Trang chủ Đối tượng SAVENET VÀ CHIÊU TRÒ CHỐNG ĐỐI LUẬT AN NINH MẠNG

SAVENET VÀ CHIÊU TRÒ CHỐNG ĐỐI LUẬT AN NINH MẠNG

206
0

Ngay sau khi Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực ngày 01/01/2019, không ít các phần tử chống đối tiếp tục có những luận điệu xuyên tạc, đả kích Luật này nhằm gây áp lực và yêu cầu Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phải xem xét lại. Trong đó, phải kể đến cẩm nang “Luật An ninh mạng: những điều cần biết” của nhóm tác giả có tên saveNET.

Nhóm saveNET, đứng đầu là Nguyễn Vi Yên, được thành lập vào tháng 6/2018 với mục đích là phản đối việc ban hành và thực thi Luật An ninh mạng. Nguyễn Vi Yên đang hoạt động tại nước ngoài cho biết nhóm của cô với 3 thành viên đã nhiều lần kiến nghị Quốc hội và Chủ tịch nước không thông qua Luật An ninh mạng. Họ cho biết đã thu thập được hơn 110 ngàn chữ ký ủng hộ kiến nghị của họ nhưng thực hư về 110 ngàn chữ ký đó thì không ai kiểm chứng được.

SAVENET VÀ CHIÊU TRÒ CHỐNG ĐỐI LUẬT AN NINH MẠNG

Cuốn cẩm nang của SaveNet

Với luận điệu cho rằng Luật An ninh mạng xâm hại nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư của người dân, SaveNet biên soạn cuốn cẩm nang chi tiết về Luật An ninh mạng mà họ cho rằng “sẽ phân tích, đối chiếu với các luật về an ninh mạng trên thế giới, để người dân có thể đọc và hiểu rõ họ cần làm gì để đối phó với tình trạng quyền của họ đang bị xâm hại.”

Thực tế thì những người đã tiếp cận với nhóm SaveNet và những tài liệu, bản kiến nghị của nhóm này không khó để nhận ra sản phẩm “Luật An ninh mạng: những điều cần biết” lần này cũng chẳng nằm ngoài mục đích đả kích Luật mà Nhà nước Việt Nam vừa ban hành và có hiệu lực. Nhiều người cho biết cuốn cẩm nang này thực chất chính là tài liệu hướng dẫn người ta tìm cách lách Luật đã được thi hành và kích động cho các phần tử chống đối trên mạng tiếp tục hoạt động bất chấp Luật này.

Như thông tin chúng tôi đã đưa, Luật An ninh mạng với 7 chương, 43 điều đã quy định về các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự và an toàn xã hội trên không gian mạng; quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đồng thời quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận, nguyên Cục trưởng Cục An ninh mạng, nay là Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Luật An ninh mạng “không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận”, “không có gì cản trở ngôn luận nếu chúng ta trình bày đúng quan điểm của chúng ta mà không vi phạm”. Ông Thuận giải thích thêm rằng Luật An ninh mạng nhắm đến việc cấm những hành vi trên mạng tương ứng với “29 nội dung mà Bộ luật hình sự cấm”.

Luật An ninh mạng đã được nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng, và được đại đa số quần chúng nhân dân ủng hộ. Những quan điểm cho rằng Luật này đang vi phạm quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận đều xuất phát từ những phần tử chống đối đang lợi dụng môi trường mạng để tấn công và đả kích chế độ Nhà nước đương thời. Nhóm SaveNet với đề xuất “hoãn thi hành”, và đề nghị các cơ quan nhà nước, bao gồm cả Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, hãy “nghiên cứu và đánh giá lại”, và nếu cần, hãy “điều chỉnh Luật An ninh mạng và các quy định liên quan”, cũng có thể xếp vào diện đó.

Luật An ninh mạng đã có hiệu lực thi hành, nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi người dân hiện nay là tìm hiểu hơn nữa để nắm rõ về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia và cộng đồng mạng để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có. Cuốn cẩm nang cùng với những cố gắng của SaveNet cũng như các đối tượng khác nhằm chống đối Luật An ninh mạng sẽ không thể có ảnh hưởng gì khi Luật An ninh mạng đã có hiệu lực thi hành và là lá chắn bảo vệ bảo vệ người dùng, góp phần vào làm trong sạch không gian mạng./.

Nguồn: Người con Đất Mẹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây