Trang chủ Quốc tế Thông điệp thay đổi của ông Putin trong 21 diễn văn Ngày...

Thông điệp thay đổi của ông Putin trong 21 diễn văn Ngày Chiến thắng

23
0

Trong 21 lần phát biểu Ngày Chiến thắng, Tổng thống Putin đã cho thấy ông ngày càng cứng rắn và quyết liệt hơn, khi mối quan hệ với phương Tây lao dốc.

Ngày Chiến thắng hàng năm của Nga vào 9/5 được coi là dịp lễ tưởng niệm long trọng với những người đã hy sinh vì tổ quốc. Đây cũng là cơ hội để các lãnh đạo Nga truyền tải thông điệp thúc đẩy chương trình nghị sự cũng như tầm nhìn của mình, khi phát biểu trước hàng nghìn quân nhân chuẩn bị duyệt binh, cũng như hàng triệu người Nga theo dõi trên truyền hình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn tận dụng cơ hội này. Năm nay, giữa Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva, ông đã thừa nhận đất nước “đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp khó khăn” khi cáo buộc phương Tây kích động xung đột toàn cầu, nhưng đồng thời khẳng định Nga sẵn sàng đối mặt bất kỳ mối đe dọa nào.

Thông điệp thay đổi của ông Putin trong 21 diễn văn Ngày Chiến thắng

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva, hôm 9/5. Ảnh: AFP

Đây là bài phát biểu lần thứ 21 của Putin trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, kể từ khi ông nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên năm 2000. Trừ 4 năm đảm nhận vị trí thủ tướng, ông Putin đã là nguyên thủ Nga trong suốt thời gian đó đến nay và vừa bắt đầu nhiệm kỳ thứ 5 hôm 7/5.

Trong những diễn văn Ngày Chiến thắng trước đây, ông Putin thường phát đi thông điệp đoàn kết đất nước dựa trên lịch sử hào hùng của Cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại đánh bại phát xít Đức. Trong hàng chục năm, ông luôn nhấn mạnh quyền bất khả xâm phạm của Nga, khẳng định điều này có được là nhờ tinh thần đoàn kết dân tộc.

Dù vậy, sau gần 1/4 thế kỷ kể từ bài phát biểu Ngày Chiến thắng đầu tiên, thông điệp của Tổng thống Putin đã có những thay đổi đáng chú ý, ngôn ngữ ngày càng trở nên cứng rắn hơn khi mối quan hệ với phương Tây xấu đi. Phân tích nội dung các bài phát biểu Ngày Chiến thắng từ năm 2000 cho thấy ông chỉ bắt đầu đề cập đến “phương Tây” vào năm 2022 và sử dụng nó từ đó đến nay.

“Chủ nghĩa phục thù, nhạo báng lịch sử, mong muốn biện minh cho những kẻ theo Đức Quốc xã hiện tại là một phần trong chính sách chung của giới tinh hoa phương Tây nhằm kích động ngày càng nhiều xung đột khu vực”, ông nói trong bài phát biểu năm nay, bắt đầu lễ duyệt binh thứ ba kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Chủ nghĩa phát xít, từng được nhắc đến như một yếu tố lịch sử trong các bài phát biểu trước đây của Tổng thống Putin, giờ đây xuất hiện nhiều hơn khi ông đề cập đến các sự kiện hiện tại, đặc biệt là chiến sự Ukraine.

“Chúng ta sẽ không để bất cứ ai đe dọa. Các lực lượng chiến lược của chúng ta luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu”, ông nói, lặp lại những tuyên bố hồi đầu tuần, khi ra lệnh cho quân đội tiến hành diễn tập hạt nhân chiến thuật để “đáp trả phương Tây”.

Trong ít nhất một bài phát biểu trước đây, Tổng thống Putin đã ca ngợi những nỗ lực chung của Liên Xô và phương Tây trong việc đánh bại Đức Quốc xã.

“Chúng ta chưa bao giờ phân biệt giữa thắng lợi của chúng ta và của những người khác”, ông phát biểu tại Quảng trường Đỏ vào năm 2005, khi tổng thống George W. Bush và phu nhân Laura ngồi sau lãnh đạo Điện Kremlin trong lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng. “Chúng ta sẽ luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của các đồng minh: Mỹ, Anh, Pháp, các quốc gia khác trong liên minh chống Hitler, những người chống phát xít Đức và Italy”.

