Tung tin để kêu oan cho đối tượng phạm tội chống phá Đảng, Nhà nước khi bị xử lý trước pháp luật đã trở thành chiêu trò quen thuộc của các “nhà dân chủ” giả hiệu và số đài, báo thiếu thiện chí với Việt Nam. Đây cũng là thời cơ để các đối tượng “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ ngành tư pháp và chế độ.
Thủ đoạn này được các đối tượng xưng danh dân chủ diễn đi diễn lại nhiều lần giống như một cái máy rập khuôn cùng chung kịch bản. Thế nhưng, dù các đối tượng đã giở đủ trò, rêu rao khắp các trang mạng xã hội để chính trị hóa vụ án với hy vọng vớt vát, tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận, song không đem lại kết quả, rốt cuộc chỉ là những màn tấu hài, tung hứng kệch cỡm.
Điển hình như vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Đặng Đăng Phước (SN 1963, trú phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột) về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo báo Đắk Lắk điện tử, ngày 06/6/2023, báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07/6/2023, đã đưa tin rõ về những vi phạm của Đặng Đăng Phước như sau: Từ năm 2012, Phước đã sử dụng mạng Internet để đăng tải, chia sẻ hơn 200 bài viết có nội dung công kích lãnh đạo cấp cao và chính quyền, xuyên tạc tình hình chính trị – xã hội trong nước; công khai thể hiện tư tưởng, quan điểm bất mãn, bôi nhọ, nói xấu lực lượng công an; lợi dụng các vấn đề đang được xã hội và cộng đồng mạng quan tâm để xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước.
Đúng là một trò hề mà các đối tượng thêu dệt trên mạng xã hội. Thực tế, hành động của Đặng Đăng Phước đã cho thấy rõ bản chất của một kẻ chống phá Nhà nước. Là một thầy giáo âm nhạc nhưng Đặng Đăng Phước đã không thực hiện đúng cái tâm của nghề, đào tạo và cho ra đời thế hệ học trò, những tương lai có vai trò quyết định tới sự phát triển của đất nước. Theo hồ sơ vụ án, do có tư tưởng tiêu cực, bất mãn nên từ năm 2012, Đặng Đăng Phước sử dụng internet đã đăng tải, chia sẻ các bài viết có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Các bài viết được đăng tải của Phước đã được nhiều đối tượng có tư tưởng chống chế độ, chống Nhà nước theo dõi, bình luận bôi nhọ, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, bịa đặt gây tư tưởng hoang mang trong nhân dân. Thế nhưng, qua ngòi bút, bình luận của những kẻ “miệng lưỡi không xương”, đối tượng đã được “phù phép” bởi những ngôn từ có cánh rồi trở thành công cụ để lôi kéo, bôi nhọ Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Đặng Đăng Phước 8 năm tù về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Phước là một thầy giáo âm nhạc nhưng đã vi phạm các quy định của ngành Giáo dục, trái với đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật. Các hành vi đó đã diễn ra trong một thời gian dài. Mặc dù, đã được các cơ quan, lực lượng chức năng nhiều lần mời làm việc để tuyên truyền, vận động, giải thích, nhắc nhở nhưng đối tượng không chấp hành. Đây là một bản án thích đáng cho một kẻ phản quốc.
Từ facebook cá nhân, các trang fanpage, youtube của các tổ chức phản động như “Chân trời mới Media”, Youtube “RFA Tiếng Việt” đã rầm rộ chia sẻ bài viết “tẩy trắng” tội danh cho bị cáo Phước với luận điệu mỉa mai kết luận của tòa án, thậm chí còn cho rằng “8 năm tù giam và 4 năm quản chế là một sự ấm ức”. Không những vậy, để “mượn gió bẻ măng”, bôi nhọ chế độ và ngành tư pháp Việt Nam. Đây là chiêu trò quen thuộc thể hiện sự lố bịch khi một mực tô vẽ đối tượng phạm tội chống phá Đảng, Nhà nước ở Việt Nam, coi bị cáo như “nhà hoạt động cải cách” để bao biện, kêu oan. Thực tiễn ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào, những đối tượng phạm tội chống phá Nhà nước đều phải được xử lý nghiêm minh. Chính vì vậy, sau những ngôn từ mĩ miều để tung hô, ca ngợi trong chiến dịch kêu oan cho đối tượng chống đối, dường như chỉ thấy ở đó một phản ứng gượng gạo nhằm cố tạo ra sự kiện pháp lý để hướng lái dư luận.
Không ai có thể đứng trên pháp luật. Dù anh là ai, người Việt Nam hay người nước ngoài đều phải tôn trọng pháp luật của nước sở tại.
TRẦN HẢI
Nguồn: Đấu trường Dân chủ