Suốt cả gần tháng qua sau khi PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ biên tập 22 (Giai đoạn lịch sử 1954-1975) thuộc Bộ Quốc sử 30 tập phát tán bài phát biểu dài 2 giờ 4 phút tại Câu lạc bộ Cà phê Số làm dư luận xã hội xôn xao, tạo ra cuộc “bão mạng” phê phán quan điểm “xét lại lịch sử” xuyên tạc, bóp méo lịch sử của ông Nguyễn Mạnh Hà và một bộ phận trong ban biên tập bộ quốc sử, và làm cho nhân dân ta, nhất là cư dân mạng phân tâm chia rẽ.
Bộ sử 15 tập: Những thiếu sót và sai lầm nghiêm trọng cần quan tâm (kỳ 1)
Trước tình hình đó, tôi và các anh Nguyễn Thanh Tuấn – Trung tướng, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn; anh Hoàng Kiền – Thiếu tướng Anh hùng Lực lượng Vũ trang, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, và GS.TS khoa học Nguyễn Cảnh Toàn – Viện Hàn lâm khoa học xin gặp lãnh đạo để nêu ý kiến của chúng tôi và đông đảo cựu chiến binh, nhất là các tướng lĩnh quân đội đã nghỉ hưu về vấn đề này. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo chúng tôi gặp đồng chí Vũ Đức Đam – UV BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, người được Thủ tướng giao làm Trưởng ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về biên soạn Bộ Quốc sử 30 tập.
Chiều 14/11, tôi điện thoại cho Phó Thủ tướng, mặc dầu rất bận việc nhưng Phó Thủ tướng sắp xếp ngay: Sáng ngày 15/11, gặp chúng tôi tại phòng họp của Phó Thủ tướng tại Phủ Thủ tướng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam triệu tập thêm đồng chí Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ (cơ quan chủ quản việc biên tập Bộ Quốc sử), GS.TS khoa học Vũ Minh Giang – Phó ban biên tập Bộ Quốc sử và hai cán bộ Văn phòng Phủ Thủ tướng. Anh Hoàng Kiền bận không về kịp nên phía chúng tôi chỉ có 3 người là tôi Võ Tiến Trung, anh Nguyễn Thanh Tuấn và anh Nguyễn Cảnh Toàn.
Sau khi phát biểu phê phán sâu sắc quan điểm sai trái của ông Nguyễn Mạnh Hà chúng tôi đề nghị với Đảng, với Chính phủ ba vấn đề sau đây:
1. Đảng và Nhà nước chỉ đạo sát sao, hội thảo và thông qua chặt chẽ để Bộ Quốc sử không bị xuyên tạc, bóp méo, không được gọi bọn tay sai cho thực dân Pháp là “quốc gia Việt Nam”, tay sai cho Mỹ là “Việt Nam Cộng hòa” và công nhận nó là một thực thể chính trị hợp pháp.
2. Kính đề nghị Phó Thủ tướng cho ý kiến về phát biểu của anh Nguyễn Mạnh Hà có đúng là quan điểm của Ban soạn thảo Bộ Quốc sử không? Điều đó đang gây phân tâm trong xã hội và có điều kiện để bọn cơ hội tấn công vào chế độ thực hiện “Bài Trung, phò Mỹ, viết lại sử, dựng cờ vàng, hạ cờ đỏ”, thực hiện hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, hạ bệ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, để cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
3. Chúng tôi đề nghị môn Sử, Tiếng Việt (Văn) và Toán phải là 3 môn thi bắt buộc khi thi trung học, không để môn Sử thi ghép như hiện nay.
Một lần nữa xin cảm ơn Phó Thủ tướng và các anh đã lắng nghe.
Tiếp theo Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và GS.TS khoa học Nguyễn Cảnh Toàn đã phát biểu súc tích ngắn gọn bổ sung làm rõ thêm quan điểm của tôi, phê phán nhóm xét lại lịch sử. Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn nói thêm: Lợi dụng vấn đề xuyên tạc, bóp méo lịch sử hòng làm sụp đổ chế độ, dẫn chứng lịch sử đã thấy rõ trước khi đánh đổ chế độ bao giờ kẻ địch cũng xét lại lịch sử, bóp méo xuyên tạc lịch sử và đề nghị nói rõ Lịch sử Việt Nam trải qua ba hay bốn ngàn năm, không nên nói như hiện nay.
GS.TS khoa học Nguyễn Cảnh Toàn phát biểu thêm: Vai trò lịch sử trong giáo dục công dân, những bài học giáo dục lòng yêu nước và sắc lệnh chống xuyên tạc lịch sử của nước Nga và Tổng thống Putin.
