Trang chủ Luận bàn - Phản biện Không được phép lợi dụng để xuyên tạc vấn đề nhân quyền...

Không được phép lợi dụng để xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam

71
0

Trong tuần qua, trước sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sang thăm Việt Nam trong hai ngày 10, 11/9 tới các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài như VOA, RFA, Việt Tân liên tục đăng bài, tung tin về việc một nhóm đối tượng có tư tưởng thù địch với Việt Nam đang tìm cách gửi thư kêu gọi chính quyền Mỹ và trực tiếp là Tổng thống Joe Biden đưa vấn đề nhân quyền vào chương trình nghị sự với Việt Nam trong chuyến thăm tới; đồng thời gây sức ép để chính quyền Việt Nam thả tự do cho những tù nhân chính trị.

Không được phép lợi dụng để xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam

Đó là những hành động không thể chấp nhận được của những phần tử này, chúng đã xuyên tạc trắng trợn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam là quốc gia luôn luôn coi trọng vấn đề nhân quyền, luôn cố gắng bảo đảm ở mức cao nhất về “Độc lâp – Tự do – Hạnh phúc” cho nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân…

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã và đang hiện thực hóa những giá trị về quyền con người trên cơ sở tiếp nhận, kế thừa những quan điểm, giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người. Thực tiễn sinh động về sự nỗ lực, cố gắng thực hiện quyền công dân, quyền con người ở Việt Nam hiện nay là một sự phủ định đầy thuyết phục mọi luận điệu cho rằng Việt Nam không coi trọng quyền con người.

Theo Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được quy định tại chương II. Theo đó quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Như Khoản 1 Điều 14 Chương II Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ: “Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” và khoản 2, Điều 14 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Nhằm cụ thể hóa quy định này, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Ở Việt Nam, quyền con người không chỉ được quy định trong Hiến pháp, pháp luật mà còn được tích cực thực thi trên thực tế. Nhà nước ta đã ký hầu hết các công ước cốt lõi về quyền con người. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành. Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, trong đó có 7 công ước cơ bản. Trên lĩnh vực quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin; Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao trên thế giới. Các nền tảng số, mạng xã hội tạo nên những kênh, giao diện kết nối quan trọng để người dân tiếp cận thông tin, trao đổi và bày tỏ quan điểm của mình. Nhờ có tỷ lệ người dân người sử dụng Internet cao, chiếm khoảng 70% dân số nên Việt Nam ngày càng đạt được nhiều tiến bộ về quyền tiếp cận thông tin và quyền tham gia vào các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật đảm bảo công bằng, dân chủ.

Những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong chăm sóc, bảo đảm quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật. Trong đó, trẻ em ngày càng được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; tỷ lệ nữ giới được giáo dục ở mọi cấp tăng cao. Các chính sách đổi mới của Việt Nam đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Lao động nữ được quan tâm nhiều hơn trong thời kỳ thai sản và tuổi nghỉ hưu. Người khuyết tật được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để được học văn hóa, được ưu tiên bố trí việc làm…Trong vài năm qua, dù do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, cùng với đó là tác động của thiên tai, bão lụt tại nhiều địa phương nhưng mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”, “lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch” là xuyên suốt, nhất quán, được Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị thực hiện triệt để, hiệu quả. Những nỗ lực lớn của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đặc biệt, cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay của Đảng và Nhà nước ta một lần nữa khẳng định giá trị tiêu biểu của xã hội xã hội chủ nghĩa “là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hoà với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm.”

Như vậy, có thể nói Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang phấn đấu nỗ lực hết mình để bảo đảm quyền con người ngày một tốt hơn. Thực tiễn đời sống xã hội ở nước ta đã khẳng định điều đó, không có chỗ để những kẻ lợi dụng vấn đề “nhân quyền” rêu rao những điều phi lý và vô nghĩa nhằm xuyên tạc tình hình quyền con người ở Việt Nam.

BÁ. TUẤT

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây