Đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Đó là khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” vào tháng 5/2021 nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy mà, trong thời gian vừa qua, với âm mưu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ ta, các thế lực thù địch chống phá đã đưa ra các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Trên trang Facebook Việt Tân đã đăng tải bài viết “Trụ sở chi cục thuế 7 tầng, xây dựng gần 60 tỷ đồng, đang bị bỏ trống vì không có lối vào, giống như con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa không có lối thoát”. Đó những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thiếu tính khoa học cần phải phê phán và loại bỏ.
Trên thực tế đây không phải là lần đầu tiên Việt Tân phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trước đó, cũng đã có nhiều bài viết của Việt Tân được đăng tải cho rằng Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội là đi ngược với sự phát triển của nhân loại, muốn phát triển thịnh vượng thì Việt Nam phải từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa. Rõ ràng, Việt Tân đã cố tình không hiểu, tìm đủ mọi cách, mượn gió bẻ măng để thực hiện âm mưu chống phá của mình. Phải khẳng định rằng, xã hội mà Việt Nam chúng ta hướng đến xây dựng là xã hội ưu việt, thực sự vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Ngay trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội…. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi
Thật vậy, xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhà nước Việt Nam phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hoà với lợi ích chính đáng của con người. Nước ta đã trải qua hàng nghìn năm đô hộ, và bị thực dân phương Tây hay chính là những nước tư bản bóc lột cùng kiệt khiến người dân khổ cực, lầm than. Vì thế chúng ta cần lựa chọn một con đường, tổ chức có sự công bằng và đảm bảo đời sống cho nhân dân.
Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Dù có lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng Đảng ta vẫn luôn khẳng định: “Đảng và Nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Chính nhờ sự kiên định đó mà dân tộc ta làm nên một cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, mở ra một thời đại mới cho dân tộc ta – thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chế độ xã hội do Nhân dân làm chủ.
Trong bài viết của mình, đồng chí Tổng Bí thư cũng chỉ rõ chủ nghĩa tư bản ngày càng “phơi bày những sự thật bất công” ngay trong chính nội tại của nó, chủ nghĩa tư bản “không hề đảm bảo để quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân – yếu tố cơ bản nhất của dân chủ”. Rõ ràng đây không phải là chế độ xã hội mà Nhân dân Việt Nam mong đợi. Nhân dân Việt Nam cần một xã hội “mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người…”. Đó chính là xã hội xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, có thể thấy rằng chủ nghĩa xã hội là con đường phù hợp nhất với mong muốn của nhân dân ta khi trải qua nhiều năm chiến tranh. Mỗi cá nhân cần luôn tỉnh táo để không bị lôi kéo, kích động; cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
THANH HÀ
Nguồn: Đấu trường Dân chủ