27/7 luôn là một ngày kỷ niệm thiêng liêng, nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam về những hy sinh cao cả, mãi mãi không bao giờ cũ.
Hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lự (110 tuổi ở Đô Lương – Nghệ An) tóc bạc trắng, gầy gò, ngồi trên giường ôm hài cốt của con đã hy sinh 51 năm trước được tìm thấy, phủ trong lá Quốc kỳ gọi tên con rồi khóc nức nở
Một năm trước, trong phát biểu về Ngày thương binh – liệt sĩ 27/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc đến câu chuyện về mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lự, ở Đô Lương, Nghệ An. Ngày nhận được hài cốt, bà đã 110 tuổi. Hình ảnh một người mẹ nhỏ bé, tóc bạc trắng, tay ôm hài cốt một trong hai con trai hy sinh liền kề nhau, bị thất lạc suốt 51 năm, khóc nghẹn ngào, đã làm xúc động hết thảy những người có mặt. Nhưng dù cố công thế nào, nỗ lực ra sao, thì mẹ Lự vẫn không chờ được cuộc đoàn tụ thứ hai. Hài cốt của người con còn lại của bà vẫn chưa được tìm thấy. Hai năm sau, trước khi mất, bà vẫn đau đáu câu hỏi: “Khi mô con về?”
Khi đến Nghĩa trang Trường Sơn, lắng nghe những câu chuyện của những người quản trang, không ai không cảm động. Có những phụ nữ, gần 30 năm sau khi mất người yêu, hay chồng, mới tìm được đến đây để thắp hương cho người thân. Có những người mẹ, người con, đến Nghĩa trang Trường Sơn mỗi năm để thắp hương tri ân, nhưng lòng vẫn khấn thầm có thể tìm lại được người cha, người chồng của mình.
Trường hợp của mẹ Hoàng Thị Lự không phải hiếm trong vô vàn câu chuyện xúc động về các liệt sĩ. Có liệt sĩ về với gia đình nhờ nỗ lực tìm kiếm của quân đội, nhưng cũng có liệt sĩ về với gia đình nhờ những nhân duyên đặc biệt, kỳ diệu như phép màu.
Câu chuyện về liệt sĩ Phùng Văn Môn (Thái Bình) là một câu chuyện đặc biệt như thế. Theo lời kể của con trai liệt sĩ, ông Phùng Văn Sỹ, thì gia đình liệt sĩ Phùng Văn Môn nhận được giấy báo tử của Sư đoàn 320, báo tin ông hy sinh ngày 02/02/1968 tại mặt trận phía Nam. Giấy ghi “thi hài liệt sĩ Môn được an táng chu đáo”, nhưng không rõ nơi hy sinh và chôn cất.
Hơn 50 năm tìm kiếm hài cốt cha không có kết quả, ông Sỹ và gia đình dường như đã chấp nhận sự thật là liệt sĩ Phùng Văn Môn đã hòa mình vào đất mẹ. Nhưng thật kỳ diệu, nhân một chuyến hành hương về Quảng Trị, ông Phùng Văn Sỹ đã tình cờ tìm thấy cha mình khi đến thắp hương cho ngôi mộ tập thể 102 liệt sĩ thuộc trung đoàn 64, sư đoàn 320. Liệt sĩ Phùng Văn Môn đã an nghỉ cùng đồng đội của ông ở đó, suốt nhiều năm nay.
Đến tận lúc này, khi các cuộc chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm, công cuộc tìm thân nhân cho các liệt sĩ vẫn luôn tiếp diễn hàng ngày. Con số gần 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính là từng ấy câu chuyện khắc khoải, đầy nước mắt, vẫn làm đau lòng mỗi người dân Việt Nam.
Tháng 7 lại về, những cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vẫn âm thầm diễn ra. Mới đây, những ngày cuối tháng 05/2023, Thanh Hóa đã đón 16 liệt sĩ hy sinh trên đất Lào về an nghỉ; Kon Tum cũng đưa được từng ấy liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Campuchia về với đất Mẹ đầu tháng 06/2023.
Những người lãnh đạo đất nước ngày hôm nay đã từng nhấn mạnh rằng, chỉ khi nào không còn bất cứ thông tin nào về các liệt sĩ, chúng ta mới dừng lại cuộc tìm kiếm mà thôi. Điều đó có nghĩa là, sẽ còn cơ hội, và hy vọng cho những cuộc trùng phùng. Thế hệ con cháu của những liệt sĩ, của đất nước, vẫn cần một đoàn tụ để tự hào, và để biết ơn.
Sẽ không có gì đo đếm được những máu xương đã đổ, những tâm tình đã cho đi, và để lại. Trên dải đất hình chữ S này, những câu chuyện gây xúc động và truyền cảm hứng sống đẹp đẽ nhất là những câu chuyện về các liệt sĩ, và gia đình của họ.
Phạm Khoa
Nguồn: Cánh cò