Trang chủ Loa Phường Đừng nghe cave kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày

Đừng nghe cave kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày

220
0

Sông Cầu

Câu “châm ngôn” ấy cứ văng vẳng bên tai tôi thật kỳ lạ khiến tôi không thể không tò mò. Nhà tôi ở sát con kênh bắt nguồn từ Hồ Núi Cốc chảy về, nơi đây có lẽ là nơi lý tưởng để các con nghiện tụ tập thực hiện những lúc cần thoả cơn nghiện chăng? Thường thường vào các buổi chiều các con nghiện lại đèo nhau bằng xe đạp, xe máy vội vã lao thẳng  vào bờ con mương này để tiêm chích, chúng có đủ các lứa tuổi, già có, trung niên có, thậm chí cả vài đứa choai choai , duy chỉ toàn nam giới tôi chưa gặp một người nữ nào, phần đa chúng tầm tuổi từ 26- 40 thỉnh thoảng có tên trạc hơn 50 tuổi. Thật ra tôi cũng đoán tuổi vậy vì nhìn họ nhem nhếch và bù xù nên có thể đoán tuổi chưa chính xác. Thỉnh thoảng cũng có đứa trông bảnh trai, đi xe đẹp, đầu tóc cũng không đến nỗi nào, tôi nghĩ chắc có lẽ là công nhân hoặc viên chức nhà nước. Những đối tượng như vậy thường đi lẻ một mình, vội vã chích rồi vội vã châm điếu thuốc lá cắm phì phèo trên miệng vội vã phi xe đi thật nhanh.

            Vào một buổi trưa nọ trời ít nắng tôi đi làm về tiện có nắm gốc rau vừa nhặt xong mang ra sau mương để đổ, tôi thấy một thanh niên đang ngồi xổm trên bờ mương, thấy tôi bất ngờ xuất hiện người thanh niên loay hoay một lát rồi cũng đành cúi mặt ngồi im, những chuyện như thế ở bờ con mương này đối với tôi cũng không lầy gì làm lạ, tôi đứng cách người thanh niên khoảng 3m và nhìn  thấy ở khuỷu tay cậu ta có một chiếc kim tiêm vẫn lủng lẳng cắm ở đó, tôi hỏi:

– Sao không rút kim ra mà lại để lủng lẳng trông kinh thế chú?

– Thấy tôi có vẻ hỏi thật và không có ý gì, người thanh niên không nhìn tôi trả lời:

– Em để thế này cho khỏi bị sốc!

– Thì ra là thế, tôi lại hỏi:

– Vì sao để như vậy lại không bị sốc?

– Vì như thế này thuốc sẽ vào người từ từ mà không bị sốc chị ạ.

Tôi lại hỏi:

– Chú nghiện thế này vợ con và gia đình có biết không?

– Biết thì làm thế nào được chị, em cũng đã đi cai một vài lần rồi nhưng lại “chơi lại”.

– Vì sao thế?

– Vì cái “ giống” nghiện này hễ cứ nhìn thấy bạn nghiện hoặc ngửi thấy mùi thuốc là không tài nào chịu nổi.

Câu chuyện có vẻ như đã vào đề vả lại nhìn tôi chắc người thanh niên cũng không có gì lo ngại nên anh ta tự kể:

– Chị không biết em nhưng em biết chị đấy, chị là vợ anh Hùng thương binh chứ gì.  Sau khi học xong em đi công nhân, đồng lương thấp không đủ chi phí em lại xin đi làm vệ sĩ cho Siêu thị Picsi.

Thấy người thanh niên nói vậy tôi  tự nhủ:

Lại “nghe thằng nghiện trình bầy” đây, biết thế nhưng tôi vẫn hỏi:

– Chỗ làm tốt thế, bây giờ em nghiện thế này họ không biết hay sao mà vẫn cho em làm?

– Không chị ơi, em xin về rồi, thật ra em nghĩ trước sau họ cũng đuổi, em nghĩ về trước đi còn hơn để họ phát hiện ra, còn các bạn đồng nghiệp nữa, em chả mặt mũi nào.

Tôi không hỏi nhiều về chuyện công việc nữa vì tôi biết đó có thể là thật, nhưng cũng có thể chỉ là “ giấc mơ của chàng nghiện thôi”, có thể cậu ta chỉ nói khoác. Tôi lại hỏi:

– Bây giờ một ngày em dùng hết bao nhiêu?

– Có thì ba bi không có thì một.

– Mỗi một bi bao nhiêu tiền?

– Năm mươi nghìn.

– Vậy là mỗi ngày một trăm ngàn đồng, lấy đâu ra tiền?

– Trước kia em đi làm vẫn dành được ít tiền, sau dùng hết số tiền đó bà em thương em nên thỉnh thoảng lại cho.

Tôi nói với cậu ấy nhưng cũng như nói với chính mình rằng “bà đã già rồi làm gì được nữa mà vẫn phải cho tiền cháu đang sức thanh niên”. Nghĩ cũng tội nghiệp. cậu ấy hiểu được tâm trạng của tôi nên cúi mặt thấp hơn và nói trong tiếng thở dài. “Chót rồi nên không biết làm sao được”, một sự xa xót chạy dọc trong sống lưng tôi, vậy mà cũng gọi là một cuộc đời, nhìn vào chiếc xi lanh vẫ lủng lẳng trên tay cậu ta cũng giống như nhìn thấy cái chết mà không sao tránh ra được.

Tôi lại hỏi:

-Đằng nào gia đình cũng biết mình nghiện sao em không mang về nhà chích đàng hoàng vừa kín đào vừa sạch sẽ không ( ý tôi muốn nói không để mọi người phải nhìn vào cảnh ấy) ?

– Cậu thanh niên trả lời nhanh như đã có sẵn trong đầu:

– Chị không biết đâu, cái giống nghiện này nó thèm lắm, chỉ mua được là muốn dùng ngay, dùng luôn không kịp mang về nhà.

– Vậy sao?

– Vâng, đã gọi là nghiện lúc nào cũng chỉ nghĩ về nó thôi, tìm mọi cách để có nó, không có nó xẽ không đi làm gì được, cơm cũng không muốn ăn, tóm lại là phải có nó, có rồi là dùng ngày không thì không chịu nổi

– Thì ra vậy!

Tôi lại hỏi:

– Vậy sao chú không ngồi sát vào tường mà lại ngồi vắt vẻo trên bờ mương thế lỡ ra say thuốc ngã xuống mương thì sao.

Người thanh niên tỏ ra hoạt bát hơn trả lời lưu loát hơn:

– Em sợ mọi người nghĩ là em định trộm cắp nên em ngồi hẳn ra đây để khỏi bị nghi ngờ, em chích xong là vứt luôn các thứ xuống mương để mọi người khỏi dẵm phải, có những thằng vô ý thức nó ném kim trên bờ lỡ ai dẵm phải thì gay.

Thì ra ở sâu thẳm tâm hồn của người thanh niên lầm lỡ kia vẫn nặng phần người, họ vẫn lo cho người khác, quan tâm đến người khác, trong cuộc đời họ đã đi những bước sai lầm, sai lầm đến chết người, đó cũng chỉ là vô thức nhưng ý thức trong tâm cam họ là thật, suy nghĩ của họ cũng là thật …Chỉ còn trông vào những bàn tay của mọi người, của chúng ta có phép thần nào cứu họ ra khỏi vũng lầy, đêm đen hay không? hãy chờ vào những người đang sống ở khoảng trời đang tràn đầy ánh sáng.

***

Hôm nay bất ngờ gặp lại người thanh niên dạo nọ ở bờ mương, anh ta vẫn gầy gò xanh xao nhưng ánh mắt sáng hơn, nụ cười nở nhẹ trên môi, tôi chưa kịp hỏi người thanh niên đã lên tiếng trước.

– Em chào chị!

– Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên người thanh niên đã nói tiếp:

– Em vừa đi chở khách về tiện thể mua vài lạng thịt để vợ em nấu ăn.

– Thế…

– Vâng , lần này em đã cai thành công rồi chị ạ, 2 năm rồi không nghiện lại, em đã xin vợ em tha thứ, vợ em nó vẫn thương em, thấy em cai nghiện được rồi nó mừng lắm, nó đồng ý cho em về ở với nhau, bây giờ vợ em đang có thai, em bảo cứ ở nhà dưỡng thai sau này sinh con cho khoẻ mạnh, mọi việc nặng nhọc đã có em lo.

– Vậy thì tốt quá rồi.

– Chị ơi chị có biết em cai được là nhờ vào đâu không?

– Tất nhiên là nhờ vào sự quyết tâm của chú.

– Em nói chắc chị không tin được đâu, đấy là nhờ một phần ở chị đấy.

Tôi tròn mắt, ngẩn người chưa hiểu thế nào:

– Chú vớ vẩn chuyện chú cai nghiện chẳng liên quan gì đến chị, chú nói trong lúc tỉnh hay đang say đấy?

– Chị không tin thật à? Không tin cũng phải thôi nhưng thật một trăm phần trăm đấy chị ạ. Hôm gặp chị ở bờ mương, lúc đầu em vừa ngại lại vừa sợ chị, cái sợ của kẻ không đàng hoàng. Em là một thằng nghiện, một thằng cùng đinh của xã hội , lúc ấy em chỉ có cơn khát, cơn khát thèm của kẻ nghiện Ma tuý. Em nghĩ dưới con mắt của mọi người em chỉ là kẻ mạt hạng, có người gặp em chui nhủi họ còn nói thẳng : Bọn nghiện ngập sao không chết quách hết đi. Sống không bằng con chó dại thì sống làm gì, lúc ấy nói thật với chị em căm họ nhưng trong lòng lại nghĩ  họ nói đúng, em chỉ muốn tự nhổ nước bọt vào mặt mình, chỉ muốn chết quách đi cho khỏi nhơ nhớp.

– Thôi em đừng nói như thế nữa!

– Chị cứ để em nói hết đã để chị hiểu em hơn.

Trong tai tôi lại văng vẳng câu: “ Đừng nghe ca ve kể chuyện, đừng nghe thằng nghiện trình bầy” nhưng nghĩ thế nào tôi vẫn đứng im.

-Chi ạ, có lần em bị sốc thuốc nằm vật ở rìa đường, trong cơn mê man, em nghe thấy người ta bảo: Thằng nghiện bị sốc thuốc đấy, cho nó chết đi cho mát, cứu làm gì, nhà nào có con cái mà thế này cũng nhục lắm. Trong cơn mê man em lại thấy chị, hình ảnh chị sao thân thương ấm áp vậy, chị thật chân thành, đôi mắt hiền dịu bao dung của chị đã khiến em tỉnh lại, chị đã không khinh ghét em mà còn  nhắc em cẩn thận kẻo rơi xuống nước. Em nghĩ: Vậy là trong cuộc sống em vẫn còn có giá trị, ít nhất vẫn còn có người thương em, lo cho em. Mỗi lần nghĩ vậy em lại thấy mình cần phải sống, sống cho ra người.

– Thôi em mang thức ăn về đi kẻo vợ lại mong, em cai được thế này là ngoài sức tưởng tượng của chị . Chúc mừng vợ chồng em !

– Vâng em cảm ơn chị nhiều lắm.

Cậu thanh niên ấy nhìn tôi và nở một nụ cười, nụ cười đầy biết ơn và trân trọng lật bật khoác túi thức ăn lên xe đạp về nhà, nhìn nụ cười trên khuôn mặt gầy gò của cậu ấy, tôi hiểu cậu ấy đã thành người. Tôi chợt hiểu có thể chỉ một câu nói, một hành động đã cứu sống một con người và cũng chỉ một câu nói một sự khinh khi sẽ đẩy người ta vào một ngõ cụt đau sót khôn lường, mỗi chúng ta hãy có lòng vị tha để cứu vớt những “ linh hồn” chót lầm đường lạc lối vì… họ cũng là một con người!

Nguồn: Loa phường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây