Trang chủ Đối tượng “Cậu” Liên Tìm Mộ Liệt Sỹ Bằng…”Ngáp Ruồi”

“Cậu” Liên Tìm Mộ Liệt Sỹ Bằng…”Ngáp Ruồi”

287
0

Kính Chiếu Yêu: Đó là chân dung về nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên (tức cậu Liên), hiện trú tại thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương)…

Đường đến nhà “cậu Giời”

Với “danh tiếng” đã nổi từ hơn chục năm nay trong “giới ngoại cảm”, thật không khó để tìm được về với nhà “cậu” Liên, trong vòng “bán kính 10km”, không ai, không biết tiếng “cậu”. Sau hành trình hơn 1 giờ 30 phút từ Hà Nội xuống Hải Dương, chúng tôi đã tìm được đến nhà “cậu” Liên. Nhà “cậu”, nói đúng hơn là “đại bản doanh” hành nghề của “cậu” toạ lạc ngay chính giữa thôn Mỹ Xá.

Đó là một khuôn viên khá hoành tráng, nhà được xây theo lối kiến trúc “Đông, Tây y kết hợp” khá nguy nga. Nhà “cậu” được chia thành rất nhiều khu, trong đó phần Hội trường (dùng để hành nghề và cho khách ngồi đợi” có diện tích rộng nhất (chừng 50m2), ngay cạnh Hội trường của “cậu” là điện thờ Thánh Bà (nơi khách đến sắm sửa hương hoa và đặt… tiền), nằm song song với Hội trường phòng ăn của “cậu”, còn nơi “ngoạ” của “cậu” được bố trí trên tầng 2.

Hàng ngày, Liên hành nghề ngay tại nhà riêng của mình ở Tứ Kỳ, Hải Dương với hàng trăm người đến đứng ngồi lố nhố (ảnh tư liệu chụp năm 2008).

Thấy chúng tôi vừa vào cổng, một thanh niên đã nhanh nhẹn chạy ra hỏi: “Các anh vào nhà “cậu” hả, anh gửi xe đây, rồi vào kia mua lễ”. Đã “giáp mặt” nhiều “đại gia” trong giới ngoại cảm, bói toán, nhưng chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng bởi dịch vụ “ăn theo” lộc của “cậu” Liên.

Ngay cạnh nhà “cậu” là một khu phục vụ cho khách ăn, nghỉ tại chỗ, kèm theo đó là dịch vụ mua sắm hương hoa, vàng mã… Ngoài ra, xung quanh nhà “cậu”, còn có đến 3-4 nhà khác cũng làm dịch vụ “ăn theo” tương tự với phương châm phục vụ ăn, nghỉ từ A đến Z. Thấy chúng tôi còn lơ ngơ, một “cò” ra nói ngay: “Nhà “cậu” đông khách lắm. Dù đi chữa bệnh hay tìm mộ, anh cũng cứ xác định phải ở lại đây một tuần. Có gì về bên nhà tôi nghỉ trước, giá cả phải chăng thôi”…

Quả đúng như lời “cò” này nói, một ngày như mọi ngày, nhà “cậu” lúc nào cũng lố nhố kẻ nằm, người ngồi. Kẻ đứng, người xì xụp thắp hương khấn vái… Lịch “làm việc” của “cậu” được bố trí rất rõ rằng, sáng từ 8h đến 11h, chiều từ 2h đến 5h. Từ thứ 2 đến thứ 6 là lịch tìm mộ liệt sỹ và tìm mộ nhân dân, thứ 7 và Chủ Nhật được “cậu” dành để chữa bệnh cho “bách tính”.

Ngày nào cũng vậy, trong nhà “cậu” luôn chật ních người chờ đợi (khoảng 100-200 người) chầu chực sẵn đợi đến lượt. Một khách đi chữa bệnh nói với tôi: “Ở đây, để đến lượt chữa bệnh thì phải đợi ít nhất 1 tuần, còn nếu muốn tìm mộ có khi phải đợi cả tháng đấy. anh cứ xác định tư tưởng đi”.

Một ngày của “cậu”

Ngày đầu tiên chúng tôi tìm đến nhà “cậu” đúng vào ngày thứ 7. Đây cũng là ngày “chữa bệnh” của “cậu”. Không khí trong những ngày như thế này thật ngột ngạt, bởi lượng bệnh nhân “đổ” về đây không bao giờ dưới 100 người, chưa kể người nhà đi theo.

Khác với Hoàng Thị Thiêm, “cậu” Liên có khả năng chữa bách bệnh. Để mục sở thị cái gọi là “chữa bệnh” của “cậu”, chúng tôi đã dành ra hẳn một ngày để được xem “cậu” chữa bệnh. Mỗi một buổi chữa bệnh (3 giờ), “cậu” chia làm 3 ca khác nhau.

Ca 1, ưu tiên chữa cho trẻ em từ 10 tuổi trở xuống. Ca 2, chữa bệnh về thần kinh và người già. Ca 3, cũng là ca “cậu” thường “kết” nhất: là bắt “vong”, diệt yêu, từ tà.

“Cậu” có kiểu “hành sự” rất lạ, chẳng cần phải dùng các thiết bị hiện đại như xét nghiệm, chụp X-Quang, đo huyết áp, mà thường chỉ nhìn vào mặt bệnh nhân rồi hỏi dăm câu, ba điều, thỉnh thoảng có bệnh nhân được “cậu” bắt mạch. Chỉ cần như thế là “cậu” có thể “chẩn đoán” được bệnh của bệnh nhân.

Thường mỗi “ca” như vậy “cậu” khám trong chưa đầy 5 phút đã xong. Các bệnh nhân nhi thường được “cậu” chẩn đoán na ná như nhau: nào là mắc bệnh thận, nào là gan, sởi… rồi “cậu” bắt đi lấy thuốc.

Xong “ca” của các bệnh nhân nhi, “cậu” chuyển sang chữa cho những bệnh nhân bị bệnh thần kinh, các cụ già và một số thanh niên. Cũng giống như “ca” nhi, “cậu” chữa cho các bệnh nhân này rất nhanh, nhưng khác ở chỗ, “cậu” thường hỏi han về gia cảnh, “tiền sử” bệnh tật, rồi “xui” người nhà bệnh nhân về mua sắm lễ để tạ tội với thần linh.

Chứng kiến cảnh một “bệnh nhân” bị bệnh quai bị chúng tôi không khỏi sởn tóc gáy. Mới thấy bệnh nhân này vào, “cậu” đã phán ngay cho người mẹ của chàng thanh niên này, khi nói: “Nhà bà hết phúc rồi. Con bà không sống lâu được nữa đâu. Thằng này nhà bà bây giờ không ăn uống được gì nữa đâu. Tôi cố cầm cự cho nó 1 tuần nữa được thôi”.

Doạ xong bệnh nhân “cậu” cũng theo bài cũ bắt bệnh nhân đi mua 2 thang thuốc của nhà “cậu”, mặc cho bà mẹ của chàng thanh niên này lạy lụp để xin “cậu” cứu mạng.

“Ca” chữa bệnh hấp dẫn nhất phải kể đến là “chiêu” bắt “vong” giải bệnh của “cậu”. Những bệnh nhân “dính” vào “vong” thường là phụ nữ còn trẻ tuổi đã (hoặc) chưa lấy chồng bị “vong” nhập vào.

Chúng tôi xin lược lại một đoạn “bắt vong” của “cậu” cho một người con gái: “Thế mày theo nó về đây lâu chưa?”. “Bốn năm rồi!”. “Mày tên là gì” ?. “A Mính, ở Đài Loan”. “Cậu” nói này, “Thế mày có ngủ với nó không?, mày không cho nó ngủ với chồng nó à”…

Khác với kiểu “chữa” bệnh của Thiêm, Liên không dùng “bạo lực”, mà chỉ doạ mồm. Cũng sau một hồi “tra hỏi”, Liên viết vài câu chứ Hán nguệch ngoạc lên tờ giấy đỏ, rồi đốt tờ giấy đó đi. Tờ giấy này được Liên gọi là “lệnh”, Liên bảo: “Nào, mau nhận lệnh mà đi kẻo muộn giờ. Nếu không trước 7h tối sẽ không đi được nữa đâu”. Khi “chữa bệnh” hay “bắt vong”, Liên thường rất thích nói bậy, những từ tục tũi như “đéo, đ.” rất hay được Liên sử dụng, đặc biệt Liên rất thích nói đến chuyện ngủ, nghỉ giữa trai, gái…

Sự thật về “cậu” Liên!

Theo “lai lịch” ghi trong sổ hộ hộ khẩu của công an xã Ngọc Sơn, “cậu” Liên tên thật là: Nguyễn Văn Liên sinh năm 1963 tại thôn Mỹ Xá, có vợ là Bùi Thị Nhuần sinh năm 1963, cùng có đăng ký nghề nghiệp là: Làm ruộng.

Liên đã có 3 con (2 trai, 1 gái), con trai lớn sinh năm 1989, con thứ 2 sinh năm 1995 và con út sinh năm 2000. Vốn xuất thân nghèo hèn, Liên từng có một thời gian dài “công tác” trong nghề bán bún dạo. Cũng do hoàn cảnh khó khăn, nhà đông anh, em (7 người), nên Liên chỉ được đi học hết cấp II, về học lực và nhận thức, hiểu biết cũng bình thường hay gọi là chậm phát triển, cơ thể gày gò yếu đuối.

Từ năm 1977, Nguyễn Văn Liên bị đau ruột thừa suýt chết, sau lại bị nấm lao cóc và năm 1983 bị ngã gãy tay gần chết. Sau khi khỏi bệnh, Liên thấy sự hiểu biết của mình có chiều hướng phát triển, thông minh hơn trước. Ngoài nhận thức bình thường về cuộc sống của con người, Liên còn “nhận” được những thông tin khác thường từ thế giới của những người đã mất.

Một người dân ở đây cho biết: “Thằng này trước đây khổ lắm. Suốt ngày đạp xe đi bán bún, đến cái nhà còn chẳng có mà ở. Nhà nó thì đông anh, chị em. Liên bắt đầu “hành nghề” từ năm 1992, thì đến khoảng năm 1994, trước sự phản ứng dữ dội của dân làng, Liên đã bị lực lượng công an cưỡng chế.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Vũ Văn Túc – Trưởng Công an xã Ngọc Sơn cũng thừa nhận điều này. Ông Túc cho biết: “Những năm đầu chúng tôi không cho Liên làm, nhưng sau một thời gian được đi giáo dục, Liên về và lên Hà Nội học khoá học gì đó, rồi lấy giấy chứng nhận “ngoại cảm” về. Từ đó, chúng tôi không thể làm được gì Liên nữa”.

Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi, Liên đã bỏ ra tới 200 triệu đồng để xây đường cho thôn Mỹ Xá, chưa kể Liên còn bỏ ra rất nhiều tiền của để công đức, xây dựng đình, chùa, nhà trẻ… ở đây.

Ngoài ra, Liên cũng có rất nhiều đất đai, trang trại lớn, đó cũng là lý do trả lời cho câu hỏi vì sao, ông “cậu” này lại có thể làm vương, làm tướng, tác oai, tác quái, lừa bịp nhân dân ở đây, mà không hề bị chính quyền địa phương “sờ” đến.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, thứ “thuốc Thánh”, mà Liên cho mọi người uống thực chất chỉ là một loại thuốc lá, trước đây thường được Liên cử người ra bờ sông chặt về và phơi ở sân đình làn. Mỗi “thang” thuốc mà liên cấp cho người bệnh có giá “rất bèo” (93.000 đồng/2 “thang”). Thế nhưng với số lượng lên tới cả trăm khách mỗi ngày, chỉ riêng tiền bán thuốc, Liên cũng thu về bộn tiền.

