Thông tin 6 cựu cán bộ Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an thành phố Chí Linh bị bắt với cáo buộc có sai phạm khi kiểm tra nồng độ cồn một lần nữa cho thấy, không có vùng cấm nào cho người dân và người thừa hành pháp luật khi phạm luật.
6 cựu cán bộ Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an thành phố Chí Linh bị bắt với cáo buộc có sai phạm khi kiểm tra nồng độ cồn
Hơn một năm qua, từ khi Nghị định 123/2021 của Chính phủ có hiệu lực, thống kê cho thấy tình hình vi phạm luật giao thông đường bộ được kéo giảm rõ rệt. Trong đó, dư luận đồng tình với sự ra quân quyết liệt của các đơn vị cảnh sát giao thông trên phạm vi cả nước, cũng như mức phạt khá nặng đối với tình trang lái xe khi đã uống bia rượu, bất kể người vi phạm là ai. Đơn cử như dịp Tết Quý Mão 2023 vừa qua, trong 7 ngày nghỉ, cảnh sát giao thông cả nước đã phạt hơn 7.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng gần 600% so với Tết Nhâm Dần 2022.
Điều đó cho thấy, nhờ sự tăng nặng, có tính răn đe hữu hiệu của luật mới, thái độ chấp hành pháp luật của người dân đã tốt hơn rất nhiều. Ngay cả cán bộ, cảnh sát giao thông cũng dần có kinh nghiệm ứng xử hợp lý hơn với người tham gia giao thông trong các tương tác kiểm tra nồng độ cồn.
Tuy vậy, vẫn có những sai sót, thậm chí là sai sót nghiêm trọng từ phía cán bộ, cảnh sát giao thông trong các vụ việc liên quan đến công tác kiểm tra, hay quyết định xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Vụ việc bắt tạm giam 6 cựu cán bộ Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an Thành phố Chí Linh ngày 09/02/2023 vừa qua là một ví dụ.
6 cựu cán bộ này bị bắt để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Dù hành vi sai phạm cụ thể chưa được cung cấp, nhưng qua thông báo của Bộ Công an, khẳng định Công an tỉnh Hải Dương đang điều tra vụ án để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, đã cho thấy câu chuyện tuân thủ pháp luật là xu hướng tất yếu của mọi công dân.
Nhìn vào vụ việc này, dư luận còn chú ý đến từ “cựu cán bộ”. Vậy là từ giờ trở đi, ngay cả khi đã về hưu, hay không còn đảm nhiệm công việc, chức trách nữa, thì ai cũng phải chịu trách nhiệm với những việc đã làm, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Không bao giờ còn có câu chuyện “hạ cánh an toàn”, hay “chuyển công tác là xong” như trước nữa. Đó là tín hiệu thật sự rất đáng vui mừng, vì một xã hội đề cao pháp luật ngoài việc giữ ổn định trị an, còn đảm bảo được sự công bằng cho mọi công dân.
Phạm Khoa
Nguồn: Cánh cò