Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đến thăm và làm việc tại Việt Nam mang theo thông điệp mạnh mẽ về sự coi trọng của tổ chức này đối với quan hệ đối tác Việt Nam – Liên Hiệp Quốc 45 năm qua. Trong khi hầu hết người Việt Nam tự hào với vị thế đất nước đang lên, thì đâu đó vẫn còn những kẻ khó chịu, những tổ chức thiếu thiện cảm lại tìm mọi cách bôi đen.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guiterres thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày (21 và 22/10/2022).
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc khẳng định Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên Hiệp Quốc và tin rằng Việt Nam đang và sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho công việc chung của Liên Hiệp Quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển thế giới. Trước đó, ngày 11/10/2022, cái tên Việt Nam lại được xướng lên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khi chúng ta là 1 trong 14 quốc gia trúng cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền, nhiệm kỳ 2023-2025. Sau khi biết tin Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, bà Caitlin Wiesen, nguyên Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam đã khẳng định, đó là sự ghi nhận những thành tựu mà Chính phủ Việt Nam đạt được trong việc đảm bảo sự an toàn cho người dân, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những âm thanh hậm hực, lạc lõng để phản đối sự việc nêu trên. Họ tìm cách lợi dụng mọi diễn đàn, sự kiện để bôi xấu Việt Nam. Mới đây vào ngày 20/10, một nhóm tự xưng là 14 tổ chức nhân quyền quốc tế và trong nước gửi cái gọi là “thư ngỏ chung kêu gọi Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc António Guterres” nhằm mục đích, thúc giục Việt Nam trả tự do cho 4 bị cáo Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương bị kết án vì tội “trốn thuế”. Đến Việt Nam vào ngày 21, chắc hẳn ông António Guterres phải bật cười nếu thực sự nhận được cái gọi là “thư ngỏ” như trên. Và liệu các tổ chức nhân danh “nhân quyền” ấy họ có nhận ra sự lố bịch khi chỉ trích về nhân quyền đối với một quốc gia vừa được bầu là thành viên hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc hay không?
Việc bao che cho tội phạm trốn thuế cũng thực sự là bất thường, nhất là trong đó có nhiều tổ chức đến từ phương Tây, vốn là nơi mà tội danh này bị phạt rất nặng. Ông Donald Trump ngay từ khi còn đương chức Tổng thống đã phải khốn đốn vì nhiều cáo buộc điều tra liên quan đến việc trốn thuế của công ty mà ông sở hữu. Thủ tướng Đức hiện nay là Olaf Scholz cũng đang phải đối mặt với những cáo buộc có liên quan đến vụ trốn thuế tại ngân hàng Warburg trong thời gian ông đảm nhận chức thị trưởng Hamburg giai đoạn 2011-2018. Tội trốn thuế gây thiệt hại cho ngân sách và không một quốc gia nào có thể dung túng.
Đằng sau việc trốn thuế của bốn đối tượng này có thể là một câu chuyện khác. Vì sao họ không khai báo dòng tiền nhận được và kê khai nộp thuế, phải chăng chỉ để giữ tiền? Hay đó là những đồng tiền phi pháp, được gửi về nhằm chi tiêu cho một mục đích nào đó mà họ không thể nói ra? Không ai có thể trả lời được những câu hỏi đó ngoài chính họ hay chính những tổ chức đang ủng hộ và kêu gào thả họ, nhưng dễ thấy khi đã phạm pháp thì “giấu đầu hở đuôi”.
Cũng qua sự việc này, chúng ta cần nhận diện rõ sự thật, ngoài vấn đề dân chủ, nhân quyền, vấn đề môi trường đã và đang được các đối tượng lựa chọn là một trong những mũi nhọn để kích động, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thâm độc hơn, hành vi cố tình đánh lận, dựng chuyện này còn nhằm làm giảm vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
An Diễm
Nguồn: Cánh cò