Trong những năm tiếp theo, các quan chức nước ngoài được mời tham dự cuộc duyệt binh còn có cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và một số lãnh đạo châu Âu. Nhưng gần như tất cả các lãnh đạo phương Tây đã tẩy chay cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng của Nga kể từ năm 2015, một năm sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ.

Hôm 9/5, Tổng thống Putin đã cáo buộc phương Tây bóp méo sự thật về vai trò của Liên Xô trong Thế chiến II. “Ba năm dài và khó khăn đầu tiên của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Liên Xô và tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô đã chiến đấu gần như một chọi một với Đức Quốc xã”, ông tuyên bố.

Tổng thống Putin cũng tỏ ra ít chú ý hơn đến thông điệp hòa bình trong các bài phát biểu Ngày Chiến thắng và không đề cập đến nó liên tiếp hai năm qua.

Trong bài phát biểu đầu tiên, ông đã sử dụng từ “hòa bình” năm lần. Năm 2017, Putin nói về việc Nga sẵn sàng hợp tác với cộng đồng thế giới để “đấu tranh chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa phát xít mới và các mối đe dọa khác” cũng như mang lại “hòa bình trên hành tinh cho thế hệ tương lai”.

Năm 2020, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “có thể bảo vệ các giá trị hòa bình, chủ nghĩa nhân văn và công lý”.

Sau khi chiến sự bùng nổ, ông chủ Điện Kremlin đã tuyên bố các lãnh đạo Ukraine là những người theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phát xít mới. Ông cho rằng đây là thế lực mà Moskva phải ngăn chặn để “chặn đứng một cuộc diệt chủng chống lại người Nga và các công dân nói tiếng Nga tại Ukraine”. Kiev bác bỏ cáo buộc này.

Thông điệp thay đổi của ông Putin trong 21 diễn văn Ngày Chiến thắng

Khối quân nhân Nga duyệt binh ở Quảng trường Đỏ ngày 9/5. Ảnh: AFP

Ở Nga, không có từ ngữ nào xúc phạm hơn “Đức Quốc xã” hay “phát xít”, vì cả hai đều gợi lên những tổn thất to lớn mà Liên Xô phải gánh chịu trong Thế chiến II.

Trong duyệt binh năm 2022, gần ba tháng sau khi ra lệnh đưa quân vào Ukraine, Tổng thống Putin đã dành bài phát biểu ca ngợi những người lính Nga, nói rằng họ đang “chiến đấu cho đất mẹ, cho tương lai quê hương, để không ai quên những bài học của Thế chiến II, để không còn chỗ nào trên thế giới cho những kẻ tra tấn, sát thủ và phát xít”.

Năm nay, ông đề cập tới phát xít và chủ nghĩa phát xít 7 lần trong bài diễn văn.

So với những năm trước, buổi lễ trên Quảng trường Đỏ năm nay diễn ra với quy mô nhỏ hơn, hầu như không có màn trình diễn khí tài quân sự hoành tráng điển hình. Theo Bộ Quốc phòng Nga, hơn 9.000 quân nhân và 75 thiết bị quân sự cùng 15 máy bay đã tham gia lễ duyệt binh, nhưng không có xe tăng chiến đấu chủ lực nào.

Năm 2019, hơn 13.000 quân nhân tham gia sự kiện với 130 loại vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có các mẫu xe tăng chủ chốt của Nga như T-72, T-80, T-90 và xe tăng thế hệ mới T-14 Armata.

Trong duyệt binh Chiến thắng năm 2022, khi chiến sự ở Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, Nga phô diễn sức mạnh quân sự trên Quảng trường Đỏ với dàn xe cơ giới được dẫn đầu bởi xe tăng T-34, theo sau là hàng loạt xe tăng hiện đại, xe chiến đấu bộ binh và hệ thống tên lửa đạn đạo tầm xa Iskander.

Truyền thông nhà nước Nga lúc bấy giờ đưa tin hệ thống rocket phóng loạt Tornado-G cũng xuất hiện lần đầu tiên trước Điện Kremlin và có tới hơn 10.000 quân nhân diễu hành theo đội hình.

Hôm 9/5, khối cơ giới tham dự duyệt binh vẫn được dẫn đầu bởi một chiếc xe tăng T-34 của Liên Xô trong Thế chiến II, nhưng theo sau không còn là xe tăng, mà là các hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trang bị vũ khí nhiệt hạch R-24 Yars và hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Theo  VnExpress

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây