Trang chủ Quốc tế Nguồn cơn sóng biểu tình hạ bệ Thủ tướng Bangladesh

Nguồn cơn sóng biểu tình hạ bệ Thủ tướng Bangladesh

10
0

Chính sách hạn ngạch viên chức ở Bangladesh làm dấy lên hàng loạt cuộc biểu tình của sinh viên, dẫn đến bạo lực khiến Thủ tướng Hasina phải từ chức.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, 76 tuổi, ngày 5/8 thông báo từ chức, kết thúc 15 năm trên đỉnh quyền lực, sau khi những cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên biến thành làn sóng bạo lực nghiêm trọng. Bà lên trực thăng quân sự, đến căn cứ Hindan ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, cách thủ đô New Delhi khoảng 30 km và nhiều khả năng sẽ xin tị nạn tại Anh hoặc Phần Lan.

Biểu tình không phải điều xa lạ với Bangladesh, quốc gia Nam Á có dân số 170 triệu người. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây được mô tả là tồi tệ nhất trong ký ức người dân nước này.

Bạo lực bùng phát từ ngày 15/7, khi lực lượng an ninh bắt đầu dùng đạn cao su và cả đạn thật đối phó người biểu tình. AFP dẫn số liệu từ cảnh sát, chính phủ và giới chức y tế Bangladesh ước tính ít nhất 300 người đã thiệt mạng từ khi biểu tình nổ ra, trong đó ngày đẫm máu nhất là 4/8 với 94 người chết.

Tuy nhiên, phong trào biểu tình đó có khởi đầu khá ôn hòa, khi sinh viên và thanh niên Bangladesh xuống đường tuần hành đầu tháng 7 để phản đối chính sách phân bổ chỉ tiêu viên chức gây tranh cãi.

Nguồn cơn sóng biểu tình hạ bệ Thủ tướng Bangladesh

Người biểu tình xông vào Phủ Thủ tướng ở thủ đô Dhaka, Bangladesh ngày 5/8. Ảnh: AFP

Sau khi giành độc lập từ Pakistan năm 1971, Bangladesh quyết định tôn vinh những quân nhân đã đấu tranh “vì tự do” bằng cách dành 30% chỉ tiêu tuyển viên chức mỗi năm cho con em của họ. Chính sách về chỉ tiêu viên chức đó được thiết lập từ năm 1972 bởi thủ tướng Sheikh Mujibur Rahman, cha của bà Hasina.

Tại Bangladesh, viên chức được coi là công việc ổn định và có thu nhập cao hơn nhiều ngành nghề khác. Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng cao, tìm được một công việc trong chính quyền là niềm mơ ước của nhiều người trẻ Bangladesh.

Tuy nhiên, chính sách phân bổ chỉ tiêu viên chức gây tranh cãi, do thanh niên, sinh viên cho rằng đây là chế độ phân biệt đối xử, chỉ ưu tiên một nhóm đặc quyền, nhất là những người ủng hộ đảng Liên đoàn Awami cầm quyền của Thủ tướng Hasina.

Nỗi bất bình này đã làm dấy lên phong trào kêu gọi cải cách chính sách tuyển dụng viên chức vào năm 2013 và 2018. Sinh viên đại học và cao đẳng ủng hộ phong trào, còn chính phủ Bangladesh mang quan điểm ngược lại. Tháng 10/2018, bà Hasina chấp thuận xóa bỏ chế độ phân bổ chỉ tiêu viên chức, khi hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn của sinh viên nổ ra.

Nhưng thân nhân các cựu binh Bangladesh đệ đơn kiện và Tòa Thượng thẩm Bangladesh hồi tháng 6 ra phán quyết hủy quyết định trên của chính phủ. Chính sách phân bổ chỉ tiêu viên chức được khôi phục, trong đó 30% dành cho thân nhân cựu binh, 10% cho phụ nữ, 10% cho vùng kém phát triển, 5% cho cộng đồng người bản địa và 1% cho người khuyết tật.

Phán quyết lập tức làm dấy lên sự phản đối từ sinh viên, trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên Bangladesh thất nghiệp ở mức cao khi nền kinh tế chững lại sau đại dịch.

Bangladesh được mệnh danh là “xưởng may của thế giới”, xuất khẩu hàng dệt may giá trị khoảng 40 tỷ USD một năm ra thị trường quốc tế. Nhưng sau đại dịch Covid-19, kinh tế Bangladesh trải qua thời kỳ lạm phát cao và cạn kiệt dự trữ ngoại hối, tình hình thất nghiệp cũng ngày một nghiêm trọng.

Ước tính khoảng 18 triệu thanh niên Bangladesh đang tìm việc. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tốt nghiệp đại học cao hơn so với các nhóm có học vấn thấp.

Các sinh viên đặt câu hỏi tại sao thế hệ thứ ba của các cựu binh vẫn được hưởng đặc quyền, kêu gọi xóa bỏ ưu tiên cho nhóm này, thay thế bằng chính sách tuyển dụng hoàn toàn dựa trên năng lực.

Sinh viên Đại học Dhaka, cơ sở giáo dục hàng đầu Bangladesh, bắt đầu biểu tình từ ngày 1/7, sau đó lan sang các trường danh tiếng khác. Khi biểu tình kéo dài, Thủ tướng Hasina cho phép lực lượng an ninh sử dụng hơi cay, bắn đạn cao su, đóng cửa trường học, ban bố thiết quân luật kèm lệnh bắn ngay lập tức nếu phát hiện người vi phạm.

Nguồn cơn sóng biểu tình hạ bệ Thủ tướng Bangladesh

Cảnh sát Bangladesh chĩa súng vào người biểu tình có hành vi quá khích trong giờ giới nghiêm ở Dhaka sau khi bà Hasina từ chức. Ảnh: AP

Bạo lực xảy ra khi người biểu tình đụng độ các nhà hoạt động ủng hộ đảng Liên đoàn Awami của bà Hasina. Internet bị hạn chế nhằm ngăn tin đồn lan truyền, khiến người biểu tình khó dùng mạng xã hội để lên kế hoạch hơn, nhưng mọi hàng trăm nghìn người vẫn tiếp tục đổ ra đường.

“Không chỉ riêng sinh viên, dường như tất cả mọi người đều tham gia biểu tình”, Samina Luthfa, phó giáo sư xã hội học, Đại học Dhaka, nói.

Ngày 21/7, sau khi bạo lực đã khiến hơn 100 người thiệt mạng, Tòa án Tối cao Bangladesh đã hủy phán quyết của Tòa Thượng thẩm, tuyên bố 93% chỉ tiêu viên chức nên tuyển dụng theo năng lực, 5% dành cho gia đình cựu binh và 2% cho khu vực kém phát triển cũng như người khuyết tật.

Chính phủ bà Hasina chấp nhận phán quyết, khôi phục Internet và nới lỏng thiết quân luật, cho rằng tình hình sẽ hạ nhiệt. Đợt trấn áp của chính quyền cuối tháng 7 đã tạm thời giải tán được các đám đông biểu tình, nhưng do số người thiệt mạng lên đến hàng trăm và khoảng 10.000 người bị bắt, lửa giận lại bùng lên.

Phe đối lập và các nhóm nhân quyền chỉ trích giới chức dùng bạo lực thái quá với người biểu tình, điều mà chính phủ của bà Hasina bác bỏ. Ngày 3/8, người biểu tình yêu cầu bà Hasina từ chức. Đảng Liên đoàn Awami kêu gọi người ủng hộ xuống đường đáp trả, trong khi bà Hasina cho rằng thanh niên biểu tình là “những kẻ phá hoại cần được xử lý bằng bàn tay thép”.

Những lời đe dọa này càng khiến người biểu tình thêm phẫn nộ. Họ kêu gọi tuần hành vào Phủ Thủ tướng ở trung tâm Dhaka ngày 5/8. Bangladesh một lần nữa ban bố thiết quân luật. Bà Hasina hạ giọng, muốn đàm phán vô điều kiện với các thủ lĩnh sinh viên nhưng bị bác bỏ. Họ cho rằng nữ Thủ tướng không chân thành, chỉ muốn xoa dịu tình hình.

Nguồn cơn sóng biểu tình hạ bệ Thủ tướng Bangladesh

Bà Sheikh Hasina ở Paris, Pháp hồi tháng 11/2021. Ảnh: AP

Ngày 5/8, hàng nghìn sinh viên từ thành phố lân cận Gazipur bất chấp thiết quân luật tiến về trung tâm Dhaka, khiến tình hình leo thang. Quân đội Bangladesh cho Thủ tướng Hasina 45 phút để rời khỏi đất nước, India Today dẫn các nguồn tin cho hay.

Hasina muốn truyền tải thông điệp tới người dân cả nước trước khi từ chức và rời khỏi đất nước, nhưng quân đội không cho phép bà làm như vậy. Theo nguồn tin, quân đội chia làm hai phe, một bên ủng bộ bà Hasina và bên còn lại, gồm các sĩ quan trẻ và khoảng 60 sĩ quan đã về hưu, phản đối bà.

Sau khi bà Hasina rời đi, người biểu tình phá cổng, tràn vào Phủ Thủ tướng ở thủ đô. Trong bài phát biểu trên truyền hình sau đó, Tư lệnh quân đội Bangladesh Waker-uz-Zamam thông báo tiếp quản tình hình và kêu gọi người dân giữ vững niềm tin vào quân đội.

Quân đội đã đề nghị Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin, vị trí chủ yếu mang tính nghi lễ, thành lập chính phủ mới. Các thủ lĩnh biểu tình cũng ra tối hậu thư, yêu cầu quốc hội giải tán vào chiều nay. Tổng thống Shahabuddin sau đó thông báo giải tán quốc hội, mở đường cho tổng tuyển cử.

Tướng Waker-uz-Zaman cam kết sẽ điều tra các đợt trấn áp biểu tình, kêu gọi các bên bình tĩnh trong thời gian thiết lập chính phủ mới.

“Hãy tin vào quân đội. Chúng tôi sẽ điều tra và trừng phạt những người chịu trách nhiệm”, ông nói. “Tôi đã ra lệnh cấm quân đội và cảnh sát không nổ súng dưới bất kỳ hình thức nào. Giờ đây, trách nhiệm của sinh viên là bình tĩnh và hỗ trợ chúng tôi”.

Như Tâm (Theo WP, AP, Reuters)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây