Trang chủ Đối tượng Thực Hư “Nhà Ngoại Cảm” Phan Thị Bích Hằng (Phần 2)

Thực Hư “Nhà Ngoại Cảm” Phan Thị Bích Hằng (Phần 2)

181
0

Những “trò hề” của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tại hiện trường tìm mộ

Thực Hư

– Như đã trình bày trong kỳ trước, về mặt khoa học, do không có linh hồn nên các trò “cầu hồn”, “gọi vong” hoặc “nói chuyện với người chết” của giới ngoại cảm hoặc đồng cốt nước ta như Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Văn Liên, Vũ Thị Minh Nghĩa… hoàn toàn chỉ là sự dối trá 100%.

Xét nghiệm gien là phương pháp duy nhất có thể xác định danh tính liệt sỹ chính xác.

Khi tuyên bố trên phương tiện truyền thông rằng “mỗi tối tôi trò chuyện với 4 – 5 vong hồn”, đó chính là lúc Phan Thị Bích Hằng đang bị rối loạn tâm thần thể hoang tưởng. Bạn đọc chớ ngạc nhiên khi giới ngoại cảm bị hàng xóm láng giềng xem là những kẻ bị “chập mạch”, vì thực tế đúng là như vậy.

Vậy tại sao những kẻ “khùng khùng” đó tìm được mộ? Và các con số hàng ngàn hài cốt mà giới ngoại cảm vẫn thường khoe khoang từ đâu mà ra? Đó là câu hỏi thực ra không khó trả lời như ban đầu chúng ta thoạt nghĩ. Với hàng ngàn gia đình liệt sỹ đã nhờ giới ngoại cảm tìm hài cốt thân nhân, do từng trường hợp có thể khác nhau, nhưng chung quy lại thì chỉ có thể có các trường hợp như sau:

Thứ nhất: Tìm thấy hài cốt thực sự và xét nghiệm gien cho kết quả chính xác; Thứ hai: Tìm thấy ngôi mộ vô danh tại một nghĩa trang cụ thể nào đó; Thứ ba: Tìm thấy cốt tại một địa điểm tìm kiếm và đào bới ở đâu đó; Thứ tư: Tìm thấy một vị trí mà trong đất có vẻ có cốt; Và thứ 5: Một số trường hợp khác. Chúng ta hãy xem xét từng trường hợp cụ thể.

Trường hợp 1: Tìm thấy hài cốt và xét nghiệm gien cho kết quả chính xác

Tuy rất hiếm thấy nhưng cũng đã có trường hợp Phan Thị Bích Hằng tìm đúng hài cốt (xét nghiệm ADN khẳng định điều đó). Và Phan Thị Bích Hằng đã hùng hồn tuyên bố, điều đó chứng tỏ tâm linh có thật (tuy nếu bị hỏi tâm linh là gì thì chắc chắn Phan Thị Bích Hằng không biết).

Tuy nhiên với những trường hợp tương tự, “nhà ngoại cảm” Vũ Thị Minh Nghĩa trung thực và sòng phẳng hơn, khi đưa ra nhận định, “công của cô Năm chỉ là 1% thôi, 99% thuộc về chính quyền, gia đình và đồng đội liệt sỹ”. Nói cách khác, trong những trường hợp này, các thông tin rõ ràng và đầy đủ đã giúp tìm đúng hài cốt liệt sỹ.

Vậy tại sao mọi người có xu hướng phủ nhận công lao của mình mà khẳng định đó là công của “nhà ngoại cảm”? Nói cách khác, tại sao chúng ta có xu hướng nghiêng về các phương thuật huyền bí? Chúng ta sẽ quay trở lại câu hỏi rất thú vị này trong kỳ sau, khi tìm hiểu vấn đề số 3 (Tại sao chúng ta rất dễ tin những chiêu trò lừa gạt nhiều khi rất thô sơ của “nhà ngoại cảm”, giới đồng cốt, thày bói hoặc thầy cúng?).

Trường hợp 2: Tìm thấy mộ vô danh tại một nghĩa trang nào đó

Trường hợp này phổ biến hơn trường hợp kể trên rất nhiều. Khá nhiều gia đình liệt sỹ đã tìm thấy mộ thân nhân tại một nghĩa trang liệt sỹ hoặc một nghĩa trang thường nào đó. Tại sao gia đình tin đó là ngôi mộ của người thân? Câu trả lời thường gặp là “nhà ngoại cảm” mô tả chính xác ngôi mộ từ xa ngàn dặm.

