Vấn đề nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người vào tìm mộ liệt sỹ đã bộc lộ những chuyện đáng lo ngại. Ở một đất nước có đến hơn 400.000 người được coi là mất tích trong chiến tranh, trong đó chủ yếu là liệt sỹ thì vấn đề bất đồng xã hội có thể xảy ra nếu các “nhà ngoại cảm” bất lương. Mõ tôi xin có đôi lời thưa với làng thế này.
Ngày xưa
Từ thời xưa, tục thờ thần, thờ thánh của người Việt đã thể hiện rõ bản chất tín ngưỡng đa thần bản địa. Trong lịch sử, ông cha ta đã bảo lưu rất nhiều hình thái tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Sự hiện diện của tín ngưỡng đa thần qua những hình thái sơ khai từ thời nguyên thủy như tín ngưỡng vạn vật hữu linh, các tín ngưỡng thờ sinh thực khí với hành vi giao phối, các tín ngưỡng thờ thần thiên nhiên như Tứ pháp (mây, mưa, sấm, chớp), tín ngưỡng Tứ phủ, tín ngưỡng thờ động vật, thờ nhân thần, thờ cúng tổ tiên…
Nhìn chung, người Việt quan niệm rằng, con người sau khi chết đi sẽ tồn tại mãi mãi với sự hiện diện của linh hồn bất diệt thông qua hệ thống mồ mả chứa đựng di hài, xương cốt. Với quan niệm đó, tục thờ cúng tổ tiên ông bà cùng việc chăm sóc mộ phần được xem như một tín ngưỡng mang tính bản địa, thể hiện lòng tôn kính với người đã khuất, đạo lý uống nước nhớ nguồn. Ở đây, thế giới linh hồn người chết luôn hiện hữu song hành với thế giới người sống, có thể tác động gián tiếp hoặc trực tiếp lên mỗi thân phận đời người.
Ngay trong hệ triết thuyết của Phật giáo, quan niệm sự sống là một chu kỳ quay vòng theo đơn vị kiếp (một đời sinh/tử). Mọi thân phận sướng/khổ của con người trần thế đều là hệ quả của nguyên nhân tương ứng, gọi là gieo nhân nào thì mọc quả nấy. Theo giáo lý nhà Phật, con người sau khi chết sẽ được Thập điện Diêm Vương (do Địa tạng Vương Bồ tát cai quản) xét xử công/tội trong vòng 7 tuần ứng với 7 cửa ngục. Thế nên mới có tục cúng 49 ngày, đưa vong lên chùa để sư sãi cầu cho linh hồn siêu thoát. Trong sự dung hợp đó, từ ngàn xưa, giới thầy cúng trong dân gian đã có mối quan hệ mật thiết với các chư tăng nơi cửa thiền.
Bên cạnh Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo cũng được người Việt dung nạp song hành cùng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cùng nhiều tín ngưỡng bản địa khác. Có điều, tùy theo quan niệm mà Phật hay Thánh sẽ đứng ở vị trí trung tâm trong tư duy tín ngưỡng. Với ông thầy cúng, thầy phù thủy thì dù thế nào, Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng Tam Thánh… tất sẽ đứng ở vị trí chính thần gây ảnh hưởng mạnh nhất. Với những con nhang đệ tử Tứ phủ, chính thần lại là hệ thống các Mẫu, Quan, Chầu, Hoàng…
Những giáo dân công giáo, bên cạnh đức chúa họ cũng giữ tục thờ cúng tổ tiên với quan niệm mới, rằng linh hồn người thân sẽ được hưởng lợi phần nào từ việc cầu xin của người còn sống, những mong được Thiên chúa giảm hoặc xóa tội mà thoát khỏi vòng địa ngục trong ngày phán xét cuối cùng.
Như vậy, trong lịch sử, một mặt người Việt chấp nhận quy thuận, dung hợp các tôn giáo ngoại lai (đáng kể nhất là Phật giáo) nhưng một mặt bảo lưu nguyên trạng quan niệm thờ cúng tổ tiên, vong hồn trong sự chấp nhận chi phối của chư Phật, thánh thần. Điều này thể hiện rõ ở cái tâm lý “bán tín bán nghi” kiểu “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vốn rất phổ biến trong dân gian bao đời.
Ngày nay
Thời nay, nhất là từ sau thời kỳ đổi mới, đời sống tâm linh tín ngưỡng trong xã hội nói chung được cởi mở, tự do hơn. Theo đà thời gian, bộ mặt tín ngưỡng hỗn dung của người Việt lại được dịp phục hưng với đủ mọi sắc thái đa diện, xem ra còn phức tạp, hỗn loạn hơn cả thời kỳ phong kiến trước đây. Hơn 10 năm trở lại đây, cùng với phong trào phục dựng những giá trị di sản văn hóa dân tộc, các lễ hội tín ngưỡng ở nhiều địa phương trong cả nước cũng dần được khôi phục. Thế nhưng điều đáng nói, trong xã hội hiện đại, đã bắt đầu nảy sinh những hiện tượng biến tướng ở nhiều hình thái tín ngưỡng. Trong đó có những vấn đề ngày càng trở nên bức xúc, được phản ánh nhiều trên công luận, như hiện tượng kinh doanh các dịch vụ tâm linh ở những cơ sở tín ngưỡng là ví dụ điển hình.
Nhiều đàn cúng giải oan, cầu siêu… có giá cả dao động từ vài chục đến hằng trăm triệu đồng tiền thuê khoán sư sãi, thầy cúng… Có thể thấy, nguồn thu từ các hoạt động tâm linh tín ngưỡng quả là siêu lợi nhuận. Xã hội càng tín ngưỡng, càng mê đắm bao nhiêu, các đình, chùa, đền, miếu… càng có nguồn lợi lớn bấy nhiêu. Chính vì vậy ở nhiều nơi, quyền cai quản cơ sở tín ngưỡng đã được chính quyền tổ chức đấu thầu hệt như một đầu mục thương mại địa phương. Tùy vào tiếng tăm linh thiêng của những ngôi đền mà người ta sẽ quyết định mức giá. Có những nơi sau khi thắng thầu, thủ nhang đồng đền phải nộp vào ngân sách địa phương hàng tỉ bạc mỗi năm.
Nhiều năm qua, báo chí cùng các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh mọi thực trạng đáng quan ngại, được xem như hệ lụy của phong trào đua chen tín ngưỡng với nhiều vấn nạn nhức nhối. Ở đây, hệ thống quản lý Nhà nước dường như phải mở cuộc chạy đua với đời sống tín ngưỡng trong xã hội mới. Cấm – cho phép – cấm… luôn là quá trình vận động vá víu. Những năm gần đây, các cuộc hành hương về lễ hội tín ngưỡng là vấn đề nóng bỏng trong xã hội. Hiện tượng hàng vạn người từ quan chức tới dân đen dẫm đạp lên nhau để cướp ấn đền Trần, hay lượng người hành lễ khổng lồ cản trở giao thông Ngã Tư Sở trước cổng chùa Phúc Khánh. Lại còn vị GS nọ đã phản ứng gay gắt với phóng viên phỏng vấn mình khi dám gọi đó là… “con rùa” mà phải gọi là “cụ rùa” đã chứng minh sức mạnh kinh hoàng của niềm tin tín ngưỡng “hồn nhiên”!
Nếu nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, có lẽ chưa bao giờ mọi sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt lại có cơ nở rộ muôn hình vạn trạng như hiện nay. Khắp nơi, người người cúng bái, nhà nhà xây mộ, từ quan chí dân đua chen hành hương lễ bái tấp nập, khẩn cầu danh lợi với thế giới siêu hình. Một thế giới “linh thiêng tổng hợp” đủ những Phật, Mẫu, thánh, thần, Ngọc Hoàng, chầu, cô, thần tài, thổ địa, tổ tiên ông bà, thần núi, thần sông, ông công ông táo, vong hồn đủ loại… Kèm theo đó là lực lượng giao tiếp trung gian, thường phối hợp giữa những sư sãi, ông đồng, bà cốt, thầy cúng, thầy bói, thầy phù thủy, thầy địa lý, thầy ngoại cảm.., mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa với đủ mọi kiểu dạng.
Trong cơ chế thị trường thời mở cửa, không hiếm các “quan thầy” tự tung tự tác, thường kiêm nhiệm cả chức năng thầy bói, thầy tướng, thầy địa lý kiêm thầy đồng cốt, ngoại cảm, kể cả việc tự nhận “thần tiên giáng bút” để thu tiền thiên hạ… Với thông tin rỉ tai lan truyền đồn đại, những vị “thầy đa năng” đó được xem như đa tài đa dụng, từ xem đất cát mồ mả, xem hướng nhà cửa, bếp núc, kích cỡ giường tủ bàn ghế, cửa rả, xem giờ xuất hành làm ăn buôn bán, ma chay cưới xin cho đến cầu cúng giải hạn, trừ tà tróc quỷ, gọi hồn người chết, sai khiến âm binh…
Đáng chú ý, cái nghề “đồng cốt” này thời xưa gọi là nghề “cô hồn”, nay được thay bằng cái tên mới là “nhà ngoại cảm” gọi hồn, áp vong… Ngay giữa lòng thủ đô, nhiều năm trở lại đây, phong trào gọi hồn có thể nói đã lên đến đỉnh điểm với trung tâm gọi hồn ở số 1 phố Đông Tác, được thành lập dưới sự bảo trợ của cơ quan nhà nước. Nó có cái tên rất mỹ miều “Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người”. Từ đầu năm 2013 nó được nâng cấp thành “Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người” với một loạt tư cách pháp nhân bảo hành nghe rất đáng nể như Hội liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam; Bộ môn nghiên cứu cận tâm lý; Viện khoa học hình sự Bộ Công an; Ông viện trưởng còn khoe “Trong Hội đồng khoa học Viện chúng tôi có Thiếu tướng Nguyễn Tiến Quý, hiện là Viện trưởng Viện Khoa học hình sự Bộ Công an”. Viện NC&ƯDTNCN là một tổ chức phi chính phủ trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Nó là Hội của quần chúng hay cơ quan nhà nước, khi mà trong đó có cả tướng công an đang trong biên chế?
So với thủa ban đầu vận hành, hiện các loại thầy cốt cô đồng nơi đây đã công khai hành nghề mang tính thương mại. Ai chấp nhận sẽ được chen ngang ưu tiên gọi hồn trước, còn không sẽ phải xếp hàng chờ đợi, có khi cả tháng chưa đến lượt. Ở những đền phủ lịch sử hay điện thờ tư gia, xưa nay các đồng cốt thường chỉ “tiếp khách” lần lượt từng gia đình một. Nhưng ở trung tâm gọi hồn Đông Tác, do đông khách cũng như sẵn “quan thầy ngoại cảm” nên người ta thường tổ chức gọi hồn đồng loạt tập thể trong căn phòng lớn. Những ai có nhu cầu chỉ cần đặt lễ tiền, vàng, hương, hoa… lên 1 ban thờ chính rồi cứ quây quần mỗi nhóm gia đình chí ít 4 người “ngồi thiền” tĩnh tâm đợi vong về nhập. Bao giờ một trong số họ thấy người lắc lư mặt mũi tối xầm là… vong về. Khi đó các quan thầy sẽ đến khấn khứa, đặt tay lên đầu người bị vong nhập, gọi là “trợ giúp” để “thông cõi âm dương” cho âm hồn về, rồi mượn miệng chính người đó mà phán truyền. Nếu trường hợp vong hồn chưa “nhập” thì cứ thành tâm mà đợi hàng tiếng đồng hồ hoặc ra đặt lại lễ xin ở ban thờ hay nhờ quan thầy khấn giúp… Có điều lạ, nơi đây dù không phải chùa nhưng ban thờ chính vẫn được gọi là “Tam bảo” thờ Phật đàng hoàng. Dư luận về trung tâm gọi hồn này rất trái chiều, người thì cho là đúng và thiêng lắm, kẻ thì bảo là lừa đảo tập thể kiếm tiền bạc tỉ.
Trong công cuộc tìm mộ người thân, việc xác định danh tính hài cốt cũng là vấn đề nổi cộm. Trên thực tế không hiếm trường hợp “bộ xương” mang về chỉ đơn giản là một tổ mối với nắm đất đen chứ chẳng có hài cốt nào cả. Thường thì người ta không đưa đi xét nghiệm AND với lý do “không nỡ” làm thế với “nắm xương tàn” của người thân, rằng thời gian qua đi, xương thịt tan thành đất cát thì cũng dễ chấp nhận. Thế nên mới có chuyện nhà ngoại cảm nọ tìm được cả số lượng khủng hài cốt, tới hàng trăm mộ mỗi năm. Mà phần nhiều họ chỉ hướng dẫn các thân chủ từ xa qua điện thoại di động, mới kinh! Cũng có trường hợp, gia đình không thể tìm được hài cốt người thân, cô đồng, thầy phủ thủy bèn bày cho cách lập mộ khác. Họ thuê thợ đẽo các hình nhân đá, rồi làm lễ gọi hồn về nhập tượng và đem chôn trong phần mộ gia tộc với quan niệm, linh hồn mới quan trọng chứ không phải nắm xương vật chất. Có lẽ, cách lập mộ này nhanh gọn hơn cả! Trong nhiều năm qua, việc gọi hồn áp vong thực sự gây dư luận trái chiều mạnh mẽ, đến mức có nhà nghiên cứu thôi miên đã từng lên báo mạng thách đố các nhà ngoại cảm nếu chỉ tìm đúng 3% hài cốt (xác định ADN) thì ông sẽ hiến cả gia sản, còn nếu không xin cắt lưỡi nhà ngoại cảm đó để hết nói láo. Bản thân một nhà ngoại cảm nổi tiếng cũng tuyên bố mặt trái nguy hiểm của việc áp vong. Đại khái ông cho rằng các hồn ma lang thang sẽ nhập bừa vào người áp vong, nhận xằng là người thân để quấy nhiễu, phán truyền lung tung… Trên thực tế, những người mê tín khi giao tiếp, thông linh với các “vong hồn” rất dễ (có khả năng) bị “quỷ ám”, dân gian cũng gọi là quỷ nhập tràng. Ở góc độ tâm lý học, người bị “vong nhập” thực chất bị rơi vào trạng thái tự kỷ ám thị nặng nề, điều này đã được khoa học chứng minh từ lâu. Vậy mà không ít người thời nay vẫn đua chen giao tiếp với “âm hồn”, và đã có trường hợp những người không hồi tỉnh được, gần như hóa điên phải nhập viện.
Cũng nói thêm về việc thờ cúng tổ tiên, bên cạnh tư tưởng “uống nước nhớ nguồn” cũng cần xem xét mặt trái của vấn đề. Người Việt vốn quan niệm hệ thống mồ mả ứng với thế giới vong hồn có tác động trực tiếp lên thế giới người còn sống. Người ta tin rằng mọi hiện tượng vui – buồn, sướng -khổ, phúc – họa nơi trần gian đều có tính hệ quả, chịu sự chi phối mạnh mẽ từ thế giới âm hồn. Ai chăm sóc tốt phần mộ thì có thể hưởng lợi, được tổ tiên ông bà phù hộ, ban phúc lộc, nếu không dễ bị giáng họa… Các khái niệm mộ kết, mộ phát, động mồ động mả… là ví dụ điển hình của niềm tin tín ngưỡng thể hiện sự ràng buộc sâu sắc giữa dương gian và cõi âm.
Vĩ thanh
Nhìn suốt chiều dài lịch sử, từ tín ngưỡng đa thần bản địa, người Việt dần chuyển sang đa nguyên tôn giáo tín ngưỡng. Sẽ thấy trong sự tích hợp đa tâm linh, truyền thống hỗn dung của người Việt được xem như một đặc điểm cơ bản. Ở đây, sự pha trộn đan xen có lẽ chủ yếu dựa trên nguyên tắc dung hợp thực dụng, bất luận các hệ thống giáo lý, triết thuyết, quan niệm của những tôn giáo, tín ngưỡng có mâu thuẫn với nhau như thế nào.
Trong lịch sử loài người, nói chung tôn giáo tín ngưỡng trước hết là những sáng tạo tinh thần, xác định những hệ tư tưởng, đạo đức trong sự hình dung, tưởng tượng về một thế giới siêu hình chi phối đời sống trần gian.
Trong sự sáng tạo các thánh thần của thế giới siêu hình, không hiếm những trường hợp mà nhân vật thờ phụng trên thực tế vốn là những sáng tạo văn học, nhưng về sau được “hiển thánh hóa” trong sự lan tỏa của tâm thức dân gian. Xin được nhắc lại, một thế giới ảo được “hiện thực hóa” bởi niềm tin hồn nhiên của con người vốn là căn cốt của tôn giáo tín ngưỡng. Ở đây, cuộc vật lộn giữa tin – không tin cùng cái tâm lý bán tín bán nghi dường như luôn đồng hành suốt chiều dài lịch sử loài người.
Từ bao đời nay, các giá trị tâm linh không chỉ mê hoặc người nghèo, mù chữ thất học mà còn xâm nhập mạnh mẽ các tầng lớp thượng lưu, tri thức, quan chức… Điều đó là một minh chứng về sức mạnh nghìn đời của tôn giáo, tín ngưỡng.
Có thể nói, dù đối tượng của niềm tin là những giá trị ảo nhưng trên thực tế đã mang lại cho con người nhiều giá trị tinh thần không thể phủ nhận. Đó là chưa kể về bản chất, mỗi tôn giáo lớn trên thế giới đều có giá trị như một hệ triết thuyết, hệ đạo đức lớn, hướng con người tới một niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp. Sự xoa dịu nỗi đau trần thế, niềm tin vào sự trở che của đấng tối cao… rõ ràng tạo nên một tiềm thức dạng trường ám thị, kích thích con người gia tăng sức mạnh tinh thần
Trong niềm tin tôn giáo tín ngưỡng, sự sùng bái những cá nhân thánh thần (hoặc con người được thần thánh hóa), suy tôn ngưỡng vọng những điều siêu thực, tưởng tượng… khiến con người dễ bị rơi vào tình trạng thái quá, cực đoan, duy ý chí với thế giới siêu hình.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có cái nhìn nghiêm túc hơn, đầy đủ hơn với vần đề “Tiềm năng con người”, “ngoại cảm”. Cùng với đó là cách quản lý mặt “ứng dụng” của nó đừng để nó trở thành vấn đề mâu thuẫn xã hội.
Nguồn: Mõ làng