Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt vào cuối năm 2012, đã có không ít ý kiến cả trong và ngoài Quốc hội băn khoăn về tính khả thi của hoạt động này.
Nhưng với kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai tại Quốc hội sáng nay, những băn khoăn này đã được giải tỏa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trong bài phát biểu ngay sau khi nghị quyết về xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, đã nhấn mạnh rằng Quốc hội đã “hoàn thành trọng trách được nhân dân giao phó là đánh giá tín nhiệm bước đầu các chức danh chủ chốt”.
Các số liệu về cuộc bỏ phiếu đã được công bố công khai, tự thân nó đã là thông tin vô giá cho cử tri đánh giá và cảm nhận. Tuy nhiên, thay vì đi vào phân tích số liệu, bài viết này muốn đề cập đến một vấn đề khác: đời sống chính trị đã có một thay đổi căn bản kể từ kỳ họp quan trọng này.
Có thể nói chưa bao giờ, lá phiếu của đại biểu Quốc hội lại có ý nghĩa nhiều như thế trong vấn đề đánh giá các chức danh chủ chốt. Sự tín nhiệm cao hay thấp đã được “lượng hóa” bằng lá phiếu.
Nay thì với kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đã được công khai, việc đánh giá cán bộ sẽ có thêm một cơ sở xác đáng, thay vì những đánh giá chung chung hoặc cảm tính. Lá phiếu của đại biểu, vì thế, mang một giá trị định lượng rất lớn.
Nhiều người còn nhớ cách đây một thập kỷ, việc chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ tại Quốc hội vẫn còn bị coi là quá mới mẻ, nhiều người cảm thấy sốc vì trước đó hoạt động này chỉ được tiến hành qua… văn bản. Nhưng giờ đây, ai cũng thấy chất vấn trực tiếp là một hoạt động rất ý nghĩa, là cơ sở để các đại biểu và đông đảo nhân dân đánh giá. Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nói chung, của Quốc hội nói riêng là làm thế nào để thúc đẩy những hoạt động như chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm ngày càng đi vào thực chất một cách nhanh chóng.
Không chỉ là số liệu thống kê thuần túy, việc bỏ phiếu tín nhiệm lần này mang nhiều ý nghĩa về một thông điệp: thông điệp về cải cách và đổi mới trong đời sống chính trị.
Cho dù, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thừa nhận, vì đây là làm lần đầu, nên không tránh khỏi sai sót. Sáng 11/6, khi dự thảo nghị quyết về xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được công bố, ngay lập tức có ba đại biểu đứng lên yêu cầu xem lại số liệu vì có sự “vênh” với báo cáo trước đó của ban kiểm phiếu.
Không ai muốn có sai sót trong một chuyện quan trọng như thế này, nhưng, trên bước đường đổi mới hoạt động của Quốc hội, trước một cải cách lớn lao và sâu rộng như vậy, những sai sót về mặt kỹ thuật là có thể chấp nhận.
Cũng có những ý kiến cho rằng, Quốc hội rồi đây có thể tiếp tục cải tiến việc bỏ phiếu tín nhiệm, coi đó như là một hoạt động thông thường, thay vì phải cử ra một tổ kiểm phiếu làm việc buổi tối, mà như Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nói vui, là “rất vất vả”.
Về kỹ thuật mà nói, không khó khăn gì khi tiến hành bỏ phiếu theo hình thức biểu quyết bằng bấm nút, điều đã được Quốc hội thực hiện thuần thục nhiều năm nay. Nếu dành 3-4 phút cho một cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm, việc “bỏ phiếu” cho 47 cá nhân như lần này, cũng lắm chỉ mất một buổi. Số liệu thống kê được đo đếm bằng máy, công khai ngay trước mặt các đại biểu vừa bấm nút xong, với sự chứng kiến của giới truyền thông.
Bỏ phiếu tín nhiệm sẽ còn được tiếp tục trong các kỳ họp, khóa họp sắp tới. Hoạt động này cũng sẽ được mở rộng về các kỳ họp của hội đồng nhân dân các cấp. Với ý nghĩa đó, kỳ họp này của Quốc hội xứng đáng được ghi vào lịch sử chính trị – lập pháp của Việt Nam, trên tinh thần hội nhập sâu rộng với thế giới.
Người viết tin rằng, nhiều người dân đang sẵn lòng dành một “phiếu tín nhiệm” cho cuộc lấy phiếu tín nhiệm nói riêng và cho Quốc hội nói chung, chính từ hoạt động đầy ý nghĩa trong kỳ họp này
Nguồn:VnEconony.vn
Nguồn: Mõ làng