Vừa qua, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã có văn bản yêu cầu Netflix gỡ bỏ bộ phim “Little Women” (Ba Chị em) khỏi kho ứng dụng tại Việt Nam vì những phân đoạn xuyên tạc trắng trợn lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở đó…
Series phim “Little Women” bị gỡ khỏi kho ứng dụng Việt Nam vì chứa yếu tố xuyên tạc lịch sử.
Điện ảnh bao giờ cũng cần đến hiện thực lịch sử như một chất men gắn kết đời sống nghệ thuật đầy mộng ảo với thế giới khách quan vốn rất trần tục đến không ngờ. Nhưng, lịch sử chưa bao giờ thực sự cần đến điện ảnh để “nói hộ” lòng mình: Sự thật. Sự thật lịch sử chính là chân lý. Hàng triệu người Việt đã ngã xuống – có những người còn rất trẻ – cũng là một chân lý, mà đã là chân lý thì kể cả điện ảnh có cố tình nói khác đi, dưới lăng kính của người làm nghệ thuật, đều không thể chấp nhận được. “Little Women”, một bộ phim thu hút đông đảo khán giả đại chúng thời gian qua, là một trong số những tác phẩm điện ảnh mang đầy định kiến kiểu như thế.
Đó là định kiến về người Việt, về lịch sử của cả một dân tộc đã đánh đổi máu xương để có hoà bình, đã rơi bao nhiêu là nước mắt để giành lấy độc lập. Về tình hay về lí thì hành động lợi dụng điện ảnh để tâng bốc một đối tượng nào đó và phủ nhận mất mát của một đối tượng khác đã là điều không thể hoan nghênh trong một thế giới cởi mở và hợp tác. Do đó, quyết định của cơ quan chức năng Việt Nam vừa qua nhận được không ít sự đồng tình từ đại chúng. Và phía nhà sản xuất phim “Little Women” đã xin lỗi sau khi phim bị Netflix gỡ bỏ. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở đó.
Đồng ý rằng cơ quan chức năng đã vào cuộc và tỏ rõ quyết tâm chấn chỉnh. Nhưng, có vẻ như sự vào cuộc này là khá trễ vì sự vụ đã nổi lên gần 2 tuần nay. Khi bộ phim đã được công chiếu đến tập 8 với số lượt rating cao ngất ngưởng, khi cộng đồng mạng vào cuộc chỉ ra những sai lệch về quan điểm, cơ quan chức năng mới lên tiếng. Điều đó cho thấy một thực tế: Công tác quản lý thực sự chưa hoạt động hiệu quả. Để tình trạng tương tự không có cơ hội xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống văn hoá, nghệ thuật của nước nhà, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, định chế cho ngành kiểm duyệt ở Việt Nam. Khung pháp lý hữu hiệu, bao quát nhiều vấn đề có thể phát sinh do đặc thù của sáng tạo nghệ thuật, là phương án đầu tiên và có lẽ cũng là quan trọng nhất khi chúng ta muốn có một môi trường điện ảnh trong lành, bổ ích.
Một trong những đoạn hội thoại có nội dung xuyên tạc lịch sử của bộ phim khiến dư luận phẫn nộ, lên án.
Thứ hai, hỗ trợ, đầu tư một cách bài bản, có hệ thống cho từng khán giả trở thành những “kiểm duyệt viên” chất lượng cũng là một cách khác giúp ngành kiểm duyệt nước nhà thêm khởi sắc. Sự vụ vừa qua là một minh chứng cho tinh thần yêu nước, dám lên tiếng của số đông quần chúng trước một sản phẩm nghệ thuật đầy định kiến đến từ xứ xở Kim Chi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta xem thường, bỏ qua công tác giáo dục quần chúng. Bởi thưởng lãm nghệ thuật cũng là một loại kĩ năng cần được rèn giũa. Cần tiếp tục mở rộng giáo dục, tuyên truyền, hỗ trợ phát triển kỹ năng này trong nhân dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên.
Những gợi ý này có thể thực tế hoặc không, tuy nhiên, chúng đều xuất phát từ mong mỏi quốc gia có một môi trường nghệ thuật tích cực, lành mạnh. Để không một ai hiểu sai về lịch sử dân tộc, để máu xương các anh hùng đã ngã xuống vẹn nguyên ý nghĩa thuở nào, chúng ta tuyệt đối không thể im lặng làm ngơ trước cái nhìn thiên lệch của điện ảnh nước ngoài. Và để những sự vụ tương tự không có cơ hội xảy ra, ngành kiểm duyệt cần đi vào thực chất.
Khánh Đăng
Nguồn: Cánh cò