Sự kiện ngày 11/7/2023 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng cả về quy mô và tính chất vi phạm, liên quan đến rất nhiều cán bộ cấp cao, đảng viên của Đảng. Lợi dụng vụ án này, các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp giá trị của Luật pháp Việt Nam.
Sáng 17/7, theo lịch dự kiến, đại diện VKSND Hà Nội trình bày bản luận tội sau 4 ngày xét hỏi. Đầu phiên làm việc buổi sáng, theo đề nghị của VKS, chủ tọa thông báo tạm dừng phiên tòa để cơ quan công tố dựa vào chứng từ khắc phục hậu quả của bị cáo, từ đây đề xuất mức án phù hợp. Thời gian làm việc được lùi sau hai tiếng. Dựa vào chi tiết này, ngay lập tức Việt Tân đã ra sức chọc ngoáy, đưa ra luận điệu xuyên tạc nhằm kích động sự hoài nghi, gây mất lòng tin vào pháp luật của dư luận. Chúng rêu rao rằng, nộp tiền khắc phục giống như chạy án, tòa kết án nặng hay nhẹ thì tùy thuộc vào số tiền nộp, tiền có thể mua tất cả và mua được cả công lý. Đây đều là những luận điệu xuyên tạc nhằm dẫn dắt, hướng lái dư luận, tạo ra nhận thức lệch lạc, thái độ phản đối luật pháp Việt Nam. Để hiểu đúng, hiểu rõ, tránh những cái nhìn lệch lạc thì chúng ta cần nhận thức rõ vấn đề này như sau:
Giảm nhẹ hình phạt, giảm án là một trong những chính sách thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, của Nhà nước đối với người phạm tội. Tuy nhiên, để được giảm án thì người phạm tội phải đủ những điều kiện nhất định.
Theo quy định của pháp luật, khi bị cáo bị xét xử và bị tòa án tuyên bố phạm tội thì hội đồng xét xử sẽ quyết định một loại hình phạt và mức hình phạt phù hợp với từng bị cáo trong từng vụ án cụ thể. Hình phạt đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yếu tố về tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa bồi thường khắc phục hậu quả là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo điểm b, khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Sau khi thực hiện hành vi phạm tội cho đến khi bị đưa ra xét xử tại tòa, nếu người phạm tội nhận thức được hành vi phạm tội của mình và có ý thức khắc phục hậu quả, thì việc nộp tiền khắc phục hậu quả ở giai đoạn này được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Người phạm tội phải tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả mới được coi là tình tiết giảm nhẹ” [1].
Vì vậy, việc chủ tọa tạm dừng phiên tòa để cơ quan công tố dựa vào chứng từ khắc phục hậu quả của các bị cáo, từ đó xem xét tình tiết giảm nhẹ để đề xuất mức án phù hợp là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Việc khuyến khích những người phạm tội trả lại tài sản cho Nhà nước là một chủ trương đúng đắn, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xử lý tội phạm. Đó cũng là một hình thức thu hồi lại tài sản tham nhũng, sau khi tài sản được thu hồi có thể xem xét việc giảm nhẹ hình phạt chứ không phải “nộp tiền thay vì đi tù” hay chạy án như Việt Tân đang rêu rao.
Qua bài đăng của Việt Tân, chúng giật tít “Chưa có xứ sở nào mà phiên tòa đang xử thì tòa tuyên bố tạm hoãn chờ bị cáo nộp tiền”, thông tin này hoàn toàn sai và vô căn cứ.
Chính sách này cũng đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới không chỉ riêng Việt Nam và cho thấy hiệu quả, điển hình như Liên bang Nga hoặc Trung Quốc. Ở Trung Quốc có ba hình thức thu hồi tài sản tham nhũng gồm: tự nguyện hoàn trả, thủ tục tịch thu đặc biệt và hợp tác tương trợ tư pháp quốc tế. Về hình thức tự nguyện hoàn trả, Điều 383 Bộ Luật Hình sự Trung Quốc quy định “trước khi bị khởi tố, bất kỳ ai phạm tội tham nhũng nếu thành khẩn khai nhận và chủ động trả lại tài sản bất minh sẽ được giảm nhẹ hoặc miễn hình phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ án” [2].
Chính sách khuyến khích việc nộp tiền khắc phục hậu quả để được giảm nhẹ án tù cho bị cáo là việc làm cần thiết và mang tính nhân văn. Bởi vì, nếu bỏ tù người tham nhũng mà tài sản tham nhũng không thu hồi được thì không đạt được mục đích của việc chống tham nhũng. Hơn nữa, việc phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện có hiệu quả sẽ là đòn giáng mạnh vào tâm lý tội phạm tham nhũng, ngăn chặn động cơ tham nhũng và khôi phục nền công lý của mỗi quốc gia, xây dựng lại lòng tin của xã hội. Quan trọng hơn cả, tài sản tham nhũng được thu hồi sẽ góp phần khắc phục một phần hoặc toàn bộ những thiệt hại mà hành vi tham nhũng đã gây ra cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân. Với ý nghĩa đó, thu hồi tài sản tham nhũng đóng vai trò quan trọng, là một yếu tố chính của chiến lược phòng, chống tham nhũng của nước ta.
Hiện nay, Hội đồng xét xử vẫn đang tiến hành phiên sơ thẩm. Chắc chắn, những bản án nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe sẽ được đưa ra dựa trên việc đánh giá toàn diện giữa “công” và “tội” của các bị can. Vì vậy, chúng ta tin tưởng vào pháp luật của nhà nước và công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. Đứng trước những luận điệu sai trái, bịa đặt, bóp méo chủ trương, đường lối về công tác xét xử các vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, nhạy cảmở nước ta, mỗi người dân, cán bộ, đảng viên cần sáng suốt lựa chọn những trang thông tin chính thống, tin cậy; biết đặt nghi vấn đối với các thông tin; chủ động tìm tòi, học hỏi để nắm chắc về bản chất sự việc từ đó đấu tranh, phản bác lại các thông tin sai lệch không để bị lôi kéo bởi các thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch.
ĐINH. THẢO
Tài liệu tham khảo
[1].https://lsvn.vn/quy-dinh-ve-nop-tien-khac-phuc-hau-qua-de-duoc-giam-nhe-hinh-phat-giam-an-1676519129.html.
[2].https://phaply.net.vn/co-che-thu-hoi-tai-san-bat-hop-phap-khong-qua-thu-tuc-ket-toi-o-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-va-tham-khao-cho-viet-nam-ky-2-a256525.html
Nguồn: Đấu trường Dân chủ