Trang chủ Luận bàn - Phản biện CÂU CHUYỆN “NÓNG” TRONG VIỆC TIẾP DÂN CỦA CHÍNH QUYỀN

CÂU CHUYỆN “NÓNG” TRONG VIỆC TIẾP DÂN CỦA CHÍNH QUYỀN

181
0

Ngày 03/1/2019, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký ban hành Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của UBND Thành phố Hà Nội (tại số 34, Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và số 20 Hoàng Diệu, quận Hà Đông). Nội quy quy định chung về tiếp dân như địa điểm, thời gian, lịch tiếp dân định kỳ…và các quy tắc ứng xử, thái độ của cán bộ tiếp công dân cũng như của công dân trong việc tiếp nhận, giải quyết vụ việc được nhanh chóng. Với tư cách là một người dân thành phố Hà Nội, khi đọc nội quy, tôi thấy việc ban hành nội quy là rất cần thiết và các nội dung trong nội quy rất hợp lý, thiết thực.

CÂU CHUYỆN “NÓNG” TRONG VIỆC TIẾP DÂN CỦA CHÍNH QUYỀN

Trụ sở tiếp dân của UBND Thành phố Hà Nội số 34  Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm

Tuy nhiên, trên một số trang mạng có ý kiến trái chiều, có ý kiến hết sức cực đoan về nội quy này mà chủ yếu xoay quanh nội dung “Công dân không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”, một số trang mạng lợi dụng nội dung này để xuyên tạc, làm sai lệch bản chất đúng đắn, tốt đẹp của nội quy cũng như nhằm bôi nhọ, hạ bệ người ký ban hành văn bản này, như báo Nghiệp đoàn giật tít: “Không cho dân quay phim, tướng Chung định ngồi xổm lên pháp luật” (xem thêm tại đây). Bản thân tác giả khá bức xúc với những con người, tổ chức này bởi chính họ mới là kẻ đang cố tình ngồi lên pháp luật. Dưới đây, tôi xin chia sẻ cái nhìn đúng đắn để toàn thể độc giả hiểu việc quy định “Công dân không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” cũng như nội quy là hoàn toàn hợp hiến.

Thứ nhất, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân là đúng quy định của pháp luật. Theo Điều 12 của luật Tiếp công dân có quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh”. Nội quy là những quy định do nội bộ một cơ quan tổ chức xã hội tự đặt ra buộc những người làm việc hoặc tham gia cơ quan, tổ chức đó phải tuân theo. Xin lưu ý, nội quy không phải là một quy phạm pháp luật vì nội quy không có tính phổ biến, bắt buộc chung và nó không phải do nhà nước ban hành, không thể hiện ý chí nhà nước và không được nhà nước đảm bảo thực hiện. Đồng thời, Khoản (d), Điểm 2, Điều 7 của Luật Tiếp công dân có ghi “Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân“. Như vậy, công dân có quyền nhưng lại đồng thời có nghĩa vụ là phải thực hiện hướng dẫn của người tiếp công dân, chấp hành nội quy của cơ quan tiếp dân. Từ đó có thể thấy trụ sở tiếp công dân là cơ quan công quyền, tại đó phải có nội quy và khi công dân đến làm việc phải tôn trọng nội quy. UBND TP. Hà Nội có nội quy là đúng và Nội quy do Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành là không sai.

Thứ hai, trong Nội quy có quy định “Công dân không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” là hoàn toàn hợp hiến bởi hai lý do sau:

Lý do thứ nhất, trong rất nhiều văn bản pháp luật như: Hiến Pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND; Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức HĐND, UBND; Luật Khiếu nại, Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật MTTQ Việt Nam; Luật Tiếp công dân quy định các cơ quan nhà nước, cán bộ viên chức Nhà nước chịu sự giám sát của Nhân dân … Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Như vậy có rất nhiều cách để giám sát và không quy định cụ thể giám sát là công dân có quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm hoạt động của cán bộ tiếp dân, mặt khác tại trụ sở tiếp dân quận Hoàn Kiếm và Hà Đông đều có lắp Camera nên hoàn toàn có thể trích xuất lại dữ liệu buổi làm việc giữa cán bộ tiếp dân và công dân nếu có kiến nghị bất thường. Như vậy, việc  quy định không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân không mâu thuẫn với bất kì văn bản pháp luật nào.

Lý do thứ hai, cán bộ tiếp dân đồng thời cũng là một công dân. Theo Khoản 2, Điều 31, Bộ Luật dân sự 2005 thì quy định rõ việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Như vậy đã rõ, cán bộ tiếp dân có quyền đối với hình ảnh của họ và ai muốn ghi hình, chụp ảnh hay ghi âm thì đều phải được sự đồng ý của họ mới được thực hiện và việc lắp đặt camera tại trụ sở tiếp dân đương nhiên họ biết và họ đồng ý.

Trên đây là một số ý kiến của tác giả nhằm giúp cho mọi người có một cái nhìn khách quan về Nội quy tiếp công dân của UBND Thành phố Hà Nội. Nội quy trên là hoàn toàn cần thiết, hợp pháp và chắc chắn sẽ đáp ứng, nâng cao hiệu quả tiếp công dân trong tình hình hiện nay. Và mọi người cũng nên cảnh tỉnh trước các luận điệu xuyên tạc nội quy của số đối tượng, tổ chức xấu nhằm lợi dụng việc này để phục vụ cho mục đích khác đen tối khác./. Share

Nguồn: Người con Đất Mẹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây