Nhà Trắng cho rằng “ICC không có thẩm quyền xét xử vụ việc và đang làm suy yếu uy tín của chính tổ chức này”, trong khi lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đe dọa sẽ trừng phạt ICC vì các lệnh trên.Trưởng công tố của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) Karim Khan trong cuộc họp báo ở Bogota, Colombia ngày 25/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ The Hill ngày 21/5, các quan chức Mỹ đã phản ứng dữ dội sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đệ trình lệnh bắt giữ hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Israel liên quan đến cuộc chiến ở Gaza, một động thái mà Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng chỉ trích vì “đánh đồng hành vi” của Israel với vụ tấn công ngày 7/10 năm ngoái của Hamas.
Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ ôn hòa đã đoàn kết với các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội để chỉ trích ICC ngay sau thông báo hôm 20/5 rằng lệnh bắt giữ đã được đưa ra đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, cùng với ba quan chức hàng đầu của Hamas.
Họ cho rằng “ICC không có thẩm quyền xét xử vụ việc và đang làm suy yếu uy tín của chính tổ chức này”, trong khi các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đe dọa sẽ trừng phạt ICC vì các lệnh trên.
Thượng nghị sĩ James E. Risch, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết ICC đã đưa ra “sự tương đương sai lầm về mặt đạo đức” khi ban hành lệnh bắt giữ nhắm vào cả Hamas và Israel.
“Quyết định của ICC hôm nay thật vô lý. ICC, giống như phần còn lại của cộng đồng quốc tế, tiếp tục bị ám ảnh bởi việc nhắm mục tiêu vào Israel. Các hành động mới trên đã làm tổn hại đến uy tín của tổ chức và gây tổn hại nghiêm trọng đến các nỗ lực giải trình trách nhiệm hợp pháp”.
Nhà Trắng cũng chỉ trích ICC về lệnh bắt giữ, trong đó Tổng thống Biden gọi đó là hành động “thái quá” trong một tuyên bố và phản đối việc đánh đồng giữa Hamas và Israel.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên rằng mặc dù có quá nhiều thương vong ở Gaza nhưng quân đội Israel “không cố ý nhắm vào dân thường”.
Nhưng công tố viên hàng đầu của ICC, Karim Khan, đã bác bỏ những lời chỉ trích trong cuộc phỏng vấn với CNN, lưu ý rằng ông đã chỉ định một hội đồng độc lập gồm các chuyên gia luật quốc tế để xem xét quy trình ra lệnh bắt giữ. Ông Khan cho biết Israel có quyền tự vệ nhưng vẫn phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế vì không quốc gia nào có “ngoại lệ”.
Israel không phải là thành viên của ICC nhưng tòa này công nhận Palestine là thành viên. Palestine tuy không có quốc gia chính thức nhưng đã được Liên hợp quốc công nhận. Tư cách thành viên của Palestine trong ICC có thể cho phép trao quyền tài phán trong tranh chấp vì các vùng lãnh thổ ở Gaza và Bờ Tây có liên quan đến cuộc xung đột.
Richard Wilson, Giáo sư trường luật thuộc Đại học Connecticut và là chuyên gia về nhân quyền quốc tế và tòa án quốc tế, cho biết ông Khan là người “rất có kinh nghiệm”, đồng thời từng là luật sư bào chữa giỏi.
Lệnh bắt giữ của ICC cũng khiến Israel phản ứng ngay lập tức. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Israel Katz gọi đây là một nỗ lực nhằm “khoá tay Israel và ngăn cản nước này thực hiện quyền tự vệ”. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói thêm trong tuyên bố của mình: “Tôi phản đối sự so sánh của ICC giữa Israel và Hamas”.
Hamas cũng phản đối ICC trong một tuyên bố vì điều mà họ cho là nỗ lực “đánh đồng nạn nhân với kẻ hành quyết” mà không có cơ sở pháp lý, cho rằng họ có quyền “chống lại sự chiếm đóng dưới mọi hình thức, bao gồm cả phản kháng vũ trang”.
Lệnh bắt giữ đối với các lãnh đạo hàng đầu của Israel có thể sẽ làm phức tạp thêm căng thẳng trong nước ở Mỹ khi các cuộc biểu tình phản đối sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc chiến của Israel chống Hamas tiếp tục gây chấn động đất nước. Lệnh bắt giữ cũng được đưa ra sau một phát hiện của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi đầu tháng này rằng việc Israel đã vi phạm luật nhân đạo quốc tế với vũ khí của Mỹ là “hợp lý”, mặc dù Bộ này không đưa ra kết luận cuối cùng vì những hạn chế trong việc xem xét các sự cố cụ thể.
Vũ Thanh/Báo Tin tức