Trang chủ Đối tượng Fulro: Hồ sơ đen về một tổ chức tội ác (Kỳ 1)

Fulro: Hồ sơ đen về một tổ chức tội ác (Kỳ 1)

89
0

Fulro, dưới bàn tay giật dây của các thế lực thù địch, trở thành một tổ chức phản động cực kỳ nguy hiểm. Cái tên của tổ chức ấy gắn với sự đen tối, là bóng ma hãi hùng ám ảnh vùng đất Tây Nguyên. Mặc dù hiện nay, tổ chức Fulro đã bị xóa sổ, nhưng tàn dư của nó vẫn chưa thực sự chấm dứt, vẫn tồn tại trong “vấn đề Tây Nguyên” thông qua hình thức khác. Với loạt bài hồ sơ – tư liệu dài kỳ, chúng tôi xin góp phần tái hiện lại phần nào hoạt động và bản chất của tổ chức tội ác này. Đồng thời xin được tôn vinh những chiến công của quân và dân Tây Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh đầy cam go và mất mát, hy sinh nhằm chống lại những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ sự bình yên cho mảnh đất hùng vĩ trong lòng Tổ quốc…

Fulro: Hồ sơ đen về một tổ chức tội ác (Kỳ 1)Các thành viên của tổ chức phản động Fulro. Chỉ huy Les Kosem đứng giữa.

Từ BaJaRaKa đến Fulro

Theo dòng lịch sử, tiền thân của tổ chức Fulro đã có từ thời đất nước ta còn chưa sạch bóng ngoại xâm. Nhiều tài liệu trong và ngoài nước thể hiện, với chủ trương đấu tranh bất bạo động yêu cầu chấm dứt mọi chính sách phân biệt đối xử đối với các sắc tộc thiểu số Việt Nam của nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm, ngày 1-5-1958, một số trí thức người Tây Nguyên (từ dùng của thời kỳ đó là: người Thượng), do ông Y Bham Ênuôl người Ê Đê chủ xướng, đã thành lập một tổ chức có tên gọi BaJaRaKa. Mục tiêu kết nối các sắc tộc được cho là mạnh nhất và sinh sống lâu đời ở Tây Nguyên, BaJaRaKa là chữ viết tắt tên của bốn dân tộc chủ yếu: Bahnar (người Ba Na), Djarai (người Gia Rai), Rhadé (người Ê Đê) và Kaho (người Cơ Ho).

Fulro: Hồ sơ đen về một tổ chức tội ác (Kỳ 1)Y Bham Ênuôl, người khởi xướng và lãnh đạo BaJaRaKa.

Chỉ sau hai tháng kể từ ngày thành lập, với chữ ký của ông Y Bham Ênuôl, ngày 25/7/1958, BaJaRaKa gửi thư đến Tòa đại sứ Pháp, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc tố cáo những hành vi phân biệt sắc tộc của nhà cầm quyền và yêu cầu các cường quốc can thiệp để người Thượng được độc lập trong khối Liên hiệp Pháp hoặc dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ. Tiếp đó, các tháng 8 và 9 của năm này, BaJaRaKa tổ chức nhiều cuộc biểu tình thỉnh nguyện tại Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Pleiku nhưng các cuộc biểu tình này đều bị trấn áp. Tất cả những người được cho là lãnh đạo của phong trào này đều bị bắt, trong đó có ông Y Bham Ênuôl.

Trước đó, từ năm 1956, thực thi mục tiêu chống cộng ráo riết, triệt để của Hoa Kỳ, các cố vấn quân sự Mỹ vào tận các buôn làng, đào tạo và trang bị vũ khí cho thanh niên Thượng. Họ tổ chức thành các đội Dân sự Chiến đấu Thượng (Civilian Indigenous Defense Group, CIDG) và Lực lượng Đặc biệt. Cuộc đảo chính của phe quân sự dưới sự hỗ trợ của CIA đã lật đổ chính thể họ Ngô vào năm 1963, với sự kiện này, tất cả những người lãnh đạo của BaJaRaKa được trả tự do. Sau đó, nhằm giảm bớt sức ép chính trị, đồng thời thực hiện mưu đồ “dùng người Thượng cai trị người Thượng”, nhà cầm quyền Sài Gòn đã bổ nhiệm một loạt các thủ lĩnh của phong trào này vào các chức vụ chủ chốt ở các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, ông Y Bhăm Ênuôl trở thành phó tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc, ông Paul Nưr là phó tỉnh trưởng tỉnh Kon Tum. Tháng 3-1964, một lần nữa được sự ủng hộ của người Mỹ, những người lãnh đạo BaJaRaKa kết hợp với các sắc tộc Thượng khác và người Chăm tại duyên hải miền Trung thành lập “Mặt trận Giải phóng Cao Nguyên” (FLHP). Thế nhưng, ngay từ khi thành lập, “mặt trận” này đã phân chia thành hai phe đối nghịch nhau: phe ôn hòa do Y Bham Ênuôl đại diện và phe chủ trương bạo động do Y Dhơn Adrong cầm đầu.

Trong hai tháng 3 đến 5-1964, phe bạo động trong FLHP bị quân đội Sài Gòn mở các chiến dịch truy quét gắt gao phải chạy qua Campuchia lập căn cứ tại tỉnh Mondolkiri, cách biên giới nước ta 15 km. Tại căn cứ này, họ tiếp tục tuyển mộ thanh niên Thượng tham gia FLHP chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ngày 19-9-1964, các toán biệt kích thuộc Lực lượng Đặc biệt và các đội Dân sự Chiến đấu Thượng nổi dậy đánh chiếm một số đồn ở Quảng Đức (nay là Đắc Nông) và Đắc Lắc giết chết 35 binh sỹ VNCH, bắt sống quận trưởng Đức Lập; đánh chiếm đài phát thanh Buôn Ma Thuột và kêu gọi người dân tham gia nổi dậy thành lập quốc gia độc lập. Ngày 20-9-1964, chuẩn tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Vùng II Chiến thuật đã lệnh cho Sư đoàn 23 bộ binh cùng một số tiểu đoàn biệt động quân và thiết giáp vây quanh đài phát thanh, và những đồn bị chiếm đóng. Thế nhưng, ngay thời điểm đó, Vĩnh Lộc nhận được khuyến cáo của Beachner, tham tán thứ ba tòa đại sứ Mỹ trên Cao Nguyên là dừng ngay lệnh nổ súng và tiến hành thương thuyết. Ngay sau đó, một cuộc thương lượng có sự hiện diện của quan chức tòa đại sứ Mỹ, đi đến những thỏa thuận sau: Y Bham Ênuôl được cử làm chủ tịch chính thức phong trào FLHP; tuy nhiên ngay trong chiều 20-9-1964, ông ta đã trốn sang Campuchia. Thỏa thuận thứ hai là những người Thượng chỉ huy đợt tập kích này không bị truy tố và không bị truy đuổi khi rút quân qua Campuchia…

Như một cơ hội đã chín muồi cho một âm mưu lâu dài, cuộc thương lượng dưới sự “chủ trì” của người Mỹ chính là “bà đỡ” đảm bảo cho sự ra đời của một thế lực chính trị mới theo đúng ý đồ và sự sắp đặt của họ. Ngày 20-9-1964, tại Campuchia, “Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức” được thành lập (Front Uni de Lutte des Races Opprimées, đọc theo tiếng Pháp, viết tắt là FULRO (xin viết là Fulro). Mặt trận này bao gồm các thành phần: Mặt trận Giải phóng Champa (Front de Libération du Champa, FLC) tức Fulro Chăm, do Les Kosem (một tướng nhảy dù người Khmer gốc Chăm) lãnh đạo. Mặt trận Giải phóng xứ Campuchia Krom miền Tây Nam Việt Nam (Front de Libération du Kampuchea Krom, FLKK) tức Fulro Khmer, do Chau Dera làm đại diện và Mặt trận Giải phóng Cao Nguyên (Front de Libération des Hauts Plateaux, FLHP) tức Fulro Thượng, do Y Bham Ênuôl cầm đầu. Fulro đã tự “sản xuất” một lá cờ (hiệu kỳ) hình chữ nhật gồm ba sọc: màu xanh biển (tượng trưng cho biển cả), màu đỏ (biểu tượng của đấu tranh) và màu xanh lá cây (màu của rừng núi). Trên dòng sọc đỏ có ba ngôi sao trắng tượng trưng cho ba mặt trận của Fulro: Champa, Thượng và Campuchia Krom.

Fulro: Hồ sơ đen về một tổ chức tội ác (Kỳ 1)Les Kosem (áo trắng), chỉ uy Fulro Chăm và lãnh đạo thực sự của tổ chức phản động Fulro.

Fulro có ba cơ quan lãnh đạo: Hội đồng Tối cao do Chau Dera làm chủ tịch, Hội đồng Bảo trợ do Les Kossem làm chủ tịch, và Ủy ban Chấp hành Trung ương do Y Bham làm chủ tịch. Trong thực tế, vào thời điểm này, Y Bham Ênuôl không có thực quyền, người nắm hết mọi quyền hành là Les Kosem. Trong khi đó, nhóm Fulro Thượng do Y Bham Ênuôl làm chủ tịch vẫn bị phân hóa thành hai như còn thời BaJaRaKa: nhóm dân sự ôn hòa do Y Bham Ênuôl lãnh đạo tiếp tục chủ trương vận động Hoa Kỳ làm áp lực với chính phủ Việt Nam Cộng hòa để Fulro Thượng được về Việt Nam hoạt động một cách chính thức; ngược lại, nhóm vũ trang do Y Dhơn Adrong cầm đầu vẫn kiên quyết chủ trương dùng bạo lực để thành lập một quốc gia độc lập của người Thượng trên cao nguyên…

Trong thời kỳ từ 1964 đến 1969 và ngay cả những năm sau ngày nước nhà thống nhất, “câu chuyện Fulro” rất dài dòng với nhiều biến cố và sự kiện xảy ra bởi những mâu thuẫn chồng chéo giữa Fulro với chế độ Việt Nam Cộng Hòa và các thế lực chính trị khác; giữa các nhân vật, các phái khác nhau chính trong tổ chức này. Cũng trong những năm này, Fulro liên tục thay đổi bộ máy cầm đầu, trong đó, có không ít kẻ bị đồng bọn ám sát trong quá trình thanh trừng, tranh giành quyền lực. Nói ra rất tốn giấy mực và thời gian của bạn đọc. Xin điểm thêm về sự kiện hiệp ước cuối cùng được ký kết vào ngày 1/2/1969 giữa Paul Nưr, đại diện Việt Nam Cộng Hòa và Y Dhê Adrong, đại diện Fulro dưới sự chủ tọa của Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu. Một số người trong các sắc tộc Thượng và Chăm không hài lòng với những điều khoản ký kết và vì vậy, Fulro tiếp tục đấu tranh, có lúc lộ diện, có lúc ẩn chìm.

Giai đoạn sau năm 1975

Năm 1975, chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Fulro – dưới sự giật dây, hỗ trợ của các ông chủ từ xa, tiếp tục tổ chức quấy phá chống lại nước ta. Từ đầu năm 1975 đến năm 1977, Fulro tiếp tục tuyên truyền, kích động gây hận thù dân tộc và tiến hành tập kích vũ trang. Một tên thủ lĩnh khác là Y Djao Niê tổ chức lại Fulro đồng thời kêu gọi các nước Anh, Pháp, Mỹ và LHQ viện trợ. Từ năm 1982-1985, Fulro được các thế lực quốc tế và tàn quân Pôn Pốt tiếp sức, củng cố căn cứ ở Mondolkiri và đưa được các toán đặc biệt về vùng ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia lập “mật cứ” đón gián điệp, biệt kích, lực lượng lưu vong trở về như Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh và các toán phản động khác. Trong thời gian từ năm 1979-1985, hoạt động Fulro đã phá hoại cuộc sống bình yên của các thôn ấp, buôn làng, giết hại nhiều cán bộ, công an, dân quân và quần chúng tốt. Nhưng lực lượng công an, quân đội ta được nhân dân các đồng bào dân tộc ủng hộ đã đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, đấu tranh thắng lợi trong hàng chục chuyên án, làm tan rã nhiều nhóm Fulro và đưa họ trở về với cộng đồng.

Ở Tây Nguyên, cuối thập niên 80, không còn mấy ai nhắc đến Fulro nữa. Cho đến năm 1992, vấn đề Fulro lại xuất hiện ở khu vực biên giới Thái Lan – Campuchia. Theo phóng viên người Mỹ Nate Thayer trên tờ New Straits Times: “Lực lượng mang tên là Fulro-Dega là một tổ chức vũ trang đặt dưới quyền lãnh đạo của đại tá Y Peng Ayun, vẫn tiếp tục liên hiệp với Khmer Ðỏ để chống lại Hà Nội. Sau 17 năm chống cộng, lực lượng của đại tá Y Peng Ayun chỉ còn lại khoảng 2.000 người. Từ biên giới Thái – Myanmar, Y Peng Ayun tuyên bố rằng, lực lượng Fulro-Dega sẽ tiếp tục đấu tranh cho tới khi nào Cộng Sản trao trả lại tự do cho dân tộc Tây Nguyên”. Năm 1994, khi LHQ đưa lực lượng quốc tế UNTAC vào thực hiện giải pháp chính trị ở Campuchia, Fulro không còn chỗ dựa. Với sự chấp thuận của Mỹ, tháng 12/1992, toàn bộ số Fulro còn lại gồm 407 tên do Y Peng Ayun cầm đầu đã ra hàng UNTAC, tuyên bố chấm dứt hoạt động chính trị và vũ trang, nộp vũ khí và được người Mỹ đưa đi định cư ở bang Colorado…

Fulro: Hồ sơ đen về một tổ chức tội ác (Kỳ 1)Phóng viên Nate Thayer.

Hồ sơ về Fulro là hồ sơ về một tổ chức phản động, một tổ chức tội ác. Tổ chức đó đã bị xóa sổ trước tinh thần đấu tranh không mệt mỏi của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống bình yên của nhân dân. Thế nhưng, tàn dư của nó vẫn còn khi vẫn còn đó những thế lực thù địch, những âm mưu đen tối chống phá đất nước và nhân dân ta. Lật lại hồ sơ Fulro, chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc những thông tin dù đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng bài học cảnh giác thì luôn tươi mới.

“Độc ác như Fulro!” Đó là câu nói cửa miệng của tất cả những người từng làm việc và sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên những năm sau ngày nước nhà thống nhất…

Uông Thái Biểu

Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây