Trang chủ Luận bàn - Phản biện Ngăn chặn tình trạng lập hội, nhóm tiêu cực trên không gian...

Ngăn chặn tình trạng lập hội, nhóm tiêu cực trên không gian mạng

91
0

Tình trạng các hội, nhóm tiêu cực xuất hiện trên không gian mạng có xu hướng ngày càng gia tăng đang nguy cơ gây tác động xấu đối với người sử dụng mạng nói riêng và việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội nói chung. Thực tế này đang đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, cũng như đặt ra yêu cầu mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội phải hết sức tỉnh táo để không trở thành nạn nhân của “thế giới ảo”.

Ngăn chặn tình trạng lập hội, nhóm tiêu cực trên không gian mạng

Hai đối tượng Trần Văn Hiếu và Nguyễn Thanh Tùng khai quen nhau trên nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”.

Sự ra đời của các nền tảng mạng xã hội đã mang đến cho con người nhiều lợi ích không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhiều mặt trái cũng đã được chỉ ra như: những nguy cơ trầm cảm, rối loạn cảm xúc, phá vỡ các mối quan hệ xã hội, thay đổi lối sống truyền thống của con người… Thời gian gần đây, trên nhiều nền tảng mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở nước ta xuất hiện một hiện tượng đáng lo ngại là sự “ra đời” của không ít hội, nhóm kín với những tên gọi có hàm nghĩa tiêu cực như: “Hội những người từng đi tù”, “Hội lô đề miền Bắc”, “Hội những người thích đâm thuê chém mướn”, “Hội tiểu tam”, “Hội ngoại tình và vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc…”, “Hội những người muốn tự tử”, “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”… Ðáng nói, các hội, nhóm này đã thu hút được khá nhiều người tham gia, thậm chí có hội, nhóm lên đến vài nghìn thành viên. Trên diễn đàn “nội bộ”, nhiều thành viên không ngần ngại kể về các hành vi sai trái của mình như việc mình lừa được vài tỷ đồng, kèm theo đó là hướng dẫn các chiêu thức để không bị bắt. Hay trên trang của “Hội những người muốn tự tử”, “Hội ghét cha mẹ” thì thường xuyên đăng tải những nội dung thể hiện tâm trạng thù hận, tiêu cực, bế tắc… Phần lớn bình luận dưới các bài viết thường là các ý kiến bi quan, chán nản, cổ vũ, khuyến khích hoặc thách đố người viết thực hiện những hành vi lệch chuẩn đạo đức, thậm chí, vi phạm pháp luật.

Sự tồn tại của các hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng. Theo dữ liệu thống kê từ We are Social, tính đến tháng 1/2022, Việt Nam có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 78,1% tổng dân số. Từ năm 2021 đến 2022, số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã tăng 5 triệu người (6,9%). Với độ phủ sóng rộng cùng một lượng lớn thời gian hoạt động và tương tác trên các nền tảng xã hội, những gì người sử dụng thu nhận được sẽ tác động không nhỏ đến việc hình thành tư tưởng và phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống. Nhất là ở nhóm đối tượng vị thành niên là lứa tuổi dễ hùa theo những luồng tư tưởng mới, dễ bị tổn thương và kích động tâm lý.

