Theo Đại tá, PGS-TS Hoàng Văn Phai, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quân sự: Thực chất của “bất tuân dân sự” là thể hiện tư tưởng cực đoan vô chính phủ, chống lại nhà nước pháp quyền bằng các hành vi không tuân thủ, không phục tùng những điều luật đã được ban hành thông qua hình thức bất bạo động.
Năm 1849, Henry David Thoreau, nhà văn người Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “bất tuân dân sự”. Theo tư tưởng của ông, mỗi cá nhân hoặc nhóm người có thể không phục tùng nhà nước; thậm chí, có thể thực hành chống lại luật pháp của nhà nước bằng biện pháp hòa bình nếu cảm thấy những điều luật đó không phù hợp với bản thân họ. Điều đáng nói là, tư tưởng của một kẻ phạm tội vì không đóng thuế này, sau đó đã được nhiều thế lực phản động, chống đối “kế thừa” và sử dụng để tiến hành lật đổ chính quyền ở nhiều quốc gia. Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch cũng luôn lớn tiếng kêu gọi thực hiện phong trào “bất tuân dân sự” để chống đối chính quyền. Vậy “bất tuân dân sự” là gì? Âm mưu, thủ đoạn của chúng như thế nào? Và cần phải làm gì để phòng ngừa “bất tuân dân sự”? Phóng viên VOV trao đổi với Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Phai, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng).
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Phai
Phóng viên: Thưa ông, thuật ngữ “bất tuân dân sự” được xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1849 và vụ “bất tuân dân sự” sớm nhất được ghi nhận là vào năm 1919 do người Ai Cập tiến hành để chống lại sự chiếm đóng của người Anh. Thuật ngữ “bất tuân dân sự” cũng đã có nhiều người nghiên cứu và có cách giải thích khác nhau. Theo ông, chúng ta cần hiều về bản chất của cái gọi là “bất tuân dân sự” như thế nào?
Đại tá Hoàng Văn Phai: Chúng ta có thể hiểu thực chất của “bất tuân dân sự” là hoạt động công khai từ chối tuân theo một số luật lệ nhất định. “Bất tuân dân sự” thể hiện tư tưởng cực đoan, vô chính phủ, chống lại nhà nước pháp quyền bằng các hành vi không tuân thủ, không phục tùng những điều luật đã được ban hành thông qua hình thức bất bạo động. Trên thực tế, những hoạt động “bất tuân dân sự” những năm đầu của thế kỷ 21 thể hiện rõ nhất trong “Cách mạng hoa hồng” ở Gruria năm 2003, hay “Cách mạng cam” ở Ukraine năm 2004, “Mùa xuân Ả rập” ở các nước Trung Đông, Bắc Phi. Gần đây nhất, chúng ta thấy phong trào biểu tình nhằm lật đổ Chính phủ ở Venezuela và phong trào “Cách mạng dù” của sinh viên Hồng Kông (Trung Quốc), thì đều thể hiện rất rõ thủ đoạn “bất tuân dân sự”.
Phóng viên: Gần đây trên các trang mạng như Dân làm báo, Chân trời mới hay trang Việt ngữ của RFI, VOA.., một số đối tượng trong tổ chức phản động khủng bố Việt Tân đã đăng tải những lời kêu gọi “Bất tuân dân sự – con đường tự do cho Việt Nam”. Mục đích của “lời kêu gọi” này là gì, thưa ông?
Đại tá Hoàng Văn Phai: Bản chất thật sự của những quan điểm này là nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Trên thực tế thì chúng đã có một số vụ việc mà mang bóng dáng của bất tuân dân sự, và chúng đã triệt để lợi dụng những vấn đề về dân tộc, tôn giáo, các sự kiện, vụ việc hoặc là lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân trước những thông tin xuyên tạc của chúng. Từ đó chúng đẩy mạnh tuyên truyền, lôi kéo kích động nhân dân tuần hành, tụ tập, biểu tình, tạo dựng các phong trào phản kháng trong quần chúng. Mưu đồ của chúng là tập hợp lực lượng chống đối chính quyền, và khi mà mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm thì chúng sẵn sàng kêu gọi đấu tranh bất bạo động với bạo động để chống chính quyền, chuẩn bị cho các mục tiêu cao hơn. Ở nước ngoài thì các tổ chức phản động cũng đã mở nhiều lớp huấn luyện, hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm bất tuân dân sự cho các thành viên để đưa về Việt Nam. Và sử dụng các tổ chức xã hội dân sự để chỉ đạo, điều hành bất tuân dân sự để chống phá cách mạng Việt Nam.
Phóng viên: “Bất tuân dân sự” có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng tựu trung lại thì bản chất của nó là nhằm cổ súy cho những cuộc biểu tình, bạo loạn chống đối chính quyền. Nhưng không nhiều người có thể hiểu được bản chất thật sự của vấn đề này, thưa ông?
Đại tá Hoàng Văn Phai: Đúng như vậy, như trên đã trao đổi, “bất tuân dân sự” là một thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch, vì vậy việc vạch trần âm mưu “bất tuân dân sự” là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay. Theo chúng tôi thì việc làm này cần phải được tiến hành thường xuyên ở tất cả các cấp, các ngành, các lực lượng. Đặc biệt là các tổ chức đảng, chính quyền ở địa phương. Tuy nhiên, quá trình này phải được thực hiện với các nội dung, hình thức, biện pháp sát với thực tiễn của từng địa phương. Thực chất là gì, phải làm rõ được thủ đoạn “bất tuân dân sự”. Đây là hành động vi phạm pháp luật có chủ ý, thể hiện tư tưởng cực đoan vô chính phủ của cá nhân, tổ chức hay một nhóm người cụ thể. Qua đó giúp cho người dân hiểu rõ mình đang bị thế lực thù địch lợi dụng kích động, để chống phá Nhà nước và Nhân dân. Và trên thực tế hiện nay, nhiều người đang bị lợi dụng nhưng lại không biết là mình bị lợi dụng. Như vậy là họ vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch. Do đó, việc nâng cao tinh thần cảnh giác cho mọi người dân trước những lời kêu gọi “bất tuân dân sự” phải được tiến hành dưới mọi hình thức. Những lời kêu gọi “bất tuân dân sự” chỉ là một trong muôn vàn thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm phá hoại môi trường hòa bình ổn định của nhân dân ta.
Phóng viên: Điểm lại một số vụ việc thời gian qua, chúng ta thấy, các đối tượng xấu đã cố tình thúc đẩy hình thành các mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền, khi mâu thuẫn lên cực điểm, chúng sẵn sàng kêu gọi và bạo động để chống chính quyền, từ những bài học như vậy thì công tác phòng ngừa cần phải được tiến hành như thế nào, thưa Đại tá Hoàng Văn Phai?
Đại tá Hoàng Văn Phai: Chúng tôi nhận thấy là phải xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật cho mọi công dân, để làm sao mọi chủ trương, chính sách, pháp luật nhà nước đến được với người dân một cách cụ thể, gần gũi, dễ hiểu và dễ tuân thủ và chấp hành. Coi trọng tuyên truyền hướng dẫn để người dân nắm vững quy trình, phương pháp phản biện xã hội theo đúng pháp luật, nếu không thì dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng. Thứ hai, cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể phải kịp thời phát hiện và giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, không để vụ việc kéo dài . Khi mà xảy ra “bất tuân dân sự” thì vấn đề đặt ra ở đây cần phải hết sức tỉnh táo, nhận định đánh giá đúng mức độ, xác định rõ nguyên nhân, kiên trì khôn khéo, lấy biện pháp đối thoại, thuyết phục là chính và chú ý phân hóa lực lượng cốt cán cầm đầu với quần chúng bị dụ dỗ lôi kéo, phải xử lý nghiêm minh những đối tượng cốt cán cầm đầu, những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật và có biện pháp quản lý những đối tượng bị dụ dỗ lôi kéo.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông!
Trường Giang/Phát thanh Quân đội
Nguồn: VOV.vn