Dự kiến phải bù lỗ hơn 15 ngàn tỷ đồng từ nay đến cuối năm 2023, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã bị Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị thanh tra.
Dự án lọc hóa dầu nghi sơn
Thật ra, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn trước khi bị Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị thanh tra, đã nằm trong diện thanh kiểm tra về chấp hành pháp luật trong quản lý nhà nước đối với việc kinh doanh xăng dầu của Thanh tra Chính phủ ngay từ 13/10, cùng với 1 nhà máy lọc dầu và 15 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khác, ở cả 3 miền. Thời gian thanh tra là 60 ngày, thanh tra giai đoạn từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/6/2022.
Động thái này diễn ra khi thị trường xăng dầu trong nước gặp bất ổn về nguồn cung. TP.HCM, một số tỉnh thành khu vực phía Nam là những địa phương đầu tiên đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung, sau đó, ngay cả Hà Nội và một vài tỉnh thành phía Bắc cũng lâm vào tình trạng này. Dù Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn chỉ nằm cách Hà Nội 260km, nhưng Hà Nội vẫn thiếu xăng. Mấy ngày qua, thủ đô đã xuất hiện nhiều cây xăng giăng biển “Hết xăng”, khiến người dân gặp khó khăn trong sinh hoạt, và công việc.
Thời gian qua, nhiều nhận định của các bên liên quan cho rằng, khủng hoảng giá xăng dầu thế giới ảnh hưởng đến tình hình nhập khẩu và cung ứng xăng dầu trong nước. Nhưng dù nói thế nào, thì các nhà máy lọc hóa dầu trong nước vẫn có lỗi lớn khi thụ động, phản ứng chậm chạp, không kịp thời góp phần cùng các cơ quan quản lý nhà nước điều tiết thị trường.
Với trường hợp Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, việc giảm sản lượng từ quý II/2022 đã đẩy thêm khó khăn cho thị trường. Để đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương buộc phải phân giao lượng nhập khẩu tăng thêm cho các doanh nghiệp đầu mối, dù giá xăng dầu thế giới thời điểm đó lên cao nhất từ đầu năm.
Nhập xăng với giá cao ngất ngưỡng, nhưng đến quý III/2022, giá xăng dầu lại giảm mạnh. Doanh nghiệp thua lỗ lớn, phải cắt giảm chiết khấu để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, kéo theo sự thua lỗ dây chuyền của doanh nghiệp bán lẻ. Càng bán càng lỗ, nên không khó hiểu khi nhiều nhà bán lẻ chọn việc dừng kinh doanh.
Điều đó giải thích nhận định của Ủy ban Tài chính ngân sách khi cho rằng tình hình tài chính và sản xuất kinh doanh của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện rất đáng lo ngại, là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian qua.
Trong bối cảnh này, việc Chính phủ thống kê số liệu phải bù giá đến hết năm 2023 là 15.727 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2023 là 8257 tỷ đồng đã gây ra sự bức xúc khá lớn cho dư luận. Lẽ ra, với những ưu đãi lớn từ cơ chế, nhất là được bao tiêu sản phẩm, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải có kết quả kinh doanh khả quan hơn rất nhiều.
Dù nhà nước chia sẻ với người dân gánh nặng giá xăng dầu, nhưng việc bao tiêu dẫn đến phải chi ngân sách với con số lớn như thế thì cần xem xét lại một cách nghiêm khắc.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan Chính phủ và kiểm toán Nhà nước tổ chức triển khai kiểm toán và thanh tra các nghĩa vụ thuế, chuyển giá, bao tiêu sản phẩm, số vốn nhà nước đã đầu tư vào Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn…cho thấy đã đến lúc công tác thanh kiểm tra cần phải đẩy mạnh đối với các dự án trọng điểm. Qua rồi thời ngân sách nhà nước phải gánh những khoản lỗ khổng lồ và khi phát hiện ra những sai phạm thì khó hoặc không thể thu hồi lại các khoản đã chi.
Phạm Khoa
Nguồn: Cánh cò