Câu chuyện của hai thí sinh đạt điểm gần tuyệt đối cả 3 môn nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí và của nhiều người dân hiếu kỳ. Lợi dụng câu chuyện này, nhiều tổ chức, cá nhân vốn quen thói “chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam” đã liên tục có những bài viết xuyên tạc, bôi nhọ ngành giáo dục. Vậy thực chất vấn đề này như thế nào? Bạn đọc sẽ được hiểu rõ hơn trong bài viết này.
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu và giáo dục luôn nhận được sự quan tâm lớn từ xã hội. Do đó, đây cũng là lĩnh vực mà các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách xuyên tạc, thổi phồng một số hiện tượng tiêu cực, hạn chế trong ngành giáo dục, làm suy giảm niềm tin của người dân vào nền giáo dục nước nhà. Chẳng hạn, gần đây dựa vào việc hai thí sinh thủ khoa khối A00 (Toán, Lý, Hóa) không đỗ nguyện vọng một vào ngành khoa học máy tính của Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngay lập tức trên trang facebook Việt Tân đăng dòng trạng thái: “Vì sao thủ khoa toàn quốc đạt gần 30 điểm (thi 3 môn) mà vẫn trượt đại học”. Một câu hỏi lấp lửng, không thể hiện hết bản chất của vấn đề, từ đó chúng lèo lái hòng tạo sự hiểu lầm từ dư luận, gây ra sự hoài nghi và hoang mang trong xã hội về công tác tuyển sinh đại học trong năm 2023.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Nguyễn Mạnh Thắng, thí sinh ở Bắc Giang và Nguyễn Mạnh Hùng ở Hưng Yên là hai thí sinh có điểm cao nhất toàn quốc của tổ hợp A00, cùng đặt nguyện vọng 1 vào ngành Khoa học máy tính (IT1) của Đại học Bách khoa Hà Nội với tổng số điểm ba môn là 29,35 điểm. Tuy nhiên, ngành này lấy 29,42 điểm, cao nhất trong năm nay nên hai thí sinh này đã không trúng tuyển. Ngay khi thông tin được đăng tải, hẳn không chỉ người trong cuộc mà rất nhiều người biết chuyện cũng cảm thấy bất ngờ và hoang mang và cũng sẽ đặt ra sự hoài nghi nhất định. Lợi dụng sự hoài nghi đó của dư luận, trên trang facebook của Việt Tân, các phần tử cơ hội đua nhau phán xét, bàn luận, đưa ra suy xét thiển cận, thiếu hiểu biết khi chưa rõ gốc rễ của vấn đề nhằm bôi nhọ công tác giáo dục ở Việt Nam. Chúng đưa ra suy đoán rằng có sự tiêu cực trong quá trình thi cử, chạy điểm hay vì nhường chỗ cho con ông cháu cha… Đây đều là những luận điệu xuyên tạc nhằm dẫn dắt, lèo lái dư luận, tạo ra cái nhìn lệch lạc về công tác thi cử ở Việt Nam. Vậy thực tế sự việc này như thế nào chúng ta cần bình tĩnh suy xét cho thấu đáo.
Theo đề án tuyển sinh năm 2023, trường Đại học Bách khoa tuyển 7.985 sinh viên. Số chỉ tiêu này phân bổ tỷ lệ theo 3 phương thức: (1) Phương thức xét tuyển tài năng (xét tuyển thẳng); (2) Phương thức xét tuyển dựa theo kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy; (3) Phương thức xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023. Trong đó, ngành khoa học máy tính tuyển 300 sinh viên với cả 3 phương thức trên. Trước đó, Đại học Bách khoa đã tuyển được số lượng lớn sinh viên theo phương thức xét tuyển tài năng và dựa vào kỳ thi đánh giá tư duy, do vậy chỉ còn một phần chỉ tiêu để xét theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Như vậy, chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét này không nhiều, dẫn tới điểm xét tuyển cao. Hơn nữa, Đại học Bách khoa xét tuyển ngành Khoa học máy tính ưu tiên những thí sinh có điểm môn Toán cao hơn, vì thế, cách tính điểm chuẩn của ngành này khác với cách tính thông thường, đó là nhân đôi môn Toán. Như vậy, những thí sinh đạt điểm cao môn Toán sẽ có lợi thế hơn, cơ hội trúng tuyển cao hơn. Cụ thể, công thức tính điểm chuẩn của ngành Khoa học máy tính như sau: (Toán x 2 + Môn 2 + Môn 3) x 3/4 + Điểm ưu tiên. Ngành này chấp nhận tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh). Như vậy với số điểm của Thắng đạt được (Toán: 9,6; Vật lý: 9,75; Hóa: 10); còn Hùng đạt được (Toán: 9,6; Vật lý: 10; Hóa: 9,75), nếu tính theo công thức trên, điểm xét tuyển vào ngành Khoa học máy tính của Thắng và Hùng là 29,21, chưa tính ưu tiên khu vực. Nếu tính thêm điểm ưu tiên khu vực, Thắng được 29,24 điểm (điểm ưu tiên là 0,03); Hùng được 29,26 (điểm ưu tiên là 0,05) như vậy vẫn thấp hơn điểm trúng tuyển (29,42 điểm). Vì vậy, chuyện hai thủ khoa trượt nguyện vọng 1 là bình thường, không hề vô lý và hoàn toàn đúng với quy chế tuyển sinh của Nhà trường. Mặt khác, công thức tính điểm này đã rất rõ ràng, được nhà trường thông báo công khai từ trước, nên điều này hoàn toàn khách quan, công bằng với các thí sinh, không có chuyện nhường chỗ cho con ông cháu cha hay có sự tiêu cực ở đây như Việt Tân đang rêu rao để quy chụp, gây hiểu lầm cho cả hệ thống giáo dục.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia hiện nay đã thay đổi không còn như trước. Trước đây kỳ thi này là để xét công nhận tốt nghiệp và là căn cứ duy nhất để xét tuyển đại học. Thế nhưng, kỳ thi tốt nghiệp hiện nay mục tiêu số một là để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, trên cơ sở đó, các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào kết quả đó để tuyển sinh. Điều này hoàn toàn đúng quy định của Luật giáo dục đại học hiện hành là đã cho phép các trường được tự chủ, tự chủ đi cùng với trách nhiệm giải trình.
Nguyên tắc trong tuyển sinh là phải đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, đặc biệt là công bằng giữa các trường đại học và công bằng giữa các thí sinh. Các trường đại học sẽ đưa ra những quy định, cách thức tuyển sinh riêng để chọn được những sinh viên giỏi nhất, tài năng và phù hợp với ngành học nhất. Các quy định này đã được công khai từ trước nên hoàn toàn đảm bảo tính công bằng. Vì vậy, các thí sinh trước khi nộp nguyện vọng cần phải tìm hiểu kỹ yêu cầu tuyển sinh của từng trường, chọn trường, chọn ngành phù hợp với năng lực, thế mạnh của bản thân.
Việt Tân vẫn dùng “mưu hèn kế bẩn” để tung những thông tin thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn để dễ lấy lòng tin của mọi người, sau đó bẻ lái, dẫn dụ đến những nội dung xuyên tạc, bịa đặt theo chủ đích đen tối của chúng. Vì vậy, trước mỗi thông tin của chúng đưa ra, mỗi người dân cần bình tĩnh suy xét một cách toàn diện để hiểu đúng về bản chất vấn đề từ đó đấu tranh, phản bác lại các thông tin sai lệch không để bị lôi kéo bởi các thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch.
ĐINH. THẢO
Nguồn: Đấu trường Dân chủ