Đó là một trong những nội dung nóng dược đề cập trong Hội nghị tổng kết 2013 và triển khai nhiệm vụ 2014 của Bộ Thông tin & Truyền thông diễn ra hôm nay (26/12) tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, hiện cả nước có 838 cơ quan báo chí, trong đó có 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang thông tin điện tử tổng hợp.
Một trong những vấn đề nổi cộm của loại hình báo chí mới này là xu hướng chạy theo việc đưa tin giật gân, câu khách, thậm chí sai sự thật, mà theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói khi trả lời chất vấn trước QH kỳ họp vừa rồi là “xu hướng lá cải”.
Lá gì thì lá, người đọc đã bất bình, đã chán ngấy những bản tin sex-sốc-sến tràn lan trên khắp các mặt báo, đã gọi nhà báo là lều báo, là chuyện có thật. Vấn đề ấy có phải phát sinh hoàn toàn từ tư cách của những người làm báo mải mê đuổi theo đồng tiền, theo số lượt truy cập, những người ưa nhàn hạ và vô trách nhiệm với xã hội hay không?
Đánh giá trên của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son xem ra còn nhẹ hều so với thực tế của báo điện tử. Nếu tính sổ thì hàng đầu phải kể đến là lối viết bài sa đọa đạo đức của các phóng viên và biên tập viên báo chí cổ vũ cho cái ác, cái xấu bằng cách mô tả chi tiết hành vi tội ác, hành vi dâm dục, lối sống sa đọa của một bộ phận phần tử cặn bã xã hội lên mặt báo. Hầu như chẳng có tờ báo nào, ngày nào không có tin chi tiết về cướp, giết, hiếp, loạn luân, thậm chí là những phóng sự dài hơi. Một vụ Cát Tường đeo đẳng mặt báo đến vài tháng chưa thôi, một vụ hiếp trẻ em được mô tả chi li đến chuyện khám bộ phận sinh dục đứa trẻ…
Tệ hại hơn, công cụ tư tưởng đã trở thành phản tư tưởng khi cố đẩy những hiện tượng cá biệt thành làn sóng phẫn nộ của xã hội như kiểu vụ ngược đãi trẻ em ở trường mầm nan tư thục Phương Anh, Củ Chi bị đẩy lên thành mâu thuẫn Bắc – Nam khi nêu vấn đề người miền Nam tàn ác với trẻ hơn miền Bắc để thảo luận.
Trong phương hướng tới, biện pháp khắc phục mà Bộ TTTT đưa ra là: “Đẩy mạnh quản lý nhà nước về báo chí: tăng cường phổ biến Quy chế phát ngôn và thông tin cho báo chí, khắc phục hiệu quả hiện tượng, tình trạng một số báo xa rời, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ; chấn chỉnh việc thông tin sai sự thật, thiếu chính xác, không phục vụ lợi ích đất nước, nhân dân”. Tuy nhiên, trên thực tế mấy năm qua chưa thấy một tổng biên tập nào, nhà báo nào đưa tin kiểu “lá cải” bị kỉ luật, phạt vạ cả.
Còn nhớ, Sáng 21-11, ngày thứ ba của phiên chất vấn ở diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời câu hỏi của ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) về báo “lá cải”, Bộ trưởng nói: “Báo chí nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một phương tiện thông tin truyền thông thiết yếu của đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân. Như vậy có thể khẳng định rằng, trong xã hội ta không có báo lá cải”. Có lẽ đây là cách trả lời quá kín kẽ của vị tổng tư lệnh báo chí mà thôi. Đúng là làm gì có nhà nước lập ra báo lá cải từ tôn chỉ mục đích, nhưng tính chất lá cải đã xâm lấn vào từng trang báo làm cho nó dần xa rời tôn chỉ, mục đích của nó. Nói như nhà báo Nguyễn Vạn Phú ở tờ TBKTSG “Ở VN, biểu hiện rõ nhất hiện nay chính là sự tràn ngập trên các tờ báo mạng các tin bài “tình, tiền, tội”, “cướp, giết, hiếp”, chuyện lộ hàng, rồi chân dài này, đại gia kia… Ngay những tờ báo mạng một thời đàng hoàng bây giờ cũng “nửa nạc, nửa mỡ” vì áp lực cạnh tranh giành độc giả và quảng cáo. Và nó đã bắt đầu lan tràn ra thế giới báo in… Đó là một cuộc đua xuống đáy. Còn thờ ơ, buông lỏng quản lý như hiện nay ngày nào thì tình hình càng thêm hỗn loạn ngày đó”
Đó là câu chuyện “Tự diễn biến”, Bộ TT&TT còn nhận định “các thế lực thù địch vẫn tăng cường lợi dụng môi trường mở của Internet để tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước. Việc này diễn ra thường xuyên, liên tục trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng. Việc quản lý các trang mạng xã hội, blog cá nhân, trang tin điện tử đặt máy chủ ở nước ngoài cũng gặp khó khăn. Do đó cần từng bước đưa công tác quản lý thông tin trên Internet, đặc biệt trên các trang thông tin điện tử, blog, mạng xã hội vào nền nếp”. Xem ra cuộc chiến còn cam go khi mà các giải pháp quản lý chưa đủ “đô” để đối phó với “thù trong, giặc ngoài”.
Hy vọng với những nghị định, thông tư mới về quản lý internet sẽ được các nhà quản lý sử dụng như là “Thượng phương bảo kiếm” để triển khai ráo riết công tác quản lý làm trong sạch, lành mạnh thông tin cho các phương tiện truyền thông.
Nguồn: Mõ làng