Về Nghi Phương (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) những ngày này, trên các cánh đồng, nông dân đang khẩn trương thu hoạch nốt diện tích lúa hè thu còn lại. Đây là vụ hè thu được mùa ở vùng đất này. Dấu ấn những ngày qua đã không còn trên khuôn mặt những người dân thuần hậu, lam lũ.
Từ TP Vinh, qua thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc), rẽ vào tỉnh lộ 534 chừng khoảng 7km, trước mắt chúng tôi là những cánh đồng lúa trĩu bông đang tấp nập người thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Hợi, Xóm trưởng xóm 7 gạt vội những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt rám nắng, dừng tay vui vẻ góp chuyện với chúng tôi: “Hiếm có năm nào vụ hè thu được mùa như năm nay. Bà con nông dân chúng tôi vui lắm. Thế là sau bao ngày vất vả đất không phụ công người”. Trong câu chuyện rôm rả, chúng tôi được biết mặc dù vợ và các con đang đi làm tại các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam nhưng một mình ông vẫn cáng đáng một mẫu ruộng, trong đó lúa 7 sào đạt năng suất 2,2 tạ/sào, nếp 3 sào năng suất 2,7 tạ/sào. Ở các thửa ruộng bên cạnh, tranh thủ lúc nắng ráo, các mẹ, các chị cũng đang nhanh tay gặt hết số diện tích còn lại để kịp chuẩn bị đất cho sản xuất vụ đông tiếp theo.
Lý giải nguyên nhân trúng vụ hè thu năm nay, Xóm trưởng xóm 7 cho rằng, đó là nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới đảm bảo cùng với sự dày công chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời của bà con nông dân. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ sản xuất kịp thời của huyện và xã. Chẳng hạn như cho vay phân bón, hỗ trợ 100% lãi suất mua máy dập, máy tuốt… đã giúp nhân dân triển khai kịp thời vụ. Ông Hợi còn cho biết thêm: “Đến nay, xóm tôi đã có 3 máy dập, 2 máy tuốt lúa không chỉ phục vụ kịp thời nhu cầu của bà con trong xóm mà còn hỗ trợ các xóm lân cận. Năm nay cũng là năm xóm có diện tích lúa hè thu lớn nhất với 18,5ha, lại được mùa nên bà con ai cũng phấn khởi”.
Dọc theo đường 534, qua những trường học, trạm y tế, những ngôi nhà cao tầng thấp thoáng sau lũy tre, chúng tôi về trụ sở UBND xã Nghi Phương, gặp ông Nguyễn Đình Thư, Phó Chủ tịch UBND xã. Ông Thư hồ hởi nói: Vụ hè thu năm nay, toàn xã có 461ha, đến thời điểm này bà con đã thu hoạch được 80% diện tích. Bình quân đạt 44 tạ/ ha. Sau 3 năm vụ hè thu mất mùa, thì đây là năm có diện tích và sản lượng cao nhất. Bên cạnh yếu tố về thời tiết, thì cũng nhờ bà con đã tuân thủ đúng lịch sản xuất mà xã đã chỉ đạo. Ngoài ra, UBND xã còn hỗ trợ gần 15 triệu đồng tiền bơm chống úng và chống hạn ở các cánh đồng sâu trũng và nơi cao cưỡng như ở xóm 1 và xóm 2…
Để kịp thời động viên bà con thi đua sản xuất, năm nay, UBND xã quyết định thưởng cho 8 xóm sản xuất hè thu đạt 100% diện tích. Xã cũng tập trung đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu và mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thúc đẩy phát triển chăn nuôi, chủ lực là đàn bò laisind. Các hộ chăn nuôi được hỗ trợ tập huấn, tiêm thuốc phòng trừ dịch bệnh miễn phí. Đến nay toàn xã có 1.900 con, có những gia đình nuôi tới 7-8 con. Ngoài chăn nuôi bò còn có các trang trại chăn nuôi gà, vịt, lợn cho thu nhập cao như gia đình ông Nguyễn Văn Vinh, Đỗ Văn Nam, Đậu Văn Sâm…
Cùng với phát triển sản xuất, chăn nuôi, xuất khẩu lao động cũng là một hướng thoát nghèo của xã. Hiện, Nghi Phương có khoảng 600 lao động xuất khẩu ở các nước và hơn 1.800 người đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh… Hiện xã cũng đang tập trung xây dựng các tiêu chí nông thôn mới, như tiếp tục triển khai kế hoạch làm đường bê tông nông thôn, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn…
Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, cuộc sống của bà con Nghi Phương (trong đó 53% dân số theo đạo công giáo với 914 hộ, 4.181 khẩu) đến nay đã có nhiều đổi thay. Những năm qua, chính quyền xã đã đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như trường học, trạm y tế. Hiện xã cũng đang tiếp nhận dự án kiên cố hóa trường học gần 6 tỷ đồng để xây dựng trường mầm non. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi ở khắp các thôn xóm. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám và cấp thuốc bảo hiểm cho nhân dân cũng được quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm 2013, xã đã tổ chức khám bệnh cho hơn 2.000 lượt người, cấp thuốc bảo hiểm trị giá gần 17 triệu đồng; Hội Phụ nữ thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình…
Những ngày này, mặc dù trời mưa tầm tã, nhưng trên tỉnh lộ 534, vẫn chật đông học sinh ở Nghi Phương hối hả đội mưa đến trường. Ông Nguyễn Trọng Tạo, Chủ tịch UBND xã Nghi Phương cho biết: Ở đây, người dân rất quan tâm đến sự học của con em. Tỷ lệ phổ cập tiểu học đạt 100%, THCS đạt 98%, phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ ở các thôn xóm (6 tháng đầu năm 2003, Quỹ Khuyến học của xã đã góp thêm được 20 triệu đồng, xã đã tổ chức trao phần thưởng cho các học sinh nghèo vượt khó học giỏi, trao quà các giáo viên dạy giỏi và học sinh giỏi các cấp). Tổng kết năm học 2012-2013, Nghi Phương có 6 học sinh giỏi cấp tỉnh, 40 học sinh giỏi cấp huyện, 90 học sinh giỏi toàn diện, học sinh tiên tiến đạt tỷ lệ gần 40%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT và THCS đạt hơn 96,7%. Năm 2013, Nghi Phương có 30 em thi đỗ các trường đại học, cao đẳng chính quy. Ông Chủ tịch UBND xã còn cho biết: Mặc dù các xóm vừa tổ chức vui Tết Độc lập 2-9 cho các cháu thiếu niên nhi đồng, nhưng dịp Tết Trung thu năm nay, UBND xã cũng trích ngân sách hỗ trợ và chỉ đạo các xóm tổ chức “Vui hội Trăng Rằm” cho các em.
Gặp ông Lê Văn Khang, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, chúng tôi cũng được biết thêm, tỉnh Nghệ An và huyện Nghi Lộc đã có quyết định hỗ trợ xi măng để xã Nghi Phương mở rộng thêm các đoạn đường bê tông hóa liên thôn, liên xã. Và mới đây, vào ngày 10-9, ngay sau cuộc họp quán triệt Nghị quyết Trung ương 7, chính quyền xã Nghi Phương cũng đã công bố kế hoạch phóng tuyến, cắm mốc mở rộng các tuyến đường theo đề án xây dựng nông thôn mới. Trước mắt sẽ thực hiện hoàn thành 2km ở các xóm 4, 9 và 15. Rồi đây, Nghi Phương sẽ có thêm những con đường mới rộng mở, những cánh đồng mẫu năng suất cao sẽ được nhân rộng… Những vụ mùa bội thu lại tiếp tục về với đồng đất Nghi Phương!
ĐỨC DŨNG – GIA HUY/QĐND
Nguồn: Mõ làng