Các bài viết có tâm trạng chán nản cuộc sống lên đến đỉnh điểm, cộng thêm những bình luận vô cảm, thậm chí, hướng dẫn tỉ mỉ các cách… chết, cách mua các loại thuốc độc (như xyanua) trên “Hội những người thích tự tử” hoàn toàn có thể gây ra những hậu quả khó lường, rất đáng lo ngại. Cùng với các dòng trạng thái đăng tải nội dung tiêu cực, xuất hiện hàng loạt bình luận có tính kích động, thách đố khiến sự việc bị đẩy đi xa hơn, gia tăng nguy cơ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Thực tế, đã có những hành vi vi phạm pháp luật ngoài đời thật xuất phát từ việc tham gia các hội, nhóm ảo trên mạng xã hội. Cụ thể, ngày 7/3/2022 tại địa bàn phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), hai đối tượng là Nguyễn Thanh Tùng và Trần Văn Hiếu – thành viên của nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” đã móc nối với nhau để thực hiện việc cướp ngân hàng. Hai đối tượng này bị bắt khi đang dùng dao và súng xông vào một chi nhánh ngân hàng, thực hiện hành vi cướp 500 triệu đồng. Ðáng nói, ngay sau khi hai đối tượng này bị bắt, trên nhóm kín “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” xuất hiện những dòng trạng thái cho thấy tâm lý không hề sợ hãi, coi thường pháp luật của các thành viên. Trước đó, một số thành viên của nhóm kín này cũng móc nối, lập băng nhóm thực hiện vụ cướp điện thoại tại chung cư Linh Ðàm (Hà Nội) vào ngày 8/1/2022; tiến hành nổ súng, dùng dao đe dọa một cặp vợ chồng ở Thạch Thất (Hà Nội) yêu cầu đưa 100 tỷ đồng vào ngày 16/1/2022. Trước thực trạng đáng báo động này, tại Hội nghị sơ kết công tác công an quý I/2022, Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo về trào lưu lập hội, nhóm kín trên mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Bất chấp điều đó, nhiều hội, nhóm kín hiện vẫn duy trì hoạt động, các thành viên vẫn thường xuyên cập nhật và chia sẻ trạng thái có nội dung cổ xúy cho những tư tưởng không lành mạnh, những hành vi ngông cuồng, không phù hợp thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật. Thực tế này đang lộ rõ khoảng trống về pháp lý cần được các cơ quan chức năng quan tâm sát sao hơn nữa. Có thể thấy hiện nay việc trở thành thành viên của các hội, nhóm hết sức đơn giản, gần như không cần bất cứ điều kiện gì, chỉ cần một thao tác ấn nút “tham gia”. Trong khi đó, các nội dung đăng tải trên mạng xã hội thật sự khó kiểm soát và luôn ẩn chứa những thông tin xấu độc. Các báo cáo vi phạm về mặt nội dung có thể vẫn được phát hiện, xử lý nhưng thường diễn ra chậm, sau khi nội dung đó đã được viral (lan tỏa) và gây tác động tiêu cực đến người sử dụng. Một khó khăn nữa là các nền tảng xã hội hiện đang được sử dụng nhiều tại Việt Nam đều thuộc quyền sở hữu của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cho nên có sự khác biệt về văn hóa, dẫn đến vấn đề kiểm soát cũng như báo cáo vi phạm về nội dung khác nhau về chuẩn mực, tiêu chí. Ngoài ra không thể không nhắc tới một nguyên nhân là tình trạng xuống cấp về đạo đức, cổ xúy lối sống tự do, vô cảm, tư tưởng phá vỡ truyền thống, học theo cách sống phương Tây của một bộ phận người dân, trong đó phần không nhỏ là giới trẻ, đã dẫn đến hiện tượng lệch chuẩn về đạo đức, văn hóa, lệch lạc trong hành vi, gây nguy hại cho xã hội. Những bất ổn về mặt tâm lý của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội cũng được xem là một nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Bởi sự bế tắc từ cuộc sống thực bị dồn nén khiến những đối tượng này có mong muốn trút vào một không gian ảo, để được giải tỏa.

Pháp luật Việt Nam hiện đã có những quy định rõ ràng, cụ thể về các hành vi được phép và bị nghiêm cấm trên không gian mạng. Những hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội không chỉ không phù hợp chuẩn mực đạo đức, văn hóa mà còn không phù hợp các nguyên tắc trong Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021; đồng thời vi phạm những điều khoản trong Luật An ninh mạng 2018. Chúng ta đều hiểu rằng, khi đưa ra ý kiến, bình luận, chia sẻ nội dung… trên mạng xã hội đều trực tiếp tác động đến cộng đồng. Vì thế, hành vi này không còn ở trong phạm vi ứng xử cá nhân mà đã trở thành hoạt động cộng đồng cho nên bắt buộc người bình luận phải tuân thủ những giới hạn mà các quy định và luật pháp cho phép. Vượt qua giới hạn đó là vi phạm pháp luật, cần được khuyến cáo, cao hơn là xử phạt nghiêm khắc để cá nhân tự điều chỉnh nhận thức, hành vi và ngăn chặn những hậu quả xấu có thể xảy ra.

Khi nhóm, hội có hành vi vi phạm các quy định thì thành viên trong nhóm tùy hành vi và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý. Cụ thể, theo Ðiều 101 Nghị định 15/2020/NÐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, xử phạt từ 10 triệu-20 triệu đồng đối với những hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm. Còn theo Luật An ninh mạng, tại Ðiều 9 quy định rõ: Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật An ninh mạng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh sự nghiêm minh của pháp luật, các biện pháp siết chặt quản lý không gian mạng từ cơ quan có thẩm quyền, vai trò của dư luận xã hội trong việc định hướng và điều chỉnh hành vi đạo đức của con người thông qua cơ chế giám sát cũng hết sức cần thiết. Ðiều này sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Và quan trọng nhất vẫn là ý thức của người sử dụng mạng xã hội. Mỗi cá nhân tham gia sử dụng mạng xã hội cần có một nền tảng văn hóa, ý thức tuân thủ pháp luật, không tham gia các hội, nhóm tiêu cực, không tự biến mình thành những mối nguy cơ trên mạng xã hội. Khi chia sẻ, đăng tải hay cung cấp thông tin phải trung thực, khách quan, bảo đảm tính chính xác, tin cậy, có lợi cho xã hội và đất nước; không lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật… Khi phát hiện các dấu hiệu tiêu cực trên không gian mạng, cần thông tin kịp thời tới cơ quan chức năng. Thực hiện tốt các yêu cầu này, sự xuất hiện của các hội, nhóm tiêu cực trên không gian mạng sẽ tự biến mất ■

MINH ANH

Theo  Nhân dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây