Trang chủ Quốc tế Nguồn cơn sóng bạo loạn bao trùm khắp nước Anh

Nguồn cơn sóng bạo loạn bao trùm khắp nước Anh

13
0

Làn sóng bài Hồi giáo đã cháy âm ỉ tại Anh từ lâu và chỉ một tin đồn, dù sai, liên quan đến chủ đề này cũng đủ kích động làn sóng bạo loạn.

Anh đang đối mặt với làn sóng bạo loạn tồi tệ nhất kể từ năm 2011, khi hàng loạt cuộc biểu tình và đụng độ giữa người cực hữu phản đối nhập cư với cảnh sát nổ ra trong những ngày gần đây ở nhiều thành phố, thị trấn trên khắp đất nước.

“Tình trạng bạo lực đang lan tràn khắp các thành phố chủ chốt và thị trấn lớn”, Tiffany Lynch, phó chủ tịch Liên đoàn Cảnh sát Anh và xứ Wales, cho biết.

Nguồn cơn sóng bạo loạn bao trùm khắp nước Anh

Cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở Bolton, Anh, hôm 4/8. Ảnh: Reuters

Các cuộc bạo loạn này bắt nguồn từ tin đồn thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội sau sự việc ba bé gái bị đâm chết tại một lớp học múa ở Southport hôm 29/7. Cảnh sát Anh bắt được nghi phạm tại hiện trường, nhưng không công bố danh tính do người này chưa thành niên.

Các bài đăng trên mạng xã hội sau vụ đâm dao đều cho hay kẻ tấn công là Ali Al-Shakati, người tị nạn Hồi giáo đến Anh bằng thuyền năm ngoái và nằm trong danh sách theo dõi của cơ quan tình báo MI6.

Thông tin giả này lan truyền nhanh đến mức cảnh sát Anh buộc phải phá lệ, công bố danh tính nghi phạm. Đó là Axel Rudakubana, 17 tuổi, sinh ra tại Cardiff, Anh và sống gần thành phố Southport. Cảnh sát chưa công bố động cơ của nghi phạm, nhưng cho hay đây không phải vụ tấn công khủng bố.

Dù vậy, những lời đồn đại vẫn không dừng lại, châm ngòi cho cuộc bạo loạn ở Southport vào ngày 30/7, trước cả khi gia đình, bạn bè của những đứa trẻ kịp đau buồn.

Hơn 200 người đổ về Southport, nhiều người đi tàu từ những nơi khác ở Anh đến thành phố để tưởng niệm ba nạn nhân thiệt mạng. Trong lúc một số người đặt hoa, đồ chơi gần hiện trường vụ án, đám đông quá khích hô vang “chúng tôi muốn đất nước quay lại như cũ” rồi tấn công một nhà thờ Hồi giáo.

Họ đập phá xe cảnh sát, ném gạch đá vào các sĩ quan, khiến hơn 50 nhân viên công vụ bị thương, trở thành mồi lửa đầu tiên trong làn sóng bạo loạn.

Đến đêm 31/7, một cuộc biểu tình cực hữu khác đã châm ngòi cho các cuộc đụng độ giữa đám đông quá khích với cảnh sát ở trung tâm London, khiến hơn 100 người bị bắt. Các cuộc biểu tình hỗn loạn với quy mô nhỏ hơn cũng nổ ra ở Hartlepool, đông bắc Anh, thành phố Manchester và Aldershot, thị trấn đông nam London.

Đêm 2/8, cảnh sát Northumbria cho hay họ đã “phải đối mặt với bạo lực nghiêm trọng” khi những người biểu tình cực hữu đốt phá và tấn công các sĩ quan ở thành phố phía đông bắc Sunderland.

Đến 3/8, biểu tình bạo lực tiếp tục lan sang các thành phố Hull, Leeds, Manchester, Nottingham và Stoke-on-Trent, cũng như Belfast, Bắc Ireland. Tại Liverpool, cảnh sát cho biết hơn 300 người đã tham gia vào “cuộc nổi loạn bạo lực” trong đêm cùng ngày, cướp phá các cửa hàng, doanh nghiệp, khiến hai cảnh sát nhập viện.

Theo giới chuyên gia, ngoài thông tin sai lệch trên mạng, tình trạng bạo loạn bị thúc đẩy chủ yếu bởi các nhóm cực hữu. Sự tham gia của những người theo chủ nghĩa tân Quốc xã, fan bóng đá bạo lực, người vận động chống Hồi giáo và lời lẽ kích động từ những người có ảnh hưởng trực tuyến đã khiến tình trạng bất ổn càng trở nên trầm trọng.

David Miles, thành viên nổi bật trong nhóm ủng hộ phát xít Lựa chọn Yêu nước, đã chia sẻ những bức ảnh ông ta ở Southport, theo Hope Not Hate, nhóm vận động chuyên nghiên cứu các tổ chức cực đoan tại Anh.

Những kẻ kích động cực hữu khác liên tục lan truyền thông tin về cuộc biểu tình trên mạng xã hội, trong đó có nhóm tân Quốc xã Phong trào Anh. Hình ảnh từ các cuộc biểu tình cho thấy một số người tham gia có hình xăm phát xít.

Sau vụ hỗn loạn ở Southport, cảnh sát cho biết những người ủng hộ Liên đoàn Phòng vệ Anh cũng tham gia. Đây là nhóm cực hữu thường tổ chức biểu tình bạo lực chống đối Hồi giáo tại Anh. Các cuộc bạo loạn còn thu hút cả những người theo chủ nghĩa hooligan, vốn từ lâu đã chồng chéo với các phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Anh.

Thủ tướng Keir Starmer tuyên bố sẽ triển khai thêm cảnh sát để trấn áp tình trạng bạo loạn. “Đây không phải một cuộc biểu tình vượt tầm kiểm soát”, ông nói hôm 1/8. “Đây là một nhóm cá nhân hoàn toàn có ý định bạo lực”.

Tổ chức nghiên cứu về bình đẳng chủng tộc và quyền công dân Runnymede Trust cảnh báo “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bạo lực này từ lâu đã cháy âm ỉ” trong xã hội Anh.

“Những gì đang diễn ra là kết quả trực tiếp của nhiều năm tình trạng phân biệt chủng tộc và kỳ thị Hồi giáo được giới chính trị gia Anh cũng như truyền thông coi là điều bình thường”, người phát ngôn từ Runnymede Trust lưu ý.

Trên thực tế, làn sóng bài trừ Hồi giáo trong những năm qua đã gia tăng nhanh chóng tại Anh. Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ, tội phạm thù hận về chủng tộc và tôn giáo đang đứng ở mức cao, trong đó Hồi giáo là nhóm tôn giáo bị nhắm tới nhiều nhất.

Một báo cáo được công bố năm 2023 cho thấy các sự việc bạo lực liên quan đến Hồi giáo đã tăng gấp đôi trên khắp nước Anh trong giai đoạn 2012-2022, với những lý do như hoạt động cực hữu gia tăng hay các cuộc tấn công chống Hồi giáo trên toàn cầu.

Tuy nhiên, chính phủ Anh được cho là không áp dụng các chính sách quyết liệt để giải quyết tình trạng này. Gần đây, người ta phát hiện AMHWG, nhóm chuyên trách của chính phủ chống thù hận nhằm vào người Hồi giáo, đã “dừng hoạt động” hơn 4 năm, kể từ năm 2020, bất chấp những lời hứa hẹn liên tục từ giới chức và tình trạng gia tăng tội phạm thù ghét trong xã hội.

Chiến lược giải quyết nạn kỳ thị Hồi giáo của chính phủ Công đảng mới vẫn chưa rõ ràng và Thủ tướng Keir Starmer đã bị chỉ trích vì không kết nối tích cực với cộng đồng Hồi giáo sau khi bạo loạn nổ ra.

Viết trên mạng xã hội X, Hiệp hội Hồi giáo Anh nói rằng trong bối cảnh người Hồi giáo đang bị tấn công, chính quyền Starmer vẫn chưa có ý định gặp họ, dù họ là cơ quan lớn nhất đại diện cho người Hồi giáo của đất nước.

Tờ Independent tiết lộ một nhóm chính trị Hồi giáo đã bị “công kích” bằng những lời lăng mạ phân biệt chủng tộc và đe dọa bạo lực trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7, khiến họ phải báo cáo với cảnh sát.

Hồi tháng 3, nhiều người Hồi giáo ở Anh cho hay họ rất sợ hãi khi phải ra khỏi nhà khi trời tối, vì số liệu mới từ Nhóm Ứng phó Nạn kỳ thị Hồi giáo (IRU), trụ sở tại London, cho thấy số vụ bạo lực liên quan đến phân biệt đối xử với người Hồi giáo đã tăng vọt 365% kể từ khi xung đột Israel – Hamas nổ ra ở Dải Gaza tháng 10 năm ngoái.

Trước tình trạng bất ổn, Qari Asim, chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quốc gia về Nhà thờ Hồi giáo và giáo sĩ Hồi giáo, cho biết người Hồi giáo trên khắp cả nước “vô cùng lo lắng và bất an về những cuộc bạo loạn do các nhóm cực hữu tiến hành”.

“Mối đe dọa và bạo lực này là hệ quả tất yếu, tàn khốc của tình trạng kỳ thị Hồi giáo đang gia tăng trên mạng xã hội, một số phương tiện truyền thông chính thống và bởi một số lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy”, ông nói.

Sau khi xem xét hơn 10.000 bài viết và clip trên mạng xã hội liên quan đến người Hồi giáo năm 2018, Trung tâm Giám sát Truyền thông (CfMM) thuộc Hội đồng Hồi giáo Anh năm 2021 công bố báo cáo cho thấy 59% số bài viết quy kết người Hồi giáo có hành vi tiêu cực, hơn 1/3 số bài viết cho rằng Hồi giáo gắn liền với chủ nghĩa khủng bố.

Nguồn cơn sóng bạo loạn bao trùm khắp nước Anh

Cảnh sát đụng độ với người biểu tình chống nhập cư bất hợp pháp tại London, Anh, hôm 31/7. Ảnh: Reuters

Joe Mulhall, giám đốc nghiên cứu của Hope Not Hate, cho rằng mạng xã hội và sự phát triển của công nghệ đã cung cấp “những cách thức mới” để các nhóm cực hữu tổ chức hoạt động và mở rộng ảnh hưởng.

Theo các nhà vận động chính trị, những phát ngôn từ các chính trị gia cũng góp phần khiến làn sóng chống Hồi giáo tăng nhiệt.

Hồi đầu năm, nghị sĩ đảng Bảo thủ Lee Anderson cho rằng Thị trưởng London Sadiq Khan, người theo đạo Hồi, bị “kiểm soát” bởi “những người Hồi giáo”. Anderson sau đó đã khai trừ khỏi đảng Bảo thủ vì phát biểu này.

Mặc dù vậy, Anderson vẫn không tỏ ra hối hận về những lời nói của mình. Anderson chuyển sang đảng Tái thiết nước Anh và khẳng định “hầu hết công chúng đều đồng tình với ông”.

Cảnh sát Anh có thể gặp rất nhiều khó khăn khi đối phó với đám đông tụ tập trong vòng vài giờ thông qua các ứng dụng nhắn tin. Theo giáo sư Matthew Feldman, chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan cánh hữu, “cảnh sát hiện vẫn tư duy theo cách của thế kỷ 20, rằng những cuộc biểu tình như vậy phải mất vài ngày mới có thể thành hình và được cấp phép”.

Bạo loạn Southport “gần như là một cuộc biểu tình chớp nhoáng” và là hồi chuông cảnh tỉnh với chính phủ Anh về tình trạng kỳ thị Hồi giáo đang nở rộ trong phong trào cựu hữu tại nước này, ông nhấn mạnh.

Vũ Hoàng (Theo Independent, AFP, Reuters)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây