Mỗi người con người khi làm điều gì đó sai đều có cho riêng mình những lời giải thích, thanh minh mà chúng ta quen gọi là ngụy biện. Và trên một khía cạnh nào đó thì hành động đáp trả này không mang ý nghĩa tích cực. Người trí thức chân chính luôn cho mình những sự ngụy biện riêng và dù họ có làm sai. Những những lí lẽ họ đưa ra còn thuyết phục được nhân tâm, có được không ít những người trong cuộc theo dõi và tán dương. Nhưng cái sai của những người trí thức tận tâm khác với cái sai của những kẻ tự dán lên mình cái mác trí thức “cơ hội”, “hiếu chiến” và hành động không vì cái tâm, tinh thần xây dựng.
Trong giai đoạn mà cả đất nước đang đi những bước đầu tiên trong xây dựng nền kinh tế tri thức thì vai trò của người trí thức trong xã hội đang được định hình và khẳng định rõ. Không ít người trí thức với nhãn quan đậm chất thời cuộc đã tự nguyện gánh trên vai mình sứ mệnh lịch sử đó và đã thể hiện được phần nào sự kỳ vọng đó. Tuy vậy. không phải ai gắn trên mình cái mác trí thức đều làm tốt. Không ít người đã mang trên mình ý thức phản biện song chính cái tâm không trong sáng đã khiến họ lạc đường, sa chân bước vào lãnh địa mà một người trí thức chân chính không được vào.
***
0. Lời dẫn
Những suy nghĩ sau đây được tập hợp sau khi đọc bài của ông giáo sư Tương Lai. Trước hết xin lược kê các từ khóa và chút ít dẫn giải.
Lời giới thiệu “Giáo sư Tương Lai, cựu thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS)” đã cho tôi cảm giác kính trọng. Tôi đã “cúc-cần” (tra tìm trong Google) (http://chungta.com/Desktop.aspx/Tac-gia/Tac-gia/Tuong_Lai/) để rõ “trích ngang” của ông và thấy liệt kê 134 bài viết với những chủ đề quan trọng. Do không phải chuyên đề nghiên cứu tác giả, sau đây chỉ bàn về một số luận điểm của ông trong bài vừa đăng trên diễn đàn: “Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Hồ Chí Minh”, “Giải phóng dân tộc”, “Đổi mới”, “Dân chủ”, “Đa nguyên”.
1. Tóm lược nội dung trả lời phỏng vấn của GS Tương Lai
Về ”đảng”, ông Tương Lai (TL) cho rằng Karl Marx quan niệm về đảng ý thức và đảng tổ chức; khái niệm này liên quan đến ”giai cấp” mà ông Marx cũng cho nó biến động từ “vô sản” đến “người lao động”. Về tình hình thế giới hiện tại, ông TL cho rằng “đảng chính trị cũng bị tha hóa rất nhiều”. Thông qua ý kiến “ông Hồ Chí Minh” (nguyên chữ), ông TL đề nghị bằng “cách nói uyển chuyển” rằng “đảng phải là đảng của dân tộc” để “giữ vững được sứ mệnh của mình là người lãnh đạo dân tộc”.
Về sứ mệnh “đại diện cho dân tộc” của đảng, ông TL xét cụ thể từng giai đoạn lịch sử (“duy vật lịch sử”!). Trước 1975, ông khẳng định: “Thực tế Đảng đã thực hiện tốt vai trò giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đấy là sự thật lịch sử, có muốn bác bỏ cũng không bác bỏ được”. Không may, “từ 1975, (do) đi theo mô hình Xô viết, rồi chịu ảnh hưởng của Mao ít” nên “đảng vấp phải những sai lầm” và “nó (tức là những cái “sai lầm” chứ không phải chính là đảng – người viết chú) đẩy đất nước đi vào chỗ bế tắc và đi vào khủng hoảng trầm trọng kéo dài”. Từ bối cảnh như thế “đảng ta” đạt được một thành tựu khác là “sự nghiệp đổi mới do đảng tiếp nhận được từ sức sống của dân tộc, của nhân dân, biến thành đường lối của mình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Việt Nam”, Nay chỉ vì “một số đảng viên của Đảng thoái hóa biến chất” mà “vấn đề đặt ra như yêu cầu của chủ tịch Hồ Chí Minh là chỉnh đốn Đảng – là yêu cầu số 1”. Về “vấn nạn tham những”, ông TL khuyên rằng nên coi đó chỉ là 1 mặt của tấm huân chương thôi, vì nếu cả 2 mặt (toàn bộ) đều tham nhũng thì “tấm huân chương” này không ai đeo nữa(!)
