Đoàn Vương Thanh (cựu phóng viên TTXVN)
Mõ: Đây là một ý kiến hay, có trách nhiệm, đúng ý Mõ nên treo lên cùng thưởng lãm. Theo Mõ, cái ý kiến đổi tên nước, thực ra đây là phép thử về ý thức hệ mà thôi chứ thời nay dân trí cao rồi, chạy làng sao được mà lo trốn nợ. Tốn kém thì cùng lắm bằng việc in ấn HP phát đến từng nhà như vừa rồi thôi, nhắm nhò gì.
Trên các trang mạng, kể cả một số ở nguồn “chính thống” người ta đang ồn ào, không phải chỉ là “bỏ” hay không bỏ “Điều 4″ Hiến pháp mà chạy sang vấn đề khác cũng hệ trọng không kém. Đó là “đổi danh xưng của nước”, thay đổi quốc kỳ, quốc ca…Riêng vấn đề thay đổi “danh xưng” của nước đã có nhiều lập luận. Xu hương là trở về với “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” như danh xưng hồi đầu thành lập nước 1945 nghe có vẻ được nhiều người đồng tình và đưa ra nhiều cách lập luận khác nhau. Danh xưng của một quốc gia rất quan trọng, vì nó là kết quả của cả một thời kỳ đấu tranh, kể cả vũ trang lẫn chính trị, nội trị và ngoại giao. Ta bàn đến chuyện này bây giờ tôi cho là không thích hợp, chí ít thì cũng chưa thích hợp cả chủ quan lẫn khách quan.
Tất nhiên chỉ có Hiến pháp do nhân dân thông qua mới có đủ thẩm quyền thay đổi danh xưng quốc gia và các biểu trưng, biểu tượng của linh hồn dân tộc như quốc ca và quốc kỳ. Không thể tùy tiện, nóng vội, hoang mang theo những động cơ không trong sáng. Tôi đề nghị và kiến nghị, khi nào soạn thảo lần cuối Dự thảo Hiến pháp mới, khi đưa ra để lấy ý kiến nhân dân lần cuối trước khi Quốc hội thông qua và phê chuẩn, đưa những vấn đề này ra cũng còn kịp và nếu chưa thật nhuần nhuyễn, thì để lần sửa đổi sau cũng không muộn. Là người dân, chúng tôi quan tâm cốt yếu đến thể chế chính trị, chế độ dân chủ hay độc tài, toàn trị hay “nhân dân trị”, thực chất hay hình thức…chứ không quan tâm nhiều đến danh xưng, quốc kỳ hoặc quốc ca, tuy vấn đề này cũng rất quan trọng.
Nhân sắp đến việc thông qua nội dung Dự thảo hiến pháp mới, không rõ về phía “chính thống” hay chỉ là dư luận báo chí (cả lề phải lẫn lề trái) đưa ra thảo luận, tranh luận vấn đề này. Theo tôi, chưa cần. Lý do:
1- Nghị quyết Trung ương 4 mới triển khai thực hiện được một năm, nghĩa là mới có “khúc dạo đầu”. Những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay chưa có những chuyển biến cụ thể và thiết thực. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện có nhiều quan điểm chưa thống nhất, thậm chí “chóp bu” còn mất đoàn kết nghiêm trọng, chưa có thể giải tỏa và thống nhất lãnh đạo, thống nhất ra chủ trương chính sách thật sự “vì dân”. Đổi tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” có thể đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cán bộ nhân dân, những cũng vẫn còn những hạn chế và rất có khả năng lợi dụng việc này để “trốn nợ” (đổi tiền, đổi con dấu, đổi tổ chức và những vấn đề tham nhũng, thất thoát, trách nhiệm, nợ xấu, mâu thuẫn nhau mất đoàn kết nội bộ, kẻ thù bên ngoài đang nhòm ngó…) Theo tôi và nhiều người sống quanh tôi, họ chỉ mong thay đổi các loại ghế lãnh đạo hiện nay quá mọt ruỗng rồi, quá tệ rồi, không nên để lâu hơn nữa, vì càng để thì “bầy sâu” càng lớn, càng đông và càng phá. Vậy thì có một cái tên nước, có một lá cờ mới, có một bài quốc ca mới…chưa giải quyết vấn đề một cách cơ bản.
2 – Thực hiện triệt để quy định của Nghị quyết trung ương 4, nhất là về củng cố, cải tiến, thậm chí “cách mạng” toàn bộ công tác tổ chức từ trong Đảng đến chính quyền và các đoàn thể. Hiện nay, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “sờ đến đâu cũng có hư hỏng” Vậy thì phải “giải quyết” những hư hỏng ấy đi trước khi có một cái tên mới cho một quốc gia.
3- Phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng về tuyên truyền, tư tưởng, về sự cần thiết phải thay đổi, nếu thay đổi thì có lợi và chưa có lợi cái gì, có liên quan đến bát cơm mạnh áo của dân đến mức độ nào. Chi tiêu hết bao nhiều ngân sách, ngân sách ấy lấy ở đâu ra. Chúng ta có bộ máy đảng và bộ máy chính quyền rất cồng kềnh (có 30% viên chức, cán bộ không làm việc). Thông qua Hiến pháp, thực thi Hiến pháp và cốt lõi là phải thực hiện bằng được, công khai toàn bộ kết quả thực hiện Nghị quyết trung ương 4 trong cả nước, ở mọi cấp mọi ngành. Đất nước phải được ổn định chính trị, ổn định kinh tế, xã hội. dân tình hồ hởi phấn khởi, ít nhất cũng bằng thời kỳ đầu thực hiện “Nghị quyết VI”…
Là một công dân chúng tôi mạnh dạn đề nghị như vậy. Đặc biệt từ cấp cao, ai là người tự cảm thấy không còn được lòng dân nữa thì tự nguyện hưu và rút khỏi chính trường, “cởi trói” cho dân nhờ. Có như vậy thì việc đổi tên Đảng, đổi tên nước mới mang lại tác dụng to lớn và thiết thực.
Nguồn: Mõ làng