“Những người tham nhũng vừa rồi đều là người giàu”, câu Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc nói trong buổi truyền đạt chuyên đề đầu tiên về Nghị quyết 27 về việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đã khiến công luận giật mình.
Từ trái qua, trên xuống: các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Trần Văn Minh, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Đức Chung, Tất Thành Cang đã bị xử lý hình sự
Trước giờ chúng ta vẫn nghĩ, cán bộ tham nhũng là vì tiền, rồi suy diễn ngược lại, do đời sống khó khăn, lương thấp, nên tiền làm mờ mắt cán bộ.
Thực chất, câu chuyện đó không còn đúng với hiện thực xã hội lúc này. Những gì diễn ra trong các vụ án tham nhũng lớn như Việt Á, hay “Chuyến bay giải cứu”, cho chúng ta thấy, toàn bộ các quan chức bị bắt vì tội nhận hối lộ đều không hề nghèo, thậm chí rất giàu nếu so với mặt bằng chung của xã hội.
Vậy ngoài tiền ra, chắc chắn còn một yếu tố khác có hấp lực hơn thế, khiến nhiều người phải bất chấp danh dự, để phạm tội. Yếu tố đó chính là quyền lực. Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc đã đúng khi nói “Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực. Cho nên chúng ta kiểm soát quyền lực chính là ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực”.
Công luận đặt câu hỏi, những cán bộ tham nhũng giàu có trước hay sau khi họ phạm tội tham nhũng? Nếu bảo họ giàu sau khi tham nhũng, thì sao không dừng lại để an toàn hơn khi đã giàu, mà ngược lại, còn phạm tội với quy mô lớn hơn, tính chất nghiêm trọng hơn? Không hiếm những bị can, bị cáo là cán bộ lãnh đạo cao cấp dính đến nhiều vụ án điểm, mà mức độ phạm tội tham nhũng vụ sau “khủng” hơn vụ trước hàng chục lần.
Có ý kiến giải thích theo tâm lý học tội phạm, rằng hoặc những quan tham này có lòng tham không đáy, đã giàu lại muốn giàu hơn, hoặc họ thấy việc kiếm chác được tiền của từ quyền lực nắm trong tay một cách dễ dàng, nên sinh ra tâm lý tự cho rằng mình giỏi, mình quan trọng, đứng cao hơn luật pháp, luật pháp không thể chạm đến mình. Ở dạng tâm lý thứ hai này, tiền là mục tiêu phụ.
Hai năm nghiên cứu để xây dựng một thiết chế mới kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, nhưng như Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc thú nhận: “Thiết chế mới như nào thì chúng tôi nghiên cứu 2 năm chưa ra. Khó lắm!”.
Khó thật, nhưng không thể không làm. Vì tham nhũng không được chặn đứng sẽ làm xói mòn niềm tin của nhân dân, niềm tin của các đối tác quốc tế, khiến cho đất nước không thể phát triển lành mạnh, mà còn tụt hậu.
Mong sao, thời gian tới, khi các chính sách, luật pháp được chỉnh sửa theo hướng đồng bộ, nhất quán, cùng với các chế tài chặt chẽ đối với công tác cán bộ được luật hóa, chúng ta sẽ ít thấy những dòng tin về các vụ án liên quan đến quan tham, đặc biệt là quan tham phạm tội vì “đam mê”, vì “ngáo” quyền lực.
Phạm Khoa
Nguồn: Cánh cò