TS Trần Công Trục
Biển Đông đã, đang và sẽ còn tiếp tục là điểm nóng của khu vực cũng như thế giới vì những tranh chấp lãnh thổ và các hoạt động gia tăng sự hiện diện bất hợp pháp của Trung Quốc (TQ) hòng hợp lý hóa tham vọng đường lưỡi bò. Để ngăn ngừa xung đột và hướng tới giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên liệu UNCLOS có phải “cây đũa thần” để hóa giải tranh chấp Biển Đông hay không? Bộ luật biển quốc tế quan trọng nhất thế giới này có vai trò, vị trí và ý nghĩa như thế nào trong tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ và là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về Luật Biển xung quanh vấn đề này:
Rõ ràng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang là vấn đề nóng bỏng nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội. Việt Nam chúng ta chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS cũng như Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà ASEAN ký với Trung Quốc (TQ) năm 2002.
Tuy nhiên, trên thực tế còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về vị trí, vai trò của UNCLOS trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, thậm chí có bên còn cố tình đánh tráo các khái niệm pháp lý cơ bản của UNCLOS để thực hiện tham vọng bá chiếm vùng biển này. Là một chuyên gia hàng đầu Việt Nam về Luật Biển, Tiến sĩ Trần Công Trục đưa ra những phân tích về vị trí, vai trò của UNCLOS trong tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Về vấn đề này, Tiến sỹ Trần Công Trục cho biết: Đúng là trên thực tế còn có nhiều cách hiểu khác nhau về vị trí, vai trò của UNCLOS trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Muốn hiểu rõ vấn đề này có lẽ trước hết chúng ta nên xét xem trong Biển Đông đang tồn tại những loại tranh chấp gì?
Hiện tại, trong Biển Đông có 2 loại tranh chấp chủ yếu: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa do các quốc gia ven Biển Đông, khi vận dụng quy định của UNCLOS để xác định phạm vi các vùng biển và thêm lục địa của mình, đã tạo ra những vùng chồng lấn.
Hai loại tranh chấp này hoàn toàn khác nhau về nội dung, tính chất, phạm vi và nguyên nhân…Vì vậy, các nguyên tắc pháp lý để xử lý, giải quyết chúng cũng rất khác nhau.
Tuy nhiên, vì chúng có mối quan hệ với nhau do tồn tại trong cùng một phạm vi địa lý và tác động qua lại của chúng, nhất là trong việc xác định phạm vi các vùng biển, thềm lục địa có tinh đến hiệu lực của các quần đảo này như thế nào, cũng là nguyên nhân gây nên những nhận thức khác nhau nói trên. Vì vậy, chúng tôi muốn làm rõ vấn đề này ngay sau đây.
TS Trần Công Trục cũng phân tích: Thứ nhất, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Thực chất đây là tình trạng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ được tạo nên bởi một số nước trong khu vực đã lợi dụng cơ hội và sử dụng vũ lực để chiếm đóng môt phần hay toàn bộ quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở giữa Biển Đông.
Theo Công pháp quốc tế, để chứng minh, bảo vệ và giải quyết loại tranh chấp này các bên liên quan hoặc cơ quan tài phán quốc tế đã dựa vào nguyên tắc “Chiếm hữu thật sự”; một nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện đại đang được vận dụng trong khi xem xét giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thông dụng nhất hiện nay.
Điều đáng nhấn mạnh là trong UNCLOS không có điều khoản nào đề cập đến nguyên tắc này. Nói một cách khác, UNCLOS không phải là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ hai: Tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới biển và thềm lục địa chồng lấn: Đây là loại tranh chấp được hình thành trong xu hướng thay đổi có tính chất cách mạng về địa-chính trị, địa- kinh tế trên phạm vi toàn thế giới với việc khoảng 36% diện tích biển và đại dương thế giới đã được đặt dưới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển kể từ khi Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 ra đời.
“Kết quả là, trên thế giới còn khoảng 416 tranh chấp về ranh giới biển, thềm lục địa cần được hoạch định, trong đó khu vực Đông Nam châu Á có khoảng 15 tranh chấp, tất nhiên người ta không tính đến tranh chấp được tạo thành bởi đường biên giới lưỡi bò của Trung Quốc, vì tính chất phản khoa học và hoàn toàn đi ngược lại các tiêu chuẩn của UNCLOS của nó”. TS Trần Công Trục cho biết thêm.
Ngoài ra TS Trần Công Trục còn phân tích: Rõ ràng là UNCLOS chỉ là căn cứ pháp lý để giải quyết mọi tranh chấp về biển, trong đó có tranh chấp do việc giải thích và áp dung UNCLOS không đúng hoàn toàn hay từng phần. Chẳng hạn việc vạch ra hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa, đường cơ sở của các hải đảo, quần đảo xa bờ, của quốc gia quần đảo…là nội dung thường là có sự khác nhau nên đã tạo ra các vùng chồng lấn to nhỏ khác nhau cần được các bên tiến hành hoach định theo những nguyên tắc nhất định, tùy theo chế độ pháp lý của từng vùng biển và thềm lục địa do UNCLOS quy định.
Ví dụ, tại Điều 15, Mục 2, Phần II, UNCLOS quy định về việc hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hay đối diện nhau: “Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ phi có sự thỏa thuận ngược lại….”.
Tại Điều 74, Phần V, UNCLOS quy định việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau : “Việc hoạch định ranh giới vung đặc quyền về kinh tế giữa các quốc gia tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng”…, thường được gọi là theo nguyên tắc công bằng…..
Rõ ràng là, UNCLOS không phải là “đũa thần” có thể giải quyết được hết mọi tranh chấp trên biển như một số người vẫn còn nhầm lẫn.
UNCLOS không phải là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các hải đảo, quần đảo; không phải là cơ sở để giúp chúng ta chứng minh chúng là của ai, thuộc chủ quyền của quốc gia nào.
TS Trần Công Trục kết luận: Tuy nhiên, các hải đảo, quần đảo là những thành phần tồn tại giữa các vùng biển, có mối quan hệ đương nhiên với không gian biển, thềm lục địa, không những về vị trí địa lý mà còn về khía cạnh pháp lý. Do vậy, UNCLOS đã có những điều khoản quy định cụ thể thế nào là đảo, đá, bãi cạn, quần đảo, quốc gia quần đảo và hiệu lực của chúng trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa có liên quan. Những khái niệm này đã được quy định rất rõ ràng và cụ thể, không ai có quyền hiểu sai hay có quyền đánh tráo chúng để phục vụ cho lợi ích của mình.
Nguồn: Giáo Dục
Hồng Thủ
Nguồn: Mõ làng