Với hàng loạt phát ngôn gây sốc của các hoa hậu, á hậu gần đây, công chúng đang hoang mang tự hỏi: “Rồi họ sẽ đem lại thông điệp gì tốt đẹp cho cộng đồng, đặc biệt với người trẻ Việt?”.
Hoa hậu Ý Nhi bật khóc nức nở, xin lỗi vì ‘vạ miệng’
Dư luận chưa hết sốc với status (dòng trạng thái cá nhân) của một á hậu ca ngợi phim “Barbie”, bộ phim vừa bị các cơ quan chức năng Việt Nam cấm chiếu vì liên quan đến đường lưỡi bò phi pháp; thì đã lại dậy sóng với phát ngôn của một hoa hậu mới đăng quang, khi cho rằng mình “trưởng thành” hơn các bạn cùng trang lứa vì đi thi và giành được danh hiệu hoa hậu.
Trước đó, cô gái này cũng đã làm xôn xao dư luận với câu nói mong bạn trai lâu năm phải thay đổi nhanh chóng, tiến bộ nhiều hơn để có thể theo kịp cô (?!)
Thật ra, từ xưa đến nay, chuyện các hoa hậu, á hậu lỡ lời, vạ miệng không hề ít; nhưng điều đáng nói ở đây lại nghiêm túc hơn nhiều. Nếu YN chỉ “lỡ lời” một lần, và dừng lại thì đã khác. Đằng này, cô lại tiếp tục phát ngôn về “sự trưởng thành”, và tự so sánh bản thân với các bạn trẻ cùng trang lứa theo chiều hướng được cho là tự mãn, xem thường người khác.
Hai lần YN nói, dù về hai đối tượng khác nhau, nhưng nội dung rốt cuộc chỉ xoay quanh việc đề cao bản thân và danh hiệu hoa hậu. Chính điều này đã cho công chúng cảm nghĩ đó không phải là sự “lỡ lời”, mà chính là suy nghĩ thật sự của cô hoa hậu này.
Có lẽ trước khi phát ngôn, YN không hề tìm hiểu xem cùng thế hệ với mình có những gương mặt nổi trội nào. Có thể những cái tên như Trần Khánh Vy, Nguyễn Lâm Thảo Tâm, hay Lê Nam Thuận An… không có trong nhận thức của cô. Đó đều là người trẻ thế hệ Z như YN, nhưng sự “trưởng thành” của họ được cộng đồng công nhận thông qua những đóng góp thiết thực, và tích cực đối với xã hội.
Không nói đâu xa, ngay lúc này, trong đội hình thi đấu của đội tuyển Việt Nam tại vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2023 được tổ chức tại New Zealand, có một tiền đạo rất trẻ, cùng lứa với Hoa hậu YN, là Vũ Thị Hoa. Hoa là nhà vô địch Sea Games, vô địch Đông Nam Á, đạt được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Dù vậy, bên ngoài sân cỏ, cô gái quả cảm này hầu như đã phải vượt khó mỗi ngày, khi chọn cuộc sống xa nhà tập luyện từ năm 12 tuổi. Sau khi bố mất, Hoa còn lãnh trách nhiệm phụ mẹ nuôi 3 em nhỏ.
Rõ ràng, ở tuổi 19, sự trưởng thành của tiền đạo Vũ Thị Hoa không đến từ các danh hiệu thi đấu, mà đến từ cách Hoa sống, cách Hoa làm việc, và gánh vác trách nhiệm.
Từ đó có thể thấy, “hoa hậu” cũng chỉ là một danh xưng, một sự công nhận có tính thời điểm. Danh hiệu “hoa hậu” không thể là dấu chỉ của sự trưởng thành.
Nhìn dưới bất cứ góc độ nào, giá trị thật sự của một hoa hậu vẫn nằm ở cách hoa hậu đó sống và truyền cảm hứng tới xã hội. Hoa hậu mà không đem lại điều gì tích cực, tốt đẹp cho cộng đồng, hoặc chỉ đem tới thị phi, thì cái danh kia chỉ là danh hão, chỉ càng đáng thương, càng khiến công chúng thấy mệt mỏi, và hoài nghi.
Phạm Khoa
Nguồn: Cánh cò