Về dân chủ đa nguyên, ông giáo sư khuyên “đây là vấn đề nhiều khi không thể hiểu một cách cứng nhắc”. Nên (quên đi, đừng nói đến nó, và) chú ý đến “điều quan trọng, không có gì quý hơn độc lập tự do – đấy là mệnh đề xem như tuyên ngôn của Việt Nam trong thế kỷ 21 này”. Hai mặt đó, “độc lập” là hình thức và “tự do” là nội dung “trong đó tự do là cái ý chí của đảng viên” (!!!)
Ông Tương Lai là giáo sư, lý sự (lý thuyết và sự việc ông dẫn ra) rất kín kẽ; muốn hiểu (“thủng”) ông phải thật là… tỉ mẩn!
2. Những điều ngụy biện
Trước hết, để bàn rõ về “đảng” như phần sau sẽ trình bày, bất kỳ tổ chức nào cũng được hình thành và triệt thoái theo yêu cầu và trong một điều kiện lịch sử cụ thể. Khi điều kiện lịch sử thay đổi, tổ chức đó hoặc không tồn tại tiếp, hoặc biến đổi thành một thứ khác không phải là nó nữa. Đảng cộng sản Nga chẳng hạn, ngày nay chỉ là một thành phần trong xã hội; nó có thể trở thành lãnh đạo hay giữ vai trò đối lập tùy theo sự chọn lựa của cử tri. Cái gọi là “cách nói uyển chuyển” chẳng qua là sự ngụy biện ngôn từ để “giữ vững sứ mệnh là người lãnh đạo dân tộc”. Tôi không nghĩ cụ Hồ Chí Minh nghĩ như thế. Còn “nói chung ở trên thế giới hiện nay thì đảng chính trị cũng bị tha hóa rất nhiều” là cách nói hàm hồ! Đảng nào chẳng mang ý nghĩa chính trị và có mục tiêu là quyền lực? Có điều các đảng trong các nước dân chủ đa nguyên phải thi thố với các đảng khác về phương sách lãnh đạo đất nước trong một điều kiện kinh tế, văn hóa, chính trị cụ thể và vị trí lãnh đạo của nó được xác lập thông qua lá phiếu của cử tri. Có tham nhũng; nhưng tham nhũng ở đó bị nhanh chóng phanh phui và đem xử lý mà không cần xem xét “nhân thân” để bao che!
Về cách mạng giải phóng dân tộc, “thực hiện tốt vai trò giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước” là lối chơi chữ không nghiêm chỉnh! Chỉ có Lục Vân Tiên một mình bẻ cây, đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga đang bị trói mới có thể nói “thực hiện tốt vai trò giải phóng”. Công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập là kết quả truyền thống yêu nước của Dân tộc Việt Nam từ cả ngàn năm. Hãy nhớ lời cụ Hồ: Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của chúng ta. Từ trước đến nay, mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì tinh thần yêu nước đó lại kết thành làm sóng nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước. Xin nhắc lại là hãy nhớ lời đó của cụ Hồ Chí Minh để khỏi mất công ngụy biện như thể không còn có ai hiểu được thế nào là câu chữ và nghĩa lý. Không ai phủ nhận vai trò tổ chức và lãnh đạo chiến tranh giải phóng dân tộc của đảng Cộng sản Việt Nam với những tài năng như Võ Nguyên Giáp, Trần Độ, Hoàng Văn Thái,… Nhưng tất cả nằm trong tài năng, mưu lược và sự dấn thân hy sinh của toàn dân tộc. Võ Văn Kiệt được nhiều người nhắc đến vì đã nói lên điều đạo lý tự tâm can: Ngày giải phóng có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn! Đã là sự thật lịch sử thì không ai bác bỏ được, nhưng cũng không ai xuyên tạc được! Xin đừng ngụy biện để, như lời một nhà văn: ĂN MÀY DĨ VÃNG!
Còn “đổi mới” thì sao? Xin không nói lại về cái chuyện (như vô tình) “vấp sai lầm” nữa. Cần phải xem xét kỹ đóng góp của nhà trí thức Trường Chinh trong việc lắng nghe, suy nghĩ và kiên trì thực hiện những bước đầu tiên của Đổi mới. Lịch sử chưa xa và tình hình lúc đó là “đổi mới hay là chết”.
Cuối cùng là sự xuyên tạc tinh thần Hồ Chí Minh. Câu nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong hoàn cảnh như sau:
Năm 1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Người động viên toàn thể nhân dân Việt Nam vượt mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người nói: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Trong hoàn cảnh khốc liệt như vậy (tôi là người ít tuổi hơn ông giáo sư nhiều mà vẫn còn nhớ được), câu nói đó đến đúng lúc như một ngọn cờ tiếp sức trong cuộc chiến giành độc lập để tiến tới tự do. TỰ DO là ước nguyện của con người và là QUYỀN được ghi trong Hiến Pháp – là tự do làm ăn, tự do đi lại, tự do tư tưởng và ngôn luận,… là điều phổ quát cho con người trên thế gian. Nay ông giáo sư khẳng định „tự do là cái ý chí của đảng viên“ là ý làm sao? Hơn nữa, còn là „tuyên ngôn trong thế kỷ 21“ – còn 90 năm nữa lận! Hiểu một cách “uyển chuyển” thì đó là ý chí và quyết tâm của đảng đấy: Ý chí của đảng mở ra bao nhiêu, cho phép bao nhiêu thì trên đất nước này có tự do chừng nấy!? Tôi thực sự không hiểu tư duy trong giai đoạn này của một „nguyên thành viên IDS“?!
3. Đôi lời kết
Nguyên ban đầu tôi có ý định viết về „đảng trong một thể chế Dân chủ” để làm rõ cái sai trong việc trình bày sự „uyển chuyển“ của khái niệm ĐẢNG. Thời gian biến đổi, hoàn cảnh biến đổi thì nhiệm vụ, cơ cấu cũng phải khác và các tổ chức phải biến đổi hoặc biến mất. Đức thánh Trần trong tư duy một nhà trí thức (Người không tham chiếm ngôi báu, quyền hành) đã nói: Thời chiến thì vua tôi một dạ, trên dưới đồng lòng; Thời bình thì KHOAN SỨC DÂN làm kế sâu rễ bền gốc – Đó là kế giữ nước. Hai thời hai kế sách; Và KHOAN SỨC DÂN theo tiếng nói ngày nay là MỞ RỘNG DÂN CHỦ đấy!
Tuy nhiên, vừa viết vừa nghĩ thì ngộ ra rằng: Một người học thức như giáo sư, việc ông ngụy biện là có chủ ý.
Ta chỉ cần tự mình thấy và chỉ ra ít nhiều sự thực ông ẩn giấu là đã đủ. Những điều khác, ông dư sức biết. (Đúng như một bạn nói rất hay về bài của ông: Đọc xong thấy đúng là mình rỗi hơi…) Cho nên chỉ xin làm phiềm quý vị chút ít thời gian và hy vọng không phải là … vô tích sự.
Theo Dân Luận