Câu chuyện ông giám đốc “mù chữ” ở trung tâm đăng kiểm ở huyện Nhà Bè, TP.HCM gây xôn xao dư luận. Nhưng dù cố lèo lái đến đâu thì phải thẳng thắn thừa nhận rằng, “giám đốc mù chữ” chỉ là hiện tượng chứ chưa bao giờ và không bao giờ là bản chất của xã hội.
Giám đốc trung tâm đăng kiểm 50-17D.
Trước thông tin có một giám đốc Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) mà không biết đọc biết viết người tiếp nhận dễ có phản ứng bức xúc. Điều đơn giản vì rất nhiều người nghĩ rằng, TTĐK là cơ quan thực hiện các dịch vụ công, lãnh đạo là cán bộ – công chức nhà nước. Tuy nhiên, trước năm 2019, hầu hết các TTĐK xe cơ giới đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước, chỉ một số đơn vị được thí điểm đầu tư, hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Còn từ năm 2019 trở về sau, với việc quy định về phát triển TTĐK theo quy hoạch vùng, địa phương được gỡ bỏ, các doanh nghiệp bắt đầu ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đó, số lượng TTĐK mới gia tăng nhanh chóng, đặc biệt với các TTĐK do doanh nghiệp và cá nhân đầu tư. Chỉ tính riêng năm 2019, đã có tới 32 trung tâm mới ra đời và hàng chục đơn vị khác đăng ký thành lập.
Và “giám đốc TTĐK mù chữ” – ông Hồ Hữu Tài “ra đời” trong trường hợp đó. Trung tâm đăng kiểm 50-17D Nhà Bè là một trung tâm đăng kiểm tư nhân. Trong chủ trương xã hội hóa đăng kiểm, các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa về bản chất là một doanh nghiệp đầu tư dịch vụ đăng kiểm. Giám đốc công ty có thể là người đầu tư hoặc là người đứng tên trên giấy tờ mà không phải đăng kiểm viên. Như vậy, ông Tài chỉ đóng vai trò là chủ đầu tư của TTĐK này. Ông Tài nằm trong số nhiều trường hợp thực tế chung giám đốc TTĐK tư nhân không phải là đăng kiểm viên, không có chuyên môn nghiệp vụ về đăng kiểm, không ký giấy chứng nhận kiểm định. Tại Nghị định 139 nói trên chỉ quy định về điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực, pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định về trình độ chủ đầu tư TTĐK.
Sau sự việc này, người dân trông chờ những sự thay đổi cụ thể và thiết thực hơn nữa trong chủ trương xã hội hóa trong mọi lĩnh vực dịch vụ công. Và “giám đốc mù chữ” rõ ràng sẽ chỉ là hiện tượng chứ chưa bao giờ và không bao giờ là bản chất của xã hội.
Hạnh Phúc
Nguồn: Cánh cò