Sau đó theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, GS.TS khoa học Vũ Minh Giang – Phó Tổng chủ biên Bộ Quốc sử 30 tập phát biểu đại ý như sau:
– Bộ Quốc sử 30 tập đang được biên soạn rất kỹ lưỡng và sẽ hội thảo, xin ý kiến thông qua chặt chẽ, sẽ không thể để việc xuyên tạc, bóp méo lịch sử xảy ra.
– Chúng tôi triển khai chặt chẽ quan điểm của Đảng vào viết sử, không có phi chính trị lịch sử.
– Những ai phát ngôn về Bộ sử khi chưa được thông qua, chưa được phát hành đều vi phạm qui chế và đó là ý kiến cá nhân, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh.
– Bản chất chế độ Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa là Ngụy và tay sai của Pháp và Mỹ là rõ ràng, phải viết đúng bản chất của nó, nhưng về tên gọi nên dùng tên thế nào chúng tôi đang bàn và sẽ xin ý kiến của Ban Bí thư TW Đảng, nhưng đây là Bộ Quốc sử dịch ra nhiều thứ tiếng phát hành rộng rãi trên thế giới cho nên viết thế nào, gọi tên ngụy quyền là gì để bạn bè có thể tin tưởng ta viết sử rất trung thực là vấn đề cần bàn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu sau cùng, rõ ý như sau: Hoan nghênh các đ/c Võ Tiến Trung, Nguyễn Thanh Tuấn, GS. Nguyễn Cảnh Toàn đã tâm huyết với sự ra đời của Bộ Quốc sử. Tôi mời Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chủ nhiệm Đề án Khoa học xã hội cấp quốc gia “Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” (Bộ Quốc sử) cùng nghe ý kiến của các anh.
Từ lâu, chúng ta đã mong muốn có một bộ Quốc sử Việt Nam. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau này các Thủ tướng khác cũng rất quan tâm nhưng chúng ta vẫn chưa có một Bộ Quốc sử chính thống. Nay Đảng, Nhà nước chỉ đạo biên soạn Bộ Quốc sử 30 tập là chủ trương đúng đắn.
Bộ Quốc sử đang trong giai đoạn biên soạn, do đó chưa ai được phép, được quyền công bố nội dung vì còn phải được thông qua quá trình nghiệm thu chặt chẽ. Những vấn đề phức tạp phải thông qua cấp có thẩm quyền. Về phát biểu của đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ nắm lại, có văn bản báo cáo.
Tinh thần chỉ đạo là Bộ Quốc sử phải trung thực, khoa học và dứt khoát phải đúng quan điểm, không thể phi chính trị, không để bị lợi dụng xuyên tạc bóp méo lịch sử, chống chế độ, đi ngược lợi ích của Dân tộc.
– Ban Chủ nhiệm Đề án khẩn trương tổng hợp những vấn đề còn ý kiến khác nhau để báo cáo xin ý kiến và cần có chỉ đạo ngay không để phát tán thông tin chưa được thông qua ra xã hội, gây phân tâm chia rẽ.
– Vấn đề các anh đề nghị đưa bộ môn lịch sử thành môn thi bắt buộc, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét, nếu cần có trao đổi trực tiếp với các anh và các nhà khoa học. Vấn đề khẳng định lịch sử chúng ta trải qua bốn ngàn năm hay mấy ngàn năm là vấn đề chuyên môn. Ban Chủ nhiệm cần làm rõ và có báo cáo.
– Đề nghị GS. Vũ Minh Giang cùng Ban Chủ nhiệm tiếp tục trao đổi với các anh trong quá trình hoàn thiện Bộ Quốc sử.
Thay cho lời kết
Như vậy chúng ta vui mừng vì sắp có Bộ Quốc sử đồ sộ khẳng định lịch sử hào hùng của dân tộc, góp phần to lớn vào giáo dục nhân cách và lòng yêu nước của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.
Bộ Quốc sử sẽ được Đảng, Nhà nước chỉ đạo thông qua, xin ý kiến chặt chẽ, không để bọn cơ hội xuyên tạc bóp méo lịch sử dân tộc, chúng ta cần tập trung cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chống tham nhũng thắng lợi, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc của chúng ta.
Chúc thắng lợi, chào thân ái các bạn!
Thượng tướng – PGS.TS Võ Tiến Trung
(Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Nguyên UVTW Đảng,
Nguyên Đại biểu Quốc hội, Nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng)
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 528
Nguồn: Đấu trường dân chủ