Tìm mộ liệt sỹ… từ xa

Lần thứ 2, chúng tôi quay lại nhà Liên là để được “cậu” giúp đỡ tìm mộ. Song thực sự, để được “giáp mặt” với “cậu”, mỗi người phải đợi ít nhất từ 1 tuần cho đến cả 1 tháng. Đầu tiên, khách đến phải ngồi đợi “cậu” tại “Hội trường”, rồi ghi tên người cần tìm trên một tờ giấy cuộn tròn. Mỗi buổi, “cậu” chỉ thu thêm 4-5 phiếu. Thu xong, “cậu” sẽ gói các phiếu đó lại và đợi đến các buổi khác, “cậu” gọi đến ai, người đó sẽ lên để “cậu” vẽ sơ đồ mộ trí, nơi cần tìm.

Chứng kiến cảnh “cậu” chỉ cho một người tìm mộ, chúng tôi không khỉ nực cười. Liên hỏi: “Anh tìm mộ cho anh trai hả. Được rồi, để tôi xem nào. Hồi trước, anh trai anh đóng quân ở Tây Nguyên có phải không?”. Người kia vội trả lời: “Không ạ. Ở Thừa Thiên- Huế cơ?”. Nghe xong, Liên liền quát: “Không cái mả mẹ nhà anh, Thừa Thiên- Huế cũng gần Tây Nguyên chứ sao!”. Thật hết biết, ngay một kiến thức địa lý sơ đẳng, Liên cũng không biết, lại đi bảo Thừa Thiên- Huế ở gần… Tây Nguyên.

Chứng kiến thêm, chúng tôi còn thấy cách tìm mộ của Liên rất kỳ quặc, cứ mỗi lần bắt được “sóng’ là Liên lại ngáp mồm to hết cỡ đến độ quả bóng tennis có thể chui lọt. Những lúc như thế, người nhà của Liên thường tự bảo là… Thánh về.

Vừa ngáp, Liên vừa phán, rồi chốc chốc điện thoại của Liên lại reo lên để… chỉ mộ từ xa. Hãy nghe một đoạn Liên chỉ mộ thì thấy rõ sự vô lý của nó. “Nhà chị tên là gì. Chị đi đến đâu rồi?, ở Đắk Lắk hử, thế thì bây giờ chị đi qua một cái mương nước, rồi sẽ gặp một ngôi nhà có một người tên là Nhàn rồi hỏi tiếp người này sẽ chỉ đường vào mộ cho…”. Cứ như thế, Liên “hướng dẫn” chỉ trỏ như đúng rồi.

Thực chất, tìm hiểu chúng tôi được biết, trước khi người nhà đi đã ghi rõ lại nơi hi sinh của thân nhân, sau đó Liên bắt đợi nửa tháng hoặc lâu hơn rồi mới chỉ chỗ tìm mộ. Cũng trong thời gian này, Liên cho “quân” đến khu vực đó trước để khảo sát, tìm hiểu đường đi rồi dựng lên mấy nhân chứng giả.

Sau đó, khi người nhà đi tìm thấy Liên nói vanh vách từng chi tiết thì tất nhiên ai cũng phải kinh hãi trước “khả năng” của Liên. Điều này đã được người dân nơi Liên sinh sống nói, bảo Liên nuôi rất nhiều kẻ chân gỗ như thế, mà Liên thường gọi những người này là người đi bắt “tần số” để tìm mộ liệt sỹ.

Theo rất nhiều người kể, thì gần đây tỷ lệ tìm được đúng mộ của Liên ngày càng thấp. Thấy vậy, Liên liền đưa ra thêm điều kiện, muốn tìm được mộ, người đi tìm phải là con trưởng trong gia đình. Điều kiện này không khác nào đánh đố mọi người, vì phần lớn những người đi tìm mộ, có mộ người thân bị thất lạc đã lâu, nay chỉ còn những người con út hoặc cháu đi tìm, vì con trưởng hoặc đã bị chết hoặc cũng đã già.

Theo nhiều người, trước đây Liên đã từng đi tham gia với câu lạc bộ tìm mộ liệt sỹ, nhờ thế Liên đã học hỏi được rất nhiều “kinh nghiệm”, cũng như “kiến thức” về tìm mộ. Tuy nhiên, có thể do “cậu” tìm cho nhiều người quá, nên loạn, “nhiễu”, dẫn đến việc tìm mộ ngày càng bị sai lạc.

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây