Lại thêm một vụ việc nữa được giải quyết bằng chiếc quan tài. Không biết tự bao giờ chiếc quan tài có thêm chức năng làm phương tiện giải quyết mâu thuẫn. Tháng 8 năm 2010 gia đình anh Khương ở Bắc Giang cùng nhiều người đưa quan tài đến UBND tỉnh để đòi giải quyết cái chết oan khuất của anh tại trụ sở CA huyện Tân Yên; Tháng 12 năm 1012 người dân Đông Triều, Quảng Ninh đem theo cả quan tài để chống thu hồi dất; Tháng 1 năm 2013 gia đình anh Ái ở TX Thái Hòa, Nghệ An đem quan tài đến CA thị xã đòi công lí; Rồi ngày 17 tháng 3 vừa rồi người dân thành phố Vĩnh Yên lại đem quan tài đến một địa điểm trung tâm TP đòi làm rõ cái chết của anh Tuấn Anh.
Có lẽ hình thức này chỉ có ở Việt Nam. Thật nhẫn tâm, hết sức phản cảm và loạn về trật tự luật pháp. Chưa biết kết cục là gì nhưng chắc chắn ai cũng thấy không đành lòng khi một người đã chết bị lôi đi, xô đẩy, phơi nắng mưa trên đường. Đúng là “chết mà chẳng yên”, câu “nghĩa tử là nghĩa tận” đã không còn chỗ đứng trong xã hội khi mà cái xác của họ còn phải làm thêm một việc đòi công lí. Không lẽ phải có luật quan tài hay luật về người chết để ngăn cản người sống đừng làm cái việc thất đức kia.
Đứng trước những sự việc như vậy có nhiều điều để phải nói:
Thứ nhất, về phiá chính quyền, cần phải có thái độ ứng xử sao cho có trách nhiệm, xứng đáng là người công bộc của nhân dân. Việc đưa quan tài đến trụ sở công quyền gây sức ép có nguyên nhân từ cách làm việc tắc trách, hoặc thái độ ứng xử không đúng mực của cán bộ, bao che cho cái sai của thuộc cấp làm dân nghi ngờ, phẫn nộ. Trong vụ ở Bắc Giang gia đình và người dân phẫn nộ do lúc đầu chính quyền không minh bạch về nguyên nhân gây nên cái chết của anh Khương. Còn vụ ở Vĩnh Phúc, rõ ràng là án mạng nhưng ban đầu những người có trách nhiệm xử lí như là một vụ tai nạn do say rượu, khiến gia đình và người dân cảm thấy khuất tất.
Thứ hai, về phía người dân, luật khiếu nại, tố cáo đã có, thiết nghĩ nếu còn điều gì đó bất đồng với chính quyền thì cũng đừng hành hạ người chết như vậy. Chắc chắn vụ việc có được giải quyết rốt ráo thì cũng không phải vì sợ cái quan tài đâu. Làm như vậy là có tội với linh hồn người chết. Hơn nữa, đem quan tài đến công sở để đấu tranh là việc làm bất hợp pháp, những người chủ xướng, tham gia đều có thể vi phạm luật pháp về hành vi ứng xử của mình.
Thứ ba, về phía chúng ta, mong rằng không phải ra luật quan tài.
Nguồn: Mõ làng