và một trí tuệ hội tụ được những phẩm chất này. Tướng Giáp đã sở hữu tất cả”.
Gần 60 năm trước đây, sau trận chiến Điện Biên Phủ lừng lẫy, người Pháp đã từng gọi ông bằng danh xưng “ngọn núi lửa phủ tuyết”. Họ gọi như vậy là để ca ngợi tinh thần bất khuất, ý chí chiến đấu kiên cường của ông, một nhiệt huyết sôi sục, bùng nổ đằng sau vẻ bề ngoài điềm tĩnh.
“Ông ấy là một nhân vật huyền thoại và anh hùng của Việt Nam”, học giả người Australia, giáo sư Carl Thayer đã đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng những lời rất tốt đẹp như vậy.
Chiến lược gia quân sự lỗi lạc
Nguồn: Đất Việt
Nguồn: Mõ làng