Vậy nếu không phải do nhà ngoại cảm “gọi hồn”, “nhập vong” hoặc “nói chuyện với người chết” thì do cái gì? Câu trả lời ở đây là sự lừa gạt, cả chủ ý và không chủ ý, mà giới tâm lý học gọi là lừa gạt mức ý thức và lừa gạt mức vô thức.

Do có vẻ ít tội lỗi hơn, nên chúng ta sẽ nói về trường hợp “nhà ngoại cảm” lừa gạt vô thức hoặc lừa gạt không có chủ ý trước. Đó là trường hợp hài cốt liệt sỹ đã được quy tập về một nghĩa trang cụ thể, và giới ngoại cảm biết điều đó (thông qua chính quyền, đồng đội hoặc gia đình liệt sỹ).

Tốt nhất là “nhà ngoại cảm” đã tới nghĩa trang, và tâm trí đã ghi nhận trong não một số thông tin về sơ đồ, đặc điểm một số ngôi mộ còn chưa xác định danh tính liệt sỹ (hiện tượng ký ức ẩn giấu đã viết trong loạt bài về “nhà ngoại cảm” Vũ Thị Minh Nghĩa).

Khi thân nhân liệt sỹ nhờ tìm, “nhà ngoại cảm” liền lên đồng và khi tâm trí đã ở trạng thái vô thức, một ngôi mộ vô danh sẽ được gán một cách tùy tiện cho gia đình đang nhờ tìm mộ. Trường hợp đầu tiên trong ba trường hợp điển hình của “nhà ngoại cảm” Năm Nghĩa chính là minh họa điển hình cho sự lừa gạt vô thức hoặc không chủ ý này.

Gọi là lừa gạt vô thức vì lúc đó “nhà ngoại cảm” đang lên đồng nên họ lừa gạt mà không biết mình đang lừa gạt. Có thể do ngẫu nhiên mà hài cốt được gán một cách tùy tiện đó có thể chính là hài cốt mà gia đình cần tìm; tuy nhiên khả năng gia đình liệt sỹ này đang thờ cúng hài cốt liệt sỹ khác có xác suất cao hơn nhiều. Trong trường hợp này, “nhà ngoại cảm” đã chơi trò xổ số với gia đình và hương hồn của các liệt sỹ.

Lừa gạt mức ý thức hoặc lừa gạt chủ ý là trường hợp đáng lên án hơn rất nhiều. Khi đó “nhà ngoại cảm” cố tình tìm các nghĩa trang liệt sỹ có nhiều mộ vô danh (tập trung nhiều tại miền Trung nước ta) và ra sức ngụy tạo chứng cứ để giành giật sự tin tưởng của thân nhân liệt sỹ.

Chẳng hạn nghĩa trang liệt sỹ Hải Lăng, Quảng Trị, nơi có tới 1330/1812 ngôi mộ không tên (và quá nửa trong số 482 ngôi còn lại thì cũng chỉ có tên không, chứ không có bất cứ thông tin nào khác), là một nơi “làm ăn” quen thuộc của giới ngoại cảm.

“Nhà ngoại cảm” có thể tùy tiện gán ghép danh tính cho các ngôi mộ vô danh tại một nghĩa trang liệt sỹ

Theo người quản trang 83 tuổi Nguyễn Văn Đàm, rất nhiều gia đình liệt sỹ đến tìm và đào hài cốt, nhưng chưa có ai tìm được đúng mộ người thân. Và theo ông Đàm, khá nhiều mộ đã bị đào trộm do gia đình quá tin tưởng vào giới ngoại cảm.

Theo báo chí thì cũng tại miền Trung, có một nghĩa trang nhiều mộ vô danh bị đào trộm rất nhiều mà các gia đình liệt sỹ không hề biết rằng, đó chỉ là mộ của những người chết trong một trận lụt năm 1969. Giới ngoại cảm biết rõ điều đó nhưng vẫn cố tình lừa gạt.

Tại khu vực nghĩa trang Hải Lăng nói trên thì họ còn móc ngoặc với những kẻ bất lương để chôn giấu đồ vật xuống các ngôi mộ nhằm lừa đảo. Tại sao giới ngoại cảm xúi gia đình liệt sỹ đào trộm hài cốt? Đó là do hơn ai hết, họ biết rõ họ đang lừa đảo trên nỗi đau của người khác. Nhưng vì tiền bạc hoặc danh tiếng mà họ cứ nhắm mắt làm liều, bất chấp tất cả!

Trường hợp 3: Tìm thấy cốt tại một địa điểm tìm kiếm và đào bới ở đâu đó

Đó là trường hợp tìm thấy cốt ngoài nghĩa trang, thường là trong rừng. Tuy nhiên, như đã viết trong loạt bài về “nhà ngoại cảm” Vũ Thị Minh Nghĩa, đó chỉ là do hiện tượng cảm xạ, trên thực tế là tìm kiếm dựa trên các ám hiệu địa hình: giữa một vùng đất khô cằn, dưới một khóm cỏ hoặc bụi cây có thể có cốt.

Cốt đó là cốt người hay cốt súc vật? Nếu là cốt người thì có đúng là của liệt sỹ cần tìm hay không? Chỉ xét nghiệm gien mới có thể trả lời được. Mà theo người viết được biết, trong số hàng chục ngàn hài cốt mà giới ngoại cảm khoe khoang tìm được, số cốt được giám định AND đếm không quá mười đầu ngón tay!

Trường hợp 4: Tìm thấy một vị trí mà đất có vẻ có cốt

Theo người viết loại bài viết này, đây là trường hợp thường gặp nhất. Dưới một bụi cây hoặc khóm cỏ, đào lên thấy cốt thì tốt (bất kể xương người hay xương thú!), nếu không thì một chút đất đen đen, mun mủn cũng được xem là dấu tích của cốt.

Chiếc xe khách bị chìm tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh, năm 2010 là một phát súng ân huệ đối với Phan Thị Bích Hằng

Người viết cam đoan rằng, chút đất như thế có thể tìm thấy dưới hầu như bất cứ vị trí đào bới nào trong rừng. Thậm chí cả tổ mối cũng được nhiều “nhà ngoại cảm” xem là thành tựu, như phóng viên tờ Tin tức VTC đã tường thuật!

Trường hợp 5: Một số trường hợp khác

Với tư cách một người nghiên cứu không định kiến và luôn mở rộng tầm nhìn, người viết đưa tất cả các trường hợp khác với bốn phạm trù trên vào phạm trù thứ năm; chẳng hạn do may mắn mà nhà ngoại cảm tình cờ tìm được mộ. Tuy nhiên những trường hợp này vô cùng hiếm gặp.

Vậy “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng tìm mộ như thế nào? Người viết tin rằng, con số hơn 5000 hài cốt của “nhà ngoại cảm” danh tiếng (và tai tiếng) này không nằm ngoài năm phạm trù nói trên. Nếu được khảo nghiệm trực tiếp và chính xác, chúng ta sẽ biết chân tướng sự thật.

Tuy nhiên người viết e rằng, Phan Thị Bích Hằng sẽ lẩn trốn như từng trốn phóng viên Viet Times năm 2007 mà thôi! Muốn biết khả năng ngoại cảm thực sự của Phan Thị Bích Hằng, bạn đọc hãy nhớ tới vụ xe khách trôi đã nhắc tới trong kỳ 1. Sau khi biết mình sai, Phan Thị Bích Hằng đã chối là chưa từng dự báo vị trí chiếc xe.

Tuy nhiên vị Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh khẳng định rằng chính ông đã gọi điện và được “nhà ngoại cảm” này cho biết xe trôi tới tận cầu Bến Thủy, trong khi trên thực tế, nó cách xa 3 km! Bạn đọc cũng nên lưu ý tới ý kiến của bà Ngô Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sỹ và người có công, cho rằng “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng không biết đọc giấy báo tử.

Bà Thúy Hằng nói như vậy là do “nhà ngoại cảm” tai tiếng của chúng ta phán liệt sỹ Lê Tiến Hệ (gia đình sống tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) hy sinh tại Kon Tum và đã giúp tìm thấy hài cốt. Nhưng do giấy báo tử viết liệt sỹ Lê Tiến Hệ không hy sinh tại Kon Tum nên gia đình đã mang hài cốt đi giám định gien và phát hiện ra rằng, đó không phải là hài cốt của người thân!

Riêng người viết thì vẫn muốn hỏi thêm một lần nữa rằng, Phan Thị Bích Hằng đã ở đâu trong vụ nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, trong “Kỳ án vườn mít” của Lê Bá Mai và trong rất nhiều vụ án mạng chưa tìm ra kẻ thủ ác khác? Vậy tại sao chúng ta lại đặt niềm tin vào những kẻ lừa gạt như Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Văn Liên hoặc Vũ Thị Minh Nghĩa? Mời các bạn đón đọc kỳ sau!

Tiến sĩ, Đại tá quân đội Đỗ Kiên Cường

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây