Trang chủ Mõ Làng CHỖ ĐỨNG CỦA Ý THỨC HỆ TRONG HIẾN PHÁP

CHỖ ĐỨNG CỦA Ý THỨC HỆ TRONG HIẾN PHÁP

230
0

CHỖ ĐỨNG CỦA Ý THỨC HỆ TRONG HIẾN PHÁP

Sự tồn vong, thăng trầm của một quốc gia có nguồn cơn từ ý thức hệ. Trên nền ý thức hệ mà xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nhà nước, hoàn thiện pháp luật, định hướng đường lối kinh tế, văn hóa, đạo đức… Tất tần tật, có thể nói mọi thứ bắt nguồn từ ý thức hệ.

Từ khi có đảng cộng sản, đảng đã lấy chủ nghĩa Mác Lê nin làm ý thức hệ để đoàn kết tập hợp nhân dân làm cách mạng. Và Đảng đã đạt được nhièu thành công, đánh đổ đế quốc, phong kiến, xây dựng nên một nước Việt Nam độc lập, nhân dân được hưởng những quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hóa của mình với tư cách là người chủ.

Tuy nhiên, từ sau ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, bước vào xây dựng một xã hội mới, với đặc điểm mới, mục tiêu mới, Đảng đã đứng trước nhiều thách thức có căn nguyên từ ý thức hệ. Bắt đầu là sự lựa chọn cho bài toán đoàn kết dân tộc sau ngày giải phóng. Hàng chục triệu người ở phía bên kia của ý thức hệ thất bại, tan rã tại chỗ. Họ bị xếp vào loại gì và phải ứng xử với họ ra sao. Kế đến là bài toán cho mô hình kinh tế và chính sách đối với những thành phần kinh tế không cùng ý thức hệ. Và bây giờ là phép tính cho nền dân chủ khi sửa đổi Hiến Pháp. Cứ mỗi lần như vậy, độ trễ của chuyển động nhận thức ý thức hệ và tính bảo thủ của nó làm mất đi một ít cơ hội phát triển của đất nước.

Lần sửa đổi Hiến pháp này đúng là một cơ hội để sang trang cho những nhận thức mới. Những tuyên ngôn mới của toàn dân tộc sẽ động viên được sức mạnh toàn dân nếu nó đi đúng quy luật, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Kì vọng là như vậy nhưng từ đầu đợt góp ý xây dựng đến nay, chưa thấy mấy sáng sủa. Ban đầu, cũng đã có những khởi động tốt, ý kiến đa chiều được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng rồi, khi nó chạm sâu đến những vấn đề về thức hệ, lập tức bị chặn lại. Thông tin đại chúng chỉ còn một chiều bảo vệ cho quan điểm của Đảng. Dân chúng chia làm hai trận tuyến đối chọi nhau. Bên này bảo vệ cho sự bất biến về nền tảng tư tưởng, về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mô hình kinh tế định hướng XHCN, về sở hữu đất đai toàn dân. Bên kia cổ vũ cho từ giã ý thức hệ, đa nguyên chính trị, kinh tế thị trường, đa sở hữu đất đại. Đất nước như một trường đảng trong buổi xemina. Tuy nhiên, chưa thấy lộ ra điều gì mới có tính căn bản.

Gần đây, mới thấy nhú lên một cách đặt vấn đề mới, theo tôi rất đáng trân trọng. Đó là ý kiến của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, do chủ tịch Trương Tấn Sang làm trưởng ban. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp toàn thể thảo luận và đưa ra những kiến nghị cụ thể cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Bản kiến nghị chứa đựng khá nhiều góp ý với những điều khoản quan trọng của HP. Trong đó, một vấn đề có tính nền tảng của ý thức hệ vô sản, vấn đề giai cấp đã được nhìn nhận lại.

Cụ thể, về chế độ chính trị, tại Điều 2 được đề nghị thay cụm từ “nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” bằng cụm từ “nền tảng là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Giải thích cho quan điểm sửa đổi này, BCĐ cho rằng nội dung “liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” đã được quy định đầy đủ trong Điều lệ và các văn kiện của Đảng. Mặt khác, giai cấp là khái niệm có tính lịch sử – chính trị. Vị trí, vai trò và tương quan của các giai cấp trong xã hội luôn có sự thay đổi. Luôn có một bộ phận nhân dân không xác định được mình thuộc giai cấp nào. Chưa kể, diễn đạt như dự thảo thì có những bộ phận, chẳng hạn như giới doanh nhân sẽ thấy bị đặt ngoài HP. Về mặt chính trị, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng, cho rằng Nhà nước ta luôn nhấn mạnh hoặc coi trọng tính giai cấp, xem nhẹ các quan hệ dân sự và vai trò của công dân. Trong khi đó, đoàn kết là truyền thống lâu đời của dân tộc, đã được Hồ Chủ tịch vận dụng sáng tạo trong quá trình xây dựng đường lối cách mạng của Đảng và đã tổng kết thành khẩu hiệu, phương châm hành động của toàn Đảng, toàn dân. Trong giai đoạn hiện nay, đại đoàn kết đã được Cương lĩnh 2011 khẳng định như một bài học quan trọng, khẳng định là truyền thống quý báu, là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng.

Vì vậy, sửa Điều 2, khẳng định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” không chỉ là thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, mà còn phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, tạo đồng thuận toàn Đảng, toàn dân”.

Rõ ràng, đây là nhận thức mới về một vấn đề cốt lõi của ý thức hệ, kiến nghị đó có thể coi là sự từ giã ý thức hệ về giai cấp của những người công sản (tạm coi là như vậy, bỡi vì BCĐ cải cách tư pháp bao gồm những vị Bộ trưởng đáng kính nắm công cụ chuyên chính của Đảng với sự chủ trì của chủ tịch nước). Điều này chẳng những giải thoát khỏi sự trì trệ về nhận thức luận mà còn phù hợp với thực tiễn khách quan. Một hành động dũng cảm vượt qua cái tôi của Đảng mà hướng về nhân dân, hướng về cái chúng ta.

Cách đặt vấn đề “giai cấp là một khái niệm có tính lịch sử” là rất đúng đắn. Lựa chọn của BCĐ là đúng mực, vấn đề giai cấp có thể còn tồn tại trong Điều lệ Đảng, nhưng nó không bao trùm được trong Hiến Pháp. Trên thực tế Nghị quyết Đại hội của Đảng cũng đã xác định đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, sự uyển chuyển trong xác định đối tác, đối tượng theo hướng không còn coi cả một dân tộc nào đó là kẻ thù mà là hợp tác cùng có lợi trên những mặt tốt, đấu tranh chống lại những mặt xấu, mặt có hại cho dân tộc. Thực tế hội nhập quốc tế ngày nay không cho phép, và không thể lấy vấn đề giai cấp, đối chọi giai cấp làm tiền đề như trước đây. Đó là đặc điểm mới của vấn đề giai cấp ngày nay. Vậy nên, từ giã ý thức hệ về giai cấp là một khách quan.

Mong rằng, cách đặt vấn đề như thế được thể hiện trong những vấn đề cơ bản khác nữa của Hiến Pháp.

Nguồn: Mõ làng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây