Phạm Hải An
Cái tin Ông Hồ Đức Việt qua đời ở tuổi 66 đã khai màn cho không ít cuộc “đại phẫu” về nguyên nhân dẫn đến sự ra đi đột ngột và chóng vánh của một con người nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, một con người sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc vào hạng danh giá ở Việt Nam: Ông nội là Cụ Hồ Tùng Mậu – một người cùng thế hệ với Chủ tịch Hồ Chí Minh và bạn chiến đấu của Cụ Hồ ở những năm tháng hoạt động cách mạng tại Trung Quốc; là con trai út của nhà cách mạng, liệt sĩ Hồ Mỹ Xuyên (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và miền quê hiếu học xứ Nghệ nên ngay từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, Ông Hồ Đức Việt đã sớm khẳng định tố chất của một người tài, có khả năng kế cận, tiếp nối trang sử vàng của quê hương và gia đình. Có một chi tiết mà chắc người dân xứ Nghệ đến nay vẫn còn nhớ và nhắc đến ông như một biểu tượng của tinh thần hiếu học và tinh thần vượt khó khi Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An thời ấy đã phát động phong trào: “Học tập, đuổi kịp và vượt Hồ Đức Việt“. Và không giống những tài năng khác của Việt Nam thời ấy và mãi sau này, trong chặng đường tiếp theo Hồ Đức Việt vẫn có những bước tiến đều, dài trên con đường học tập và danh vọng. Ông lần lượt được các cấp ban ngành Trung ương, cơ sở đánh giá cao ở năng lực, nhân cách và uy tín nên được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng từ công tác giảng dạy, công tác Đoàn thanh niên cho tới khi ông là một chính khách tên tuổi, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Nhưng cái đáng tiếc của Ông Việt là không có được một trường sức khỏe dẻo dai, một thể chất mà giúp ông chống chọi với những căn bệnh quái ác để tiếp tục sự nghiệp dang dở mà chính ông đang theo đuổi và dành toàn tâm, toàn ý. Ông ra đi khi bên cạnh để lại vô vàn sự tiếc thương, sự hụt hẫng cho không ít những người đồng chí, đồng đội và những người dân đã dành cho ông những sự kính trọng và lòng biết ơn. Đã có không ít người đã nghiêng mình trước anh linh của Ông trong đám tang như một sự kính cẩn cuối cùng dành cho một con người tài năng và chính trực.
Ông ra đi cũng tạo ra một “thời cơ” cho những kẻ thích đơm đặt, ăn không nói có có cơ hội trổ tài viết, kể nên những câu chuyện tiếu lâm chính trị. Những chi tiết li kỳ, những nội dung lần đầu tiên được phát lộ đã được những cây viết bán chuyên nghiệp vẽ nên. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc có người cho rằng, ông Việt bị đứt gánh giữa đường, bị kẻ xấu hãm hại nên buộc phải rút lui chính trường trong tâm trạng ấm ức. Và họ cũng cho rằng, đây là nguyên nhân thúc đẩy nhanh căn bệnh vốn đã tồn tại và ngự trị lâu trong con người Ông. Và những đồn đoán đó tiếp tục được đẩy nhanh ngay trong thềm Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XI), người ta lại nhắc đến “mối thâm thù” giữa Ông Việt và đương kim Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị với những tình tiết như vụ điều khiển cơ quan báo chí phanh phui chuyện Ông Việt cúng tế tại Xã Đàn (Hà Nội)….Những câu chuyện kiểu như thế tưởng chừng không bao giờ dừng lại.
Có người còn mạnh dạn đưa ra những lí giải mang tính căn nguyên gây nên cái chết của Ông Việt mà như tác giả Phan Châu Thành (Danlambao) trong bài viết mang tiêu đề: “Tại sao ông Hồ Đức Việt ‘phải chết’?” Tất cả những tình tiết ấy nói lên rằng, Ông Việt đã trở thành một chủ đề nóng mà những cây viết này tận dụng tối đa phục vụ cho những ý đồ của bản thân. Tuy nhiên có một chi tiết mà chính những tác giả này không hiểu và chắc không bao giờ hiểu được. Ông Hồ Đức Việt rời cương vị của một Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương vào cái tuổi không phải là ít (64 tuổi). Tôi nói ra chi tiết này, chắc sẽ có không ít người quay sang hỏi nhau là ở cái tuổi gần 70 nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn làm việc đấy thôi. Các bạn không nên vội thắc mắc làm gì, bởi giữa những người đó không giống nhau ở nền tảng sức khỏe. Có thể ở độ tuổi sau “thất thập cổ lai hi” vị lãnh đạo này, kia vẫn còn sung sức, đủ sức khỏe và trí tuệ để tham gia những công việc chính trường. Bản thân Ông Hồ Đức Việt sau những năm tháng cống hiến trên nhiều cương vị đã biết mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo và ông chọn cho mình con đường rút lui khỏi chính trường để giành cương vị đang nắm cho người khác xứng đáng hơn mình, ít nhất là trên phương diện sức khỏe. Và như vậy, lẽ ra người ta phải ca tụng, tôn xưng Ông Việt như một con người biết lo cho dân, cho nước vì nếu vì lí do sức khỏe mà bản thân ông không đi hết con đường thì gây nên không biết bao hệ lụy cho đất nước. Hoặc chúng ta cũng thể hiểu rằng, nếu việc rút lui khỏi chính trường xuất phát từ việc những người làm công tác nhân sự Trung ương khóa XI biết được tình trạng sức khỏe của Ông Việt nên không dám tiếp tục trao trọng trách Trưởng ban Tổ chức Trung ương (Một chức vụ quan trọng trong Đảng) cho ông thì đó càng là một câu chuyện hết sức bình thường. Những người làm công tác tổ chức, nhân sự có cái lí khi đưa ra những quyết định như vậy. Cho nên, thay vì đưa ra những luận điểm mang tính li kỳ, giật gân và câu khách, những cây viết cũng nên dành cho mình một phút tĩnh tâm để hiểu những sự việc theo quy luật thông thường, theo cái lộ trình mà lẽ ra và tất yếu phải thế. Đừng vì một lí do nào đó, những toan tính nào đó mà quên đi rằng, vấn đề mình đang chuyền tải vốn đang tồn tại trong những mối quan hệ hữu cơ, ràng buộc với các sự vật, hiện tượng xung quanh mà khi chúng ta vô tình hay hữu ý tách nó ra để phân tích, mổ xẻ thì nó không còn là nó, không còn nguyên nghĩa ban đầu. Nên chăng đó cũng chính là cái cần có, không thể thiếu ở những người tự cho mình quyền được đình hướng dư luận.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng!
Nguồn: Mõ làng