Ngày 01/01/2019, Luật An ninh Mạng Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Do hầu hết các điều khoản gây tranh cãi trong luật này nhằm kiểm soát các thành phần chống đối, bất mãn trên Internet, các thành phần này đã tiếp tục công kích luật từ thời điểm đó đến nay. Cụ thể, trong tuần trước, nhóm Hate Change tuyên bố rằng họ sẽ quảng bá “tri thức về tự do ngôn luận, tự do trên internet” để đẩy lùi Luật An ninh Mạng; trong khi nhiều gương mặt chống đối cực đoan như Phạm Đoan Trang, Lê Công Định, Đoàn Bảo Châu… đã kêu gọi cộng đồng mạng bất tuân luật này. Sang tuần này, Hate Change chưa có thêm hoạt động, trong lời kêu gọi “bất tuân” của các gương mặt cực đoan được hầu hết giới chống đối hưởng ứng.
Thấy vậy, một số cá nhân chống đối đã bình luận rằng dù Luật An ninh Mạng đã có hiệu lực, cộng đồng của họ “vẫn chửi chính quyền đều đặn hàng ngày”, và “hình như chính phủ Việt Nam đã không đạt được thỏa thuận với Google và Facebook”. Trong khi đó, ca sĩ Mai Khôi tỏ ra bi quan hơn. Trong một status hôm 04/01, Khôi phản ánh rằng sau cuộc gặp với Phạm Đoan Trang hồi 4 năm trước và cuộc gặp với Mai Khôi hôm 18/10/2018, Facebook vẫn “hoàn toàn im lặng, làm ngơ” trước các yêu sách của 2 người này. Còn Google thì “đã và đang xoá rất nhiều nội dung theo yêu cầu của nhà nước mà không cho chúng ta biết nội dung nào đã bị xoá”, và “sắp ngoan ngoãn đặt văn phòng tại Việt Nam để cho nhà nước dễ quản lý”. Trước tình hình đó, Khôi kêu gọi cộng đồng mạng gọi điện thoại, viết mail để gây áp lực lên bà Nguyễn Ánh Nguyệt, người phụ trách chính sách công của Facebook tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy Facebook bất tuân Luật An ninh Mạng, khiến Luật mất hiệu lực. Khôi cũng khuyên cộng đồng liên hệ với nhóm Save Net (thuộc Hate Change) để được hỗ trợ, và để giúp nhóm này “thu thập thông tin và tài liệu hoá những gì đang diễn ra để sau này chúng ta có nhiều bằng chứng”.
Ngày 08/01/2019, Nhà nước bắt đầu có động thái đầu tiên để gây áp lực lên Facebook, buộc công ty này tuân thủ Luật An ninh Mạng. Trong cuộc họp báo ở Hà Nội, Cục Phát thanh, Truyền hình & Thông tin Điện tử, thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông Việt Nam đã tuyên bố rằng Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam trong 3 lĩnh vực – là Quản lý nội dung thông tin, Quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và Trách nhiệm thuế với Việt Nam.
Cụ thể, trong lĩnh vực Quản lý nội dung thông tin, Facebook đã không cung cấp thông tin về một số tài khoản được cho là “lừa đảo”, “vi phạm pháp luật” để phục vụ điều tra của cơ quan an ninh. Facebook cũng không xóa, hoặc “cố tình trì hoãn việc xóa” các bài viết, tài khoản và fanpage có hoạt động “chống phá nhà nước”, “nói xấu Đảng”, “nói xấu lãnh đạo”.
Trong lĩnh vực Quảng cáo trên mạng bất hợp pháp, Facebook đã bán quảng cáo cho các game mại dâm, game cờ bạc; cho các đối tượng bán vũ khí, bán tiền giả; và cho những bài viết chính trị có mục đích tạo “khủng hoảng truyền thông”. VTC bình luận rằng những bài viết được quảng cáo này có thể “đe dọa an ninh quốc gia” nếu được phát tán trong các kỳ Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương Đảng.
Trong lĩnh vực Trách nhiệm thuế, Facebook đã không đóng thuế cho chính phủ Việt Nam dù thu được 235 triệu USD tiền quảng cáo trong năm 2018.
Bộ Thông tin & Truyền thông cũng cho biết họ đã tiếp xúc với Ngân hàng Nhà nước, để đề nghị phối hợp ngăn chặn việc thanh toán tiền cho các sản phẩm và dịch vụ bất hợp pháp trên những hệ thống xuyên biên giới như Facebook.
Các phát ngôn vừa nêu của Bộ Thông tin & Truyền thông đã thu hút sự chú ý của nhiều trang mạng và hãng tin nước ngoài, bao gồm các trang tin tài chính như Financial Times và Bloomberg. Người đại diện của Facebook từ chối trả lời phỏng vấn các trang tin, và chỉ đưa ra một thông cáo ngắn, rằng:
“Chúng tôi có một quy trình rõ ràng để các chính phủ báo cáo nội dung bất hợp pháp cho chúng tôi. Chúng tôi xem xét tất cả các yêu cầu này dựa trên các điều khoản dịch vụ của chúng tôi và pháp luật địa phương”.
Dù thông cáo trên chỉ mang tính chung chung và nước đôi, RFA lập tức bình luận rằng Facebook đã “phản bác cáo buộc vi phạm Luật An ninh Mạng của Việt Nam. Nguyễn Quang A và Phạm Chí Dũng cũng bình luận trên RFA tiếng Việt rằng qua sự kiện này, có thể thấy Nhà nước Việt Nam đang bất lực trong việc kiểm soát Facebook, Google và người dùng internet Việt Nam bằng Luật An ninh Mạng. Để chứng minh, Phạm Chí Dũng nói rằng Nhà nước chỉ nói suông, chứ “chẳng đưa ra biện pháp cụ thể nào” để xử lý Facebook. Trong khi đó, Nguyễn Vi Yên của nhóm Hate Change tỏ ra bi quan hơn, khi nói với RFA rằng những diễn biến trong 6 tháng qua cho thấy Nhà nước Việt Nam “cương quyết đưa Luật An ninh Mạng ra và làm cho nó có hiệu lực”.
Như vậy, mối quan tâm chính của dư luận về Luật An ninh Mạng trong tuần qua là luật này có hay không có hiệu lực trong thực tế.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi cho rằng Mai Khôi và Nguyễn Vi Yên đang có thái độ thực tế hơn hầu hết giới chống đối Việt Nam. Ngày 09/01, VTV đã đưa tin rằng chính phủ sắp ban hành một nghị định có liên quan đến việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật của Facebook. Thông tin này bác bỏ dự đoán của Phạm Chí Dũng, rằng Nhà nước Việt Nam sẽ không đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể. Trong khi đó, công ty Facebook chỉ bình luận về vụ việc một cách chung chung và nước đôi; còn công ty Google vừa không bình luận, vừa sẵn sàng xóa các bài viết không phù hợp với pháp luật, như Mai Khôi đã phản ánh.
Trong vụ việc này, chúng tôi cũng mong rằng Luật An ninh Mạng sẽ giúp môi trường thông tin số ở Việt Nam trở nên cân bằng hơn. Nếu được sử dụng vào đúng việc, nó sẽ góp phần điều chỉnh trật tự hỗn loạn hiện nay – khi thông tin sai sự thật, không phù hợp với pháp luật dễ dàng chi phối dư luận đám đông thông qua tiền quảng cáo.
Nguồn: Loa Phường