Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, chiều 22/5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho rằng, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định.
Cấm tuyệt đối nồng độ cồn như dự thảo luật là hợp lý
“Với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn thì người dân không uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nếu quy định có ngưỡng nhất định thì người dân khó xác định uống bao nhiêu, nhất là khi uống vào khó làm chủ bản thân và bị vượt ngưỡng. Hơn nữa quy định này đã dần đi vào cuộc sống, nhiều người dân đã từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”, nữ đại biểu phân tích và bày tỏ thống nhất với quy định của dự thảo luật.
ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương thảo luận tại hội trường.
Đồng quan điểm, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) dẫn Báo cáo số 49 ngày 28/2/2023 của Chính phủ về giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH khoá XIV và một số chuyên gia tại TP Hồ Chí Minh đã nghiên cứu thực trạng giao thông ở Việt Nam cho thấy, từ 2009-2013, chúng ta có hơn 379.000 vụ TNGT, chết trên 142.000 người; bị thương 367.000 người. Trong đó, bình quân 9.000 người chết vì TNGT/năm, hơn 30.000 người bị thương/năm. Đặc biệt, 90% các vụ TNGT xảy ra do nguyên nhân chính của ý thức người tham gia giao thông. Hậu quả, 70% người thiệt mạng là trụ cột kinh tế gia đình, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đồng thời, TNGT sẽ ảnh hưởng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thiệt hại tương đương 2,9% GDP hàng năm, tương đương 400.000 tỷ đồng/năm. So với khu vực, năm 2009, tỷ lệ chết vì TNGT ở Việt Nam là 31 người/100.000 người dân, trong khi Singapore là 2 người/100.000 người dân năm 2022; Indonesia là hơn 1 người/100.000 người dân, mà dân số của họ là hơn 275 triệu dân…
ĐBQH Tạ Văn Hạ thảo luận tại hội trường.
“Hiến pháp quy định mọi người có quyền sống, tính mạng của con người phải được bảo hộ, không ai có quyền tước đoạt tính mạng trái pháp luật. Điều 20 cũng quy định mỗi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, do vậy, chúng ta với tinh thần vì tính mạng của con người, phòng là chính thì nên theo tinh thần cấm tuyệt đối nồng độ cồn như dự thảo Luật TTATGT là hợp lý”, ông nhấn mạnh.
“Một bộ phận người dân nể nang nhau hơn là tôn trọng pháp luật”
Quan tâm đến quy định nồng độ cồn khi lái xe trong dự thảo Luật TTATGT đường bộ lần này, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, trong phiên thảo luận tổ, ông từng đề nghị không nên quy định cứng nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe, vì cho rằng chúng ta nên quy định cùng xu hướng của các nước trên thế giới. “Nhưng mới đây, khi tham gia tiệc cưới ở quê nhà, tôi thấy việc cấm nồng độ cồn bằng 0 lại đúng. Vì một bộ phận người dân vẫn còn nể nang nhau hơn là tôn trọng pháp luật”, ông lý giải.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân.
Về hai luồng ý kiến khác nhau liên quan đến quy định nồng độ cồn bằng 0, ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục để luật thông qua sẽ thấu tình đạt lý, nghiêm minh, khách quan, đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân. Bởi, Luật TTATGT đường bộ sẽ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng văn hóa, văn minh giao thông, đồng thời giúp cho lực lượng CAND thực hiện tốt hơn nữa vai trò đảm bảo trật tự trị an, góp phần giúp cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Bày tỏ thống nhất với quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật định lượng ethanol máu, có quy định cụ thể về diễn giải kết quả và giá trị tham chiếu đối với những trường hợp tham gia giao thông cần định lượng nồng độ cồn. Trong nhận định kết quả, cần có quy định đối với trường hợp dưới ngưỡng phát hiện của máy xét nghiệm nhưng cao hơn 0 để phân biệt các trường hợp bình thường không uống rượu vẫn có nồng độ cồn trong máu.
ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cơ bản nhất trí với quy định trên, nhằm mục đích phòng ngừa, làm giảm TNGT, giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển, người tham gia giao thông, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình và toàn xã hội.
ĐBQH Trần Văn Tuấn.
Tuy nhiên, ông đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Khoản 2, Điều 10 của dự thảo Luật TTATGT đường bộ về hành vi bị nghiêm cấm như sau: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trừ trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hoá nồng độ cồn nội sinh”. Đồng thời, bổ sung quy định trong luật về việc giao Chính phủ quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; nhằm tránh việc xử lý oan sai đối với các trường hợp này.
20% số người chết, bị thương vì TNGT đường bộ liên quan rượu bia
Thay mặt Cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới trân trọng cảm ơn các ý kiến của ĐBQH đã góp phần hoàn chỉnh dự án luật này; các ý kiến cơ bản đồng ý và đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cũng như dự thảo luật đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý. Tuy nhiên, đại biểu cũng đã bổ sung nhiều ý kiến quan trọng về giải thích từ ngữ, góp ý kỹ thuật văn bản pháp luật…
“Chúng tôi xin ghi nhận tất cả ý kiến, sẽ phối hợp Cơ quan soạn thảo tham mưu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình thấu đáo, đầy đủ, báo cáo Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua dự án luật”, Chủ nhiệm UBQPAN khẳng định.
ĐBQH Mai Văn Hải.
Thông tin thêm về quy định cấm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, ông cho biết, theo Báo cáo của Bộ Công an, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì TNGT đường bộ liên quan rượu bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do TNGT đường bộ gây ra. Trong đó, 80% do lỗi người điều khiển phương tiện giao thông đã sử dụng rượu bia gây ra.
“Theo thống kê điều tra xã hội học đối với 43.765 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, có 22.242 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu bia, chiếm 51,28%, đối với 7 nhóm tội danh như: giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, Chủ nhiệm UBQPAN dẫn chứng.
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới phát biểu giải trình, tiếp thu thêm tại phiên thảo luận.
Về Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2018 đến hết năm 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh do TNGT đường bộ gây ra là hơn 2,7 triệu lượt người; số nạn nhân bị chấn thương sọ não là hơn 381.269 người, chiếm 13,9%. Số nạn nhân liên quan đến rượu bia là 425.619 người; số nạn nhân bị chấn thương sọ não là hơn 70.000 lượt người, chiếm 16,6%.
“Như vậy, tỷ lệ lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não vì TNGT đường bộ do có liên quan đến rượu bia tỷ lệ cao hơn số lượng nạn nhân bị chấn thương sọ não nói chung. Đây là số liệu mới nhất, chúng tôi đã gửi thông tin này để ĐBQH tham khảo. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp Cơ quan soạn thảo, cơ quan chyên môn tiếp tục khảo sát, thu thập tư liệu, đánh giá thêm” – Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới khẳng định.
Đại biểu Quốc hội ủng hộ bổ sung quy định tính điểm giấy phép lái xe, đấu giá biển số xe
Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng ủng hộ một số nội dung mới của dự thảo Luật TTATGT đường bộ như quy định tính điểm giấy phép lái xe, đấu giá biển số xe… ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hoá) đánh giá, quy định về điểm trừ và trừ điểm giấy phép lái xe là quy định mới, một biện pháp quản lý nhà nước vừa đảm bảo tính răn đe, vừa đảm bảo tính giáo dục. Người lái xe vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm.
“Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. Qua đó đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp. Đồng thời, các quy định về điểm và điểm trừ của giấy phép lái xe cũng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ứng dụng, chuyển đổi số trong công tác đảm bảo TTATGT trong tình hình hiện nay”, ông phân tích.
Về đấu giá biển số xe, ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) thống nhất việc bổ sung một điều vào dự thảo Luật TTATGT đường bộ về đấu giá biển số xe, đồng thời đề nghị bổ sung cụm từ “theo Luật Đấu giá tài sản tại khoản 9, Điều 38 dự thảo luật” thành “Chính phủ quy định chi tiết điều này, quy định trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe theo Luật Đấu giá tài sản”. ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cũng thống nhất và cho rằng, nếu đấu giá biển số xe máy chỉ 5 triệu đồng thì nhiều người dân tham gia, đồng thời đề nghị nghiên cứu thủ tục đơn giản, gọn nhẹ hơn so với đấu giá biển số xe ô tô…
Nguồn: Báo Công an nhân dân