Tổng thống Raisi tử nạn trong vụ rơi trực thăng có thể khiến tình hình chính trị Iran thêm phức tạp, khi Tehran đang đương đầu nhiều áp lực cả trong và ngoài nước.
Sau nhiều giờ tìm kiếm liên tục, lực lượng cứu hộ Iran ngày 20/5 thông báo đã tìm thấy xác trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi cùng Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian và một số quan chức, cận vệ tại rừng Dizmar, nằm giữa hai thành phố Varzaqan và Jolfa, tỉnh Đông Azerbaijan. Toàn bộ 9 người trên khoang được xác định là đã thiệt mạng.
Trong phiên họp bất thường của chính phủ Iran hôm nay, ghế ngồi của ông Raisi được phủ dải băng đen, trên bàn là ảnh chân dung của ông. Do ông Raisi thiệt mạng khi đang tại nhiệm, Phó tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber, 69 tuổi, sẽ trở thành tổng thống tạm quyền.
Cái chết của ông Raisi cũng đẩy nền chính trị Iran vào tình thế khó khăn, khi họ phải tổ chức bầu tổng thống mới, trong bối cảnh đối mặt nhiều sức ép cả bên trong lẫn bên ngoài giữa tình hình khu vực nhiều bất ổn.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại cuộc họp báo ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/1. Ảnh: AFP
Theo quy định trong hiến pháp Iran, hội đồng các lãnh đạo hành pháp, lập pháp và tư pháp, gồm phó tổng thống thứ nhất, chủ tịch quốc hội và bộ trưởng tư pháp, sẽ phải tổ chức cuộc bầu cử đặc biệt để bầu tổng thống mới trong vòng 50 ngày. Đây là tình huống chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Cộng hòa Hồi giáo Iran, quốc gia được thành lập sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Tổng thống Iran là người đứng đầu bộ máy hành chính, nhưng không có toàn quyền đối với chính sách đối ngoại, lực lượng vũ trang, hay chính sách hạt nhân của nước này. Các quyền lực trên thuộc về Lãnh tụ Tối cao Iran, hiện là ông Ali Khamenei, 85 tuổi.
Nếu tổ chức cuộc bầu cử mới trong 50 ngày tới, Iran sẽ đối mặt với rất nhiều biến số, trong bối cảnh dư luận nước này đang chia rẽ sau hàng loạt cuộc biểu tình chống chính phủ liên quan tới cái chết của Mahsa Amini, phụ nữ 22 tuổi bị cảnh sát đạo đức bắt với cáo buộc vi phạm quy định nghiêm ngặt về trang phục đối với phụ nữ Hồi giáo năm 2022.
Giới chức Iran gọi các cuộc biểu tình là “bạo loạn” và cáo buộc những “kẻ thù bên ngoài” kích động tình trạng bất ổn. Ông Raisi đã phản ứng mạnh tay để ổn định tình hình, nhưng cũng khiến hàng trăm người thiệt mạng và nhiều người bị thương, cùng hàng nghìn người bị bắt, theo các nhóm nhân quyền. Số phụ nữ không tuân thủ quy định cũng gia tăng sau sự kiện.
Nền kinh tế Iran cũng đang gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến xã hội Iran xuất hiện một số nỗi bất bình với chính sách của chính phủ.
Nỗi bất bình đó được cho là lý do chỉ 49% cử tri Iran đi bầu cử năm 2021, mức thấp nhất trong lịch sử. Trong cuộc bầu cử này, ông Raisi đánh bại đối thủ Hassan Rouhani, tổng thống tiền nhiệm có đường lối tự do và chủ trương đàm phán với phương Tây.
Trong ba năm nhiệm kỳ, ông Raisi chưa thu hút thêm được sự ủng hộ từ người dân, Nahid Siamdoust, giáo sư nghiên cứu về Trung Đông tại Đại học Texas, Mỹ, nhận định. “Iran đang trải qua những năm khó khăn nhất về mặt chính trị và kinh tế kể từ sau cách mạng năm 1979”.
Về đối ngoại, quan hệ giữa Iran với Israel và các nước phương Tây đang trở nên căng thẳng, khi Tehran bị cáo buộc hậu thuẫn cho lực lượng Hamas ở Dải Gaza, cũng như các nhóm Hồi giáo vũ trang trong khu vực. Mỹ nhiều lần gây sức ép để Iran ngăn lực lượng Houthi ở Yemen phóng tên lửa, UAV vào tàu hàng đi qua Biển Đỏ nhưng chưa thành công.
Để tránh nguy cơ nền chính trị đất nước thêm rối ren vào thời điểm nhạy cảm, Lãnh tụ Tối cao Khamenei có thể giải quyết bằng cách trực tiếp chọn tân tổng thống, bỏ qua cuộc bầu cử được quy định trong hiến pháp.
“Ông Khamenei đưa ra mọi quyết định quan trọng tại Cộng hòa Hồi giáo Iran, Tổng thống chỉ thực hiện tầm nhìn của Lãnh tụ Tối cao”, Holly Dagres, chuyên gia về Iran tại Hội đồng Đại Tây Dương, một viện chính sách trụ sở Mỹ, nói với Telegraph. “Điều đó nghĩa là dù Tổng thống Raisi tử nạn, các chính sách đối nội và đối ngoại của Iran vẫn tiếp tục như hiện tại”.
Tuy nhiên, phương án này nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của phe đối lập, có thể khiến chính trị Iran rơi vào tình thế bất ổn, theo giới quan sát.
Về dài hạn, cái chết của ông Raisi cũng có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua mới trong chính trường Iran, bởi Tổng thống 63 tuổi này được coi là người kế nhiệm tiềm năng của Lãnh tụ Tối cao Khamenei. Giới quan sát cho rằng Tổng thống Iran là vị trí thử thách trước khi trở thành Lãnh tụ Tối cao kế nhiệm.
“Ông Raisi không còn, danh sách ứng viên rút gọn giờ đây còn ngắn hơn nữa”, Behnam Ben Taleblu, chuyên gia về an ninh Iran tại FDD, tổ chức phi lợi nhuận về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, trụ sở Mỹ, nói.
Nhà hoạt động vì quyền phụ nữ gốc Iran Masih Alinejad, hiện sống ở Mỹ, cho hay hiện Iran chưa có ứng viên rõ ràng nào để kế nhiệm ông Khamenei, điều sẽ làm tăng sự bất định trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao ở nước này.
Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei tại Tehran ngày 10/5. Ảnh: AFP
Nhiều video trên mạng xã hội cho thấy lực lượng an ninh Iran đã tăng cường hiện diện sau khi xuất hiện thông tin về tai nạn trực thăng chở ông Raisi, theo Kasra Aarabi, nhà nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận UANI, trụ sở ở Mỹ.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông đang ở mức cao, sau khi chiến sự Israel – Hamas bùng phát tháng 10/2023. Iran tháng trước còn lần đầu tiên trong lịch sử khai hỏa từ lãnh thổ để tấn công Israel, vượt “lằn ranh đỏ” tồn tại từ lâu giữa hai quốc gia vốn xem nhau là kẻ thù không đội trời chung.
Eric Lob, phó giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế, Đại học Florida, Mỹ, mô tả ông Raisi tử nạn là tổn thất lớn với Iran, buộc phe bảo thủ tại Tehran phải nỗ lực đoàn kết để đối phó áp lực trong và ngoài nước.
Theo ông Lob, dù cái chết của Tổng thống Raisi sẽ gây ra một số xáo trộn, nó sẽ không là một bước ngoặt lớn với nền chính trị Iran. “Tôi tin rằng Iran sẽ tiếp tục củng cố quan hệ với các đồng minh và theo đuổi những tính toán đối đầu với các đối thủ truyền thống ở phương Tây”, chuyên gia này nhận định.
Như Tâm (Theo Telegraph, Fox News